Tết đến, sợ nhất rụng tóc
- Tại sao người dân mình hay gọi ‘Tết nhất’, mà không phải ‘Tết nhị’, ‘Tết tam’...?
Người ta quan trong nhất là ngày tết. Chả thế mà có câu lo ngày giỗ cha cũng không bằng ba ngày tết còn gì. Đại khái, từ trẻ em tới người lớn đều mong năm mới mình là nhất cả.
- Đố anh điều lạ lùng ngày Tết?
Không quét nhà ra ngoài. Đúng chưa! Bình thường, chả có gia đình nào quét rác hất vào trong nhà nhưng ngày Tết lại khác.
"Chán lắm, cái tuổi nó đuổi xuân đi, năm mới ến, đầu tôi lại rụng đi một ít tóc" |
- Lý giải của anh?
Người ta sợ hất lộc ra ngoài cho người khác hưởng. Ngày Tết ai mà ăn được nhiều thì bày rác nhiều, cái lộc đấy mà lại trang trải ra chỗ khác thì người khác hưởng mất.
- Ý niệm quen thuộc của anh khi nhắc tới Tết?
Lại tới Tết.
- Nhiều người nói câu này, chả riêng anh!
Chán lắm, cái tuổi nó đuổi xuân đi, năm mới đến, đầu tôi lại rụng đi một ít tóc. Sợ nhất đấy.
- Thấy thiên hạ đồn, anh có kiểu mừng giao thừa ‘độc’ lắm!
À đúng đấy, nhưng bây giờ không có cơ hội làm nữa rồi.
- Anh thấy nó hết ‘độc’ rồi à?
Không phải. Chả là ngày trước ở nhà cũ, có cái quạt trần nên cứ đêm giao thừa, tôi hay để xếp tiền lì xì ở trên cánh quạt. Thời khắc cả nhà sum vầy là bật quạt cho tiền bay khắp nơi. Nhà có trẻ nhỏ thích mê luôn! Từ hồi sang nhà mới không có quạt trần nữa thì đành chịu chứ biết làm sao.
- Mong muốn nhận được trong ngày Tết?
Ai đó mời diễn ngay đầu năm.
- Lại thích tiền rồi?
Ý, đừng hiểu nhầm. Là vì khi đó sẽ mang tiếng cười đến cho mọi người. Mà kể cũng có thêm tý tiền nữa, cũng vui.
- Láu cá nhỉ?
Quang Thắng mà!
- Một sô diễn xa nhà ngày Tết với số tiền cát –xê ngất ngưởng có lôi được anh ra khỏi nhà?
Không đi. Tiền nhiều cũng chả đổi được hạnh phúc, niềm vui bên vợ con. À, ngoài mùng 4 thì đi được.
- Đêm giao thừa, một ông tiên cho anh 3 điều ước?
Gớm, làm như tôi còn trẻ con ấy là lừa!
- Thì hãy trở về tuổi thơ một lúc?
Ước cho gia đình sức khỏe, lúc nào cũng nhiều tiền, các con học hành giỏi giang. Thế là tôi hạnh phúc lắm rồi.
- Đấy, anh đúng là mê tiền còn chối?
Sống bây giờ phải thực tế tý. Viển vông, sống sách vở quá mà làm gì. Không tiền có sống hạnh phúc nổi không.
Nể phục nhất bác Phạm Bằng
- À, chuyển sáng Táo Quân, xin hỏi anh câu này: Đi đường, bỗng có người lạ chỉ vào mặt bảo: Ông không đủ tư cách đóng táo quân. Dừng đi! Anh làm thế nào?
Tôi sẽ bảo: Thế thì lần sau mời anh lên đóng thử.
- Tiếp tục xuất hiện người thứ 2 nói câu đó?
Thì lại nói: Nếu anh xem không thích thì tắt tivi nhé!.
- Thêm người thứ 3, nhưng chính là Đạo diễn Táo quân – Đỗ Thanh Hải?
Ca này khó. Một người như thế mà nói thì phải xem lại bản thân rồi. Đầu tiên sẽ rất buồn, sau đó xem mình có đủ sức lực và tiềm năng để diễn nữa không.
- Ai là bạn diễn ăn ý của anh?
Vân Dung và Quốc Khánh.
- Chỉ chọn 1?
Quốc Khánh.
- Tôi cá hỏi 10 người thì 9 người nói anh chọn Vân Dung?
Như vậy mới chỉ 1 người hiểu Thắng rồi. Chết thật! Tôi thân với anh Khánh còn trước cả Vân Dung.
- Biết tật xấu của Quốc Khánh chứ?
Ngủ nhiều quá, thích màu hồng, màu vàng. Anh Khánh hay đi chơi khuya lắm.
- Hẳn Quốc Khánh cũng chính là người anh nể phục trong nghiệp diễn hài?
Không, là bác Phạm Bằng. Bác lớn tuổi thế, đáng nghẽ ưu tiên hết mọi thứ từ lời lẽ, đi lại, nhưng bác vẫn sống như một thanh niên còn trẻ. Nếu mình sống được đến 83 tuổi như bác cũng chả được như bác ấy bây giờ đâu. Tôi luôn lấy đó là tấm gương để soi.
- Anh đánh giá ai là gương mặt ăn khách nhất làng hài?
Xuân Bắc.
- Sự hấp dẫn của Xuân Bắc đến từ đâu?
Bắc biết cách làm khán giả phải mê. Bắc được lòng các em nhỏ, mà các em nhỏ cứ trưởng thành, lớn dần lên và sẽ ghi nhớ chú Bắc thôi. Mình thì không làm được, không chiều được các em nhỏ như vậy.
- Không được lòng em nhỏ, Quang Thắng có được lòng…em lớn?
Thỉnh thoảng cũng được một tý.
- Người hâm mộ nhận ra Quang Thắng chào thế nào?
Ê, thằng mũi to.
- Biệt danh này gắn bó anh khi nào?
Từ bé tý luôn. Năm 1994, diễn vở kịch ‘Lên tiên’ ăn khách ở Hải Phòng thì còn được gọi bằng một biệt danh nữa là Thắng nghiện.
Vợ là cơm rang, con là vàng ngọc
- Nói ngắn gọn về vợ?
Với tôi là cơm rang, còn người ngoài là phở, là đặc sản.
- Vợ là cơm rang, còn anh là gì?
Người rang cơm hoặc người đói hay ăn cơm rang.
- Còn con cái?
Là vàng là ngọc rồi.
- Nghe đã thấy ‘phân biệt đối xử’ rồi?
Con là tài sản vô giá mà.
- Có nghĩa vợ là tài sản không có giá?
Ơ, có chứ! Nhưng nếu xét cho cùng một điều gì đó thì con cái là tài sản không thay thế được. Đại khái thế!
- Anh quen vợ như thế nào?
Tôi ở cơ quan nhìn sang đường thấy cô bé xinh xinh thế là nhấm nháy, hẹn hò. Lúc ấy cô mới học lớp 10, hay sang Rạp tháng 8 Hải Phòng xem diễn, còn nhận xét về tôi là, trông cái thằng đó mặt buồn cười chưa. Vì cái ‘buồn cười’ ấy mà giờ phải làm vợ tôi đấy.
- Thấy hàng xóm khen anh làm việc gia đình cứ như…phụ nữ đích thực ấy?
Cuộc sống gia đình phải biết chia sẻ. Lỗi của mình là đi quá nhiều nên khi về nhà là dốc toàn tâm với gia đình, bạn bè rủ đi nhậu cũng phải xin phép.
- Anh giỏi nhất khả năng gì của phụ nữ?
Nấu ăn rất khéo. Tôi hay được tham gia chương trình bếp núc như Ở nhà chủ nhật, Vào bếp với người nổi tiếng, Ẩm thực độc đáo nên có tý kinh nghiệm.
- Điều quý nhất ở vợ là gì?
Chịu khó, biết nghe lời. Chăm sóc 3 đứa con nhỏ quá vất vả. Nhức đầu lắm. Cả đời chả được đi đâu, chăm con suốt thôi.
- Yêu vợ thế, nhỡ 1 ngày nào đó vợ bảo muốn ly dị anh thì sao?
Tôi ngắt lời tý đã. Hỏi gì khoai thế. Chắc đó là ngày tận thế của tôi.
- Câu đầu tiên nói với vợ trường hợp đó là gì?
Cái này là đùa hay thật hả em ơi! Chắc nói phải nghẹn ngào lắm ấy.
- Vợ anh bảo: Thật!
Thế thì chịu. Hơi bị buồn là chắc, nhưng sẽ bảo vợ, thôi em cứ đi lấy xem có ai tốt hơn anh không. Nếu không hạnh phúc thì cứ quay lại, anh vẫn chờ.
- Ly dị, tòa phân xử anh được chọn nuôi 1 trong 3 đứa con?
Không, tôi chọn cả 3 chứ!
- Tòa buộc phải chọn!
Cái này khó. Chả lựa chọn, không… ấy được đâu. Hiểm quá! Đùa thành thật chết dở đấy.
- Anh hay làm vợ cười bằng cách nào?
Tôi nói ‘I Love You’.
- Lãng mạn thế?
Ừ, nghệ sỹ mà. Cứ lúc nào 2 đứa quyến luyến hoặc gì đấy thì nói.
- Anh gọi tên vợ lãng mạn như nói từ ‘I love you’ không?
Vợ tôi tên Hảo, nên hay gọi là ‘Hảo lớ’ơi – Đây là phiên âm tiếng Trung Quốc, dịch ra là tốt, tốt đấy.
- Câu nói ‘đặc sản’ của anh?
Lúc nào chả ‘Đại khái thế’
- Thú chơi?
Trước thì nhiều, giờ rơi rụng hết rồi. Tôi thích sưu tầm rượu và có mấy trăm chai rượu nhỏ là kết quả của những lần đi nước ngoài. Đại khái nhiều lắm.
- Sưu tầm rượu phải mê rượu là chắc?
Không. Tôi uống tý vào là say. Chơi vui thôi. Đại khái thế!