Quảng Ninh: Chuyển đổi số, ứng dụng CNTT trong giáo dục là xu hướng tất yếu

25/11/2023 10:24
Phạm Linh
GDVN- Ngành GD&ĐT Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng CNTT trong công tác quản lý và công tác chuyên môn.

Những năm gần đây ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Ninh xác định chuyển đổi số là xu hướng tất yếu. Từ đó, ngành đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong công tác quản lý và công tác chuyên môn.

Cụ thể, từ năm 2009, từ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đến các phòng Giáo dục và Đào tạo, cơ sở giáo dục đã sử dụng phần mềm quản lý văn bản trực tuyến trong ngành.

Phần mềm này giúp số hóa và xử lý 100% văn bản đi, đến trong ngành; 100% cán bộ, chuyên viên, nhân viên trong ngành có tài khoản, chữ ký số để truy cập và xử lý công việc.

Cùng với đó, 100% cơ sở giáo dục sử dụng phần mềm quản lý nhà trường tại địa chỉ http://qlth.quangninh.edu.vn để quản lý toàn diện học sinh, giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị, tài chính, tài sản. 100% các trường thực hiện quản lý, sử dụng sổ điện tử thay cho hồ sơ giấy.

Hệ thống tuyển sinh đầu cấp trực tuyến trong toàn tỉnh theo hướng liên thông đang được nghiên cứu thí điểm.

Ngành giáo dục và đào tạo Quảng Ninh đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong công tác quản lý và công tác chuyên môn (Ảnh minh hoạ: PL)

Ngành giáo dục và đào tạo Quảng Ninh đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong công tác quản lý và công tác chuyên môn (Ảnh minh hoạ: PL)

Từ năm 2020 đến nay, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cũng chức xây dựng kho video bài giảng từ lớp 1 đến lớp 12 với hàng nghìn bài giảng ở tất cả các cấp học.

Hiện 60,4% trường phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên có nội dung chuyển đổi số được lồng ghép, tích hợp trong chương trình giảng dạy của nhà trường và sử dụng phần mềm dạy học trực tuyến.

21,62% trường phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên triển khai hệ thống quản lý học tập trực tuyến (LMS), hệ thống quản lý nội dung học tập trực tuyến (LCMS); 5% học liệu được xây dựng và số hóa.

Thực hiện chuyển đổi số, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh còn triển khai tới các cơ sở giáo dục thanh toán không dùng tiền mặt. Đến nay có 88,5% số cơ sở giáo dục thanh toán học phí không dùng tiền mặt.

Từ những con số trên có thể thấy, chuyển đổi số trong giáo dục đang tác động tích cực đến công tác quản lý, dạy và học tại các cơ sở giáo dục .

Từ nay đến năm 2025, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh đặt mục tiêu tiếp tục đổi mới phương thức tổ chức giáo dục, đưa dạy và học trên môi trường số trở thành hoạt động giáo dục thường xuyên, liên tục.

Phấn đấu đến năm 2030 tất cả các thành tố trong hệ thống giáo dục của tỉnh được đưa vào môi trường số.

Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, khai thác và sử dụng hiệu quả phương tiện, thiết bị công nghệ thông tin nhằm đổi mới, sáng tạo trong dạy và học, nâng cao chất lượng và cơ hội tiếp cận giáo dục, hiệu quả quản lý giáo dục, từng bước xây dựng nền giáo dục mở, thích ứng trên nền tảng số.

Các địa phương triển khai ứng dụng công nghệ thông tin như thế nào?

Ngành giáo dục thị xã Đông Triều là một trong những đơn vị tiên phong trong việc thử nghiệm, ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện chuyển đổi số vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Tiết tin học tại Trường Trung học cơ sở Mạo Khê 2, thị xã Đông Triều (Ảnh: CTV)

Tiết tin học tại Trường Trung học cơ sở Mạo Khê 2, thị xã Đông Triều (Ảnh: CTV)

Theo bà Phạm Thị Thanh Tâm - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Đông Triều, thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 14/10/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã về phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án phát triển GD&ĐT đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Phòng giáo dục và đào tạo đã tham mưu cho Uỷ ban nhân dân thị xã xây dựng các kế hoạch, đề án, giải pháp để tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông trong quản lý, dạy học và thực hiện chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục, mầm non, tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn.

Trong đó, nội dung, nhiệm vụ trọng tâm là nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số ở các cấp học, tập trung vào hoạt động quản lý, điều hành và dạy học; xây dựng chính quyền điện tử và thực hiện chuyển đổi số các cấp.

Đồng thời, xây dựng đội ngũ, bồi dưỡng nâng cao trình độ, nghiệp vụ, kỹ năng và kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ giáo viên, nhân viên làm công tác khoa học và người trực tiếp làm nhiệm vụ nghiên cứu,ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục.

Bên cạnh đó, bố trí nguồn lực, thu hút xã hội hóa các nguồn lực hợp pháp để đầu tư, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin.

Thực hiện chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục và toàn ngành giáo dục của thị xã theo hướng hiện đại, đi tắt đón đầu, liên thông với ngành dọc, liên thông với các phòng, ban, các đơn vị trong hệ thống chính quyền điện tử từ Trung ương đến địa phương.

Xây dựng cơ sở dữ liệu số từ các cơ sở giáo dục đồng bộ đến Bộ Giáo dục và Đào tạo với phương châm cơ sở dữ liệu đầy đủ, sạch, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội và đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.

Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã cũng tổ chức triển khai hiệu quả các hoạt động dạy tin học trong các trường tiểu học và trung học cơ sở, trẻ mẫu giáo làm quen với tin học.

Tổ chức triển khai thường xuyên, hiệu quả và phù hợp các cuộc thi, hội thi (khoa học công nghệ, khoa học kỹ thuật, Tin học trẻ,…) với các cơ sở giáo dục có cấp tiểu học, trung học cơ sở. Thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

Lớp học thông minh ở Trường Tiểu học Vĩnh Khê, thị xã Đông Triều (Ảnh: CTV)

Lớp học thông minh ở Trường Tiểu học Vĩnh Khê, thị xã Đông Triều (Ảnh: CTV)

Triển khai đồng bộ các giải pháp cũng với nỗ lực của toàn ngành giáo dục, thị xã Đông Triều đã tổ chức triển khai thực hiện tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thị xã và đạt được một số kết quả trong các cuộc thi, hội thi năm học 2022-2023.

Hiện, tất cả các trường học trên địa bàn thị xã đều được trang bị ít nhất 1 đường truyền Internet tốc độ cao (67/75 trường có 2 đường truyền FTTH riêng biệt); 68/75 trường đã lắp đặt hệ thống camera phục vụ công tác quản trị, công khai trong trường học; 98,6% các lớp học đều được lắp đặt thiết bị công nghệ thông tin phục vụ công tác dạy và học; 100% trường học đều triển khai ký số với các văn bản lưu thông trên Internet.

Ngoài ra, năm nay là lần thứ 12 liên tiếp thị xã Đông Triều được trao giải Nhất toàn đoàn tại Hội thi Tin học trẻ tỉnh Quảng Ninh. Thị xã cũng đạt 3 giải Nhì, 2 giải Ba, 3 giải Khuyến khích tại Hội thi Tin học trẻ toàn quốc lần thứ XXIX, năm 2023 và nhiều giải thưởng trong các cuộc thi khác.

Cũng theo Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Đông Triều, với mục tiêu từng bước đồng bộ hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ công tác ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số toàn diện trong giáo dục, trong thời gian tới ngành sẽ triển khai một số giải pháp.

Cụ thể, đối với hệ thống phần mềm, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã sẽ tiếp tục hoàn thiện và sử dụng có hiệu quả hệ thống phòng giáo dục điện tử https://dongtrieu.edu.vn/ với các phân hệ như tuyển sinh đầu cấp trực tuyến, tư liệu, giáo án, bài giảng điện tử, phân hệ lịch sử Đông Triều.

Tiếp tục sử dụng có hiệu quả hệ thống quản lý trường học SMAS được Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai và các hệ thống cơ sở dữ liệu ngành giáo dục và đào tạo, hệ thống phổ cập xóa mù chữ…

Hệ thống phần cứng, cơ sở vật chất, thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở giáo dục cũng sẽ được nâng cấp và đầu tư mới.

Phạm Linh