Liên quan đến việc triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em”, ngày 11/1, văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi cho biết, vừa có văn bản gửi Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương này để truyền đạt ý kiến của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
Nhiều học sinh vùng khó khăn, học sinh nghèo đang ngóng chờ máy tính từ chương trình "sóng và máy tính cho em". Ảnh: AN |
Theo đó, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan khẩn trương rà soát và trực tiếp báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo kết quả triển khai chương trình “sóng và máy tính cho em” trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.
Thông báo nhu cầu cấp máy tính bảng theo chương trình này trong năm 2023 do phát sinh thêm đối tượng. Đồng thời, tổng hợp báo cáo, trình Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét cho phép sử dụng số tiền còn lại hơn 7,852 tỷ đồng và bổ sung kinh phí để thực hiện chương trình trên địa bàn tỉnh năm 2023 theo quy định.
Sau khi có ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục chịu trách nhiệm phối hợp với các cơ quan đơn vị liên quan để kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện việc mua sắm thiết bị máy tính bảng cấp cho học sinh trên địa bàn thuộc chương trình “sóng và máy tính cho em” theo đúng trình tự, thủ tục và thời gian quy định.
Lãnh đạo sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ngãi cho hay, nguồn kinh phí để thực hiện chương trình “sóng và máy tính cho em” trên địa bàn là hơn 46,7 tỷ đồng. Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo hỗ trợ 45 tỷ, còn hơn 1,765 tỷ đồng là từ nguồn kêu gọi, ủng hộ từ trong và ngoài ngành.
Đến cuối năm 2022, Quảng Ngãi đã chi hơn 38,9 tỷ đồng để mua 15.899 máy tính bảng cấp phát cho học sinh. Hiện địa phương này đang tiếp tục sử dụng nguồn tiền còn lại để mua sắm máy tính.
Trước đó, ngày 20/12/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Bình Thuận, Đắk Nông, Gia Lai, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Kon Tum, Quảng Ngãi, An Giang về việc đôn đốc triển khai chương trình này (lần 2).
Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, quá trình mua sắm đã kéo dài suốt từ đầu năm 2022 đến nay vẫn chưa hoàn thành, một số nơi có biểu hiện chiếm dụng tiền tài trợ để gửi ngân hàng lấy lãi. Việc triển khai ở các địa phương lại rất chậm trễ, gây bức xúc cho giáo viên, học sinh, đi ngược với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại buổi lễ phát động.