Quảng Ninh: Nâng cao chất lượng nhà giáo, cán bộ quản lý là khâu then chốt

20/09/2023 16:17
Phạm Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý, Quảng Ninh tổng rà soát cán bộ, quản lý toàn ngành giáo dục, thực hiện phương châm “có lên, có xuống, có vào, có ra”.

Ngày 20/9, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh họp, nghe và cho ý kiến về 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của BCH Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghệ hoá – hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Ông Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh chủ trì. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới các địa phương cấp huyện, cấp xã trong toàn tỉnh.

Quang cảnh cuộc họp (Ảnh: CTTĐT)

Quang cảnh cuộc họp (Ảnh: CTTĐT)

Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của BCH Trung ương Đảng, Quảng Ninh đã thực hiện đồng bộ với các cơ chế, chính sách, nguồn lực ưu tiên cho phát triển giáo dục và đào tạo.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, đồng bộ, hiện đại. Đồng thời, quy mô giáo dục không ngừng được mở rộng, phát triển mạnh hệ thống trường lớp với chất lượng ngày càng được nâng lên, cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu học tập của nhân dân.

Hiện, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia tại tỉnh đạt trên 89% và công tác xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh. Quảng Ninh là một trong những địa phương có tỷ lệ trường ngoài công lập trung học phổ thông đứng đầu cả nước.

Trong 10 năm qua, tỉnh đã hoàn thành các mục tiêu cụ thể Nghị quyết 29 đề ra. Trong đó, nhiều nội dung đã đạt và vượt như: chỉ tiêu huy động trẻ trong độ tuổi mẫu giáo; chỉ tiêu chăm sóc trẻ chống suy dinh dưỡng cả hai thể; thanh niên có trình độ trung học phổ thông và tương đương, các chỉ tiêu về xóa mù chữ; học sinh đi học đúng độ tuổi ở tiểu học, trung học cơ sở.

Đặc biệt, khoảng cách chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa nông thôn, miền núi và thành thị dần được thu hẹp.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được mở rộng đáp ứng yêu cầu của xã hội; xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh. Từ đó tạo được sự chuyển biến tích cực, thu hút các nguồn lực của xã hội, sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân đến sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo.

Cùng với đó, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có bước phát triển mới, cơ bản bảo đảm về số lượng, hợp lý về cơ cấu, nâng cao về chất lượng (tỷ lệ giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn đạt 84,2%), phân bố khá toàn diện ở các cấp học, địa bàn.

Chất lượng giáo dục và đào tạo ngày càng được nâng lên; khoảng cách chênh lệch về cơ hội tiếp cận và chất lượng dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo giữa các vùng miền, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và đối tượng người nghèo, người yếu thế ngày càng được thu hẹp.

Tỉnh Quảng Ninh cũng đã được công nhận đạt phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2, đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; chất lượng giáo dục mũi nhọn có nhiều chuyển biến; tổ chức thành công kỳ thi tuyển sinh lớp 10 và kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hằng năm.

10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của BCH Trung ương Đảng, Quảng Ninh đã thực hiện đồng bộ với các cơ chế, chính sách, nguồn lực ưu tiên cho phát triển giáo dục và đào tạo (Ảnh: PL)

10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của BCH Trung ương Đảng, Quảng Ninh đã thực hiện đồng bộ với các cơ chế, chính sách, nguồn lực ưu tiên cho phát triển giáo dục và đào tạo (Ảnh: PL)

Giải pháp đổi mới toàn diện giáo dục trong giai đoạn tới

Nhằm tiếp tục đổi mới, tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng giáo dục trong giai đoạn tới, Quảng Ninh đã ban hành Chỉ thị số 38-CT/TU ngày 5/9/2023 của BTV Tỉnh ủy với các mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030.

Mục tiêu là tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng giáo dục phổ thông. Phấn đấu Quảng Ninh là một trong những tỉnh, thành phố đi đầu trong phát triển giáo dục thông minh, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục, dạy học và đánh giá chất lượng.

Chậm nhất đến năm 2030, nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về trình độ, chất lượng phát triển giáo dục, đào tạo, một trong những trung tâm giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của Vùng; tỉnh học tập tham gia mạng lưới thành phố, tỉnh học tập toàn cầu của UNESCO.

Tỉnh Quảng Ninh xác định phát triển giáo dục - đào tạo là phương diện quan trọng trong mục tiêu nâng cao mọi mặt chất lượng đời sống của nhân dân, bảo đảm hài hòa giữa đời sống vật chất và đời sống văn hóa tinh thần theo các tiêu chí của “hạnh phúc”.

Đặc biệt là việc thực hiện khâu đột phá của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV về “phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng gắn với nhanh chóng tăng quy mô và nâng cao chất lượng dân số”.

Ông Nguyễn Xuân Ký - Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh chỉ đạo tại cuộc họp (Ảnh: CTTĐT)

Ông Nguyễn Xuân Ký - Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh chỉ đạo tại cuộc họp (Ảnh: CTTĐT)

Cùng với đó, tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm, đổi mới thực chất, hiệu quả sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền địa phương, nhất là cấp huyện, cấp xã cùng với ngành giáo dục và đào tạo.

Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quản lý, quản trị nhà trường; siết chặt quản lý chất lượng giáo dục - đào tạo.

Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp là khâu then chốt có tính quyết định để thực hiện mục tiêu đổi mới, phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo.

Tỉnh Quảng Ninh sẽ tiến hành tổng rà soát cán bộ, quản lý toàn ngành giáo dục, thực hiện phương châm “có lên, có xuống, có vào, có ra”.

Kịp thời thay thế những cán bộ quản lý giáo dục, nhất là người đứng đầu các cơ sở giáo dục hạn chế về năng lực, trình độ, giảm sút uy tín, không đáp ứng được yêu cầu đổi mới.

Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Ninh yêu cầu Uỷ ban nhân dân tỉnh xây dựng các kế hoạch, đề án cụ thể hóa Chỉ thị số 38-CT/TU để lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện.

Cân đối, ưu tiên bố trí nguồn lực ngân sách địa phương, kết hợp với huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực xã hội theo quy định đầu tư, phát triển giáo dục đào tạo.

Thường xuyên sâu sát theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra, đánh giá việc tổ chức thực hiện đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương…

Phạm Linh