Về chiến lược tổng thể
Thời hạn cuối năm 2019 ghi trong quy hoạch báo chí theo Quyết định 362/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã cận kề.
Bài viết này chỉ là vài góp ý nhỏ gửi tới lãnh đạo Chính phủ và các cơ quan quản lý với mục đích làm sao để “Quy hoạch báo chí” phù hợp với yêu cầu “Xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Quy hoạch báo chí là vấn đề quốc gia đại sự, một cá nhân không thể nắm bắt thấu đáo nên bài viết chỉ đề cập đến quy hoạch liên quan đến các cơ quan báo chí trực thuộc các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội trung ương, tập trung vào báo điện tử.
Quan điểm chỉ đạo trong Quyết định 362/QĐ-TTg ghi:
“Nhà nước có cơ chế, chính sách tài chính, đào tạo, tạo điều kiện cần thiết cho báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền đồng thời khuyến khích các cơ quan báo chí tăng cường huy động nguồn lực phát triển nhưng phải bảo đảm đúng tôn chỉ, mục đích, không chạy theo lợi nhuận thuần túy, không để tư nhân sở hữu báo chí, không để nhóm lợi ích chi phối báo chí”.
Có hai quy hoạch đã được dự kiến nhiều năm: “Quy hoạch báo chí” và “Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học”.
Có lẽ giáo dục có một số vướng mắc (hoặc chưa phải là cấp thiết) nên cho đến nay vẫn chưa thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra kế hoạch cụ thể và cũng chưa thấy Thủ tướng có chỉ đạo gắt gao về thời điểm phải hoàn thành quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học như với quy hoạch báo chí.
Quy hoạch báo chí là vấn đề quốc gia đại sự. (Ảnh minh họa: VTV) |
Theo một thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2018 thì:
“Hiện cả nước có 857 cơ quan báo, tạp chí in, trong đó, cơ quan báo in có 86 cơ quan Trung ương, 107 cơ quan địa phương.
Tạp chí in có 350 đơn vị Trung ương, 134 đơn vị địa phương. Báo điện tử và tạp chí điện tử có 159 đơn vị. Cả nước hiện tại cũng có 67 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương.
Số lượng thẻ nhà báo đã cấp mới trong 6 tháng đầu năm là 1.066, trong đó cấp mới 1.032 thẻ, cấp lại 34 thẻ. Đến nay, tổng số thẻ nhà báo đã cấp là 19.166 thẻ. [1]
Số liệu thống kê nêu trên chưa đầy đủ vì chưa tính đến các “Đài truyền thanh, truyền hình” cấp huyện. Các “đài” này hầu như chỉ đưa lại tin tức của cơ quan khác trong khi cơ sở vật chất và lương nhân viên đều tiêu tốn ngân sách nhà nước.
Với cấp tỉnh, theo dõi chương trình của các đài truyền hình tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, không khó để thấy phim Hàn Quốc, Trung Quốc chiếm thời lượng phát sóng đáng kể.
Tuy đáp ứng một phần thị hiếu của người xem song không thể phủ nhận chính phim ảnh nước ngoài đã góp phần quảng bá cho văn hóa (đôi khi là mưu đồ) của quốc gia (vùng lãnh thổ) sản xuất phim.
Không ít trường hợp phim ảnh gây hại đến chủ quyền quốc gia, an ninh Việt Nam như một số phim Trung Quốc cài cắm đường lưỡi bò chiếu rạp trong thời gian gần đây.
Bộ trưởng… mời cơm! |
Có hai vấn đề nên được quan tâm lúc này:
Thứ nhất, cùng với việc ban hành quy hoạch báo chí, có cần rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, nâng cấp hoặc sửa đổi nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan trực tiếp quản lý báo chí thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông theo luật định?
Thứ hai, có cần đặt “Quy hoạch báo chí” trong chiến lược tổng thể quản lý nhà nước, chẳng hạn “Quy hoạch đất trồng lúa”, “Quy hoạch cảng biển”, “Quy hoạch đơn vị hành chính”, “Quy hoạch phân bổ dân cư”; “Quy hoạch nguồn nước sinh hoạt toàn quốc”,…?
Nói cách khác có cần thành lập một “Bộ tham mưu” nghiên cứu thêm những vấn đề liên quan đến công tác quản lý tất cả các lĩnh vực và những bước đi cụ thể để quá trình quy hoạch báo chí thực hiện theo chỉ đạo, tuân thủ pháp luật nhưng vẫn bảo đảm tính nhân văn, không làm phát sinh những hệ lụy không đáng có và quan trọng nhất là đồng bộ, khoa học, nghiêm minh.
Trong bài “Bộ trưởng … mời cơm” đăng trên Giaoduc.net.vn ngày 13/11/2019 người viết đã đề cập tới sự đồng bộ ở tầm vĩ mô của các chủ trương, quyết sách, nay xin bàn kỹ thêm một chút về vấn đề này.
Trong hoạt động kinh tế, việc tư nhân tham gia vào hầu hết các ngành nghề và vai trò quan trọng của nhà đầu tư tư nhân đã được các vị lãnh đạo đề cập khá chi tiết, đã trở thành chiến lược phát triển không thể đảo ngược.
Ngay trong lĩnh vực quốc phòng, sự đan xen các hoạt động kinh tế với quốc phòng cũng rất rõ nét, Quân đội có Ngân hàng quân đội, Xăng dầu quân đội, Viễn thông quân đội,…
Các tổng công ty trực thuộc Bộ Quốc phòng hiện diện trong các dự án dân sự là điều bình thường. Sự đa dạng còn thấy ngay trong lực lượng thuần túy quân sự, chẳng hạn Quân chủng Hải quân ngày nay có Không quân hải quân, Lính thủy đánh bộ,…
Hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực trong kinh tế, văn hóa, giáo dục,… là xu hướng diễn ra khắp thế giới và Việt Nam không phải là ngoại lệ.
Xin nêu thêm vài nét mang tính tổng quan về bốn lĩnh vực quan trọng đối với đời sống xã hội và tương lai đất nước là Y tế, Giáo dục, Văn hóa và Tài nguyên môi trường.
Y tế là lĩnh vực liên quan trực tiếp tới sinh mạng con người, trong lĩnh vực này, tư nhân được phép đầu tư xây dựng bệnh viện, mở phòng khám, được mở lớp đào tạo nhân lực ngành y trình độ đại học,…
Bộ làm gì để quy hoạch báo chí đúng luật, không gây hệ lụy xã hội? |
Người nước ngoài được cấp chứng chỉ hành nghề y tại Việt Nam nếu đáp ứng quy định tại điều 19 Luật khám bệnh, chữa bệnh.
Thậm chí không ít phòng khám do người Việt đứng tên nhưng nhân sự lại là người Trung Quốc.
Các “Bác sĩ Trung Quốc” này không chỉ hoạt động công khai mà không ít trường hợp còn hoạt động chui tại các phòng khám ngay trong các khu đô thị.
Báo Tuoitre.vn viết: “Ngoài giở chiêu trò "chặt chém" bệnh nhân ngay trên bàn mổ, các "bác sĩ" Trung Quốc còn lộ rõ trình độ chuyên môn yếu kém, không nắm được căn bản, thậm chí không có khả năng về lĩnh vực sản khoa”…. [2]
Trong lĩnh vực Dược, tư nhân được phép xây cơ sở sản xuất thuốc, được kinh doanh buôn bán thuốc đông y và tây y.
Những vụ việc cướp đi sinh mạng nhiều bệnh nhân cùng lúc như vụ chạy thận tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình khiến 8 bệnh nhân tử vong, vụ sản xuất thuốc chống ung thư bằng than tre tại Hải Phòng,… đều liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp tư nhân.
Vụ buôn bán 9.300 hộp thuốc H-Capita (thuốc chống ung thư) xảy ra tại Công ty cổ phần VN Pharma đã được Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đưa ra xét xử, các bị can đã nhận các bản án nghiêm khắc,…
Lĩnh vực Tài nguyên, môi trường, vụ việc liên quan đến nguồn nước sạch Sông Đà cung cấp cho người dân vừa qua mới chỉ là tiếng chuông cảnh báo.
Liệu có cần một quy hoạch tổng thể, chấm dứt khai thác nước ngầm, không để người nước ngoài tham gia kinh doanh nước sạch - lĩnh vực liên quan trực tiếp đến sức khỏe, sinh mạng người dân?
Lĩnh vực Giáo dục, số liệu trong “Tờ gấp Giáo dục đào tạo 2018” (Tờ gấp) của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết tỷ lệ cơ sở giáo dục ngoài công lập so với công lập như sau: [3]
Đại học - 65/236; Mầm non - 2.594/12.662; Tiểu học - 242/14.695; Trung học cơ sở - 23/10.068; Trung học phổ thông - 284/2.114. Cấp Mầm non không có số liệu trong Tờ gấp nên phải tìm tại địa chỉ [4].
Tư nhân tham gia vào mọi hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo từ lúc đưa bé lẫm chẫm biết đi đến lúc trở thành cử nhân, kỹ sư, bác sĩ, thạc sĩ, tiến sĩ.
Sự tham gia này chắc chắn góp phần vào việc hình thành nhân cách, kỹ năng sống, tác động đến tư tưởng, tình cảm, nhận thức chính trị, trình độ chuyên môn và lòng yêu nước của nhiều thế hệ người Việt.
Hiện tượng một bộ phận giới trẻ nhận thức lệch lạc về lối sống và nghĩa vụ đối với gia đình, xã hội, ảnh hưởng đến trật tự, an ninh, đến sự phát triển kinh tế và tương lai giống nòi bởi sự xuống cấp giáo dục đã được bàn luận rất nhiều.
Trong lĩnh vực truyền thông, văn hóa, nghệ thuật, tư nhân được phép đầu tư, xây dựng kênh truyền hình, chẳng hạn kênh truyền hình An Viên của Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu AVG.
Vụ mua bán AVG trở thành một vụ án lịch sử khiến nhiều quan chức phải ngồi tù trong đó có tới hai cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Tư nhân cũng được phép đầu tư xây dựng cơ sở in ấn văn hóa phẩm, tham gia kinh doanh trên nhiều kênh của Đài truyền hình trung ương và địa phương như các Gameshow, chương trình giải trí, thi hoa hậu,…
Có một thực tế dễ nhận thấy là đồng bào các dân tộc ít người vùng sâu, vùng xa, thậm chỉ ngay tại ngoại thành một số thành phố lớn, người dân ít đọc báo kể cả báo điện tử nhưng truyền hình không thể thiếu.
Độ phủ sóng của truyền hình đối với người Việt ngày nay rộng khắp hơn, trực tiếp hơn so với báo viết, báo điện tử là một thực tế dù chưa có một thống kê mang tính toàn quốc.
Bên cạnh các yếu tố tích cực, không thể phủ nhận những tiêu cực mà truyền hình mang lại với một bộ phận người xem.
Đơn cử chương trình “Vợ chồng son” phát trên kênh HTV7, tra cứu trên mạng cho thấy hiện đã phát tới tập 325.
Trong chương trình này, chuyện quan hệ tình dục, đặc biệt là quan hệ tình dục trước hôn nhân luôn được hai người dẫn (Quốc Thuận và Hồng Vân) đưa ra những câu hỏi “mồi” để người tham gia trả lời.
Xem một số video clip, không thấy có cảnh báo về lứa tuổi người xem truyền hình, điều mà truyền hình và phim ảnh phương tây thường làm.
Chỉ cần lướt qua một vài tập, thấy đầy rẫy những từ ngữ mô tả quan hệ nam nữ như “thọt vô”, “mấy phát”, “Ổng khôn lắm, ổng tuột (váy) lên”, “Đúng thời điểm là bụp luôn”,…
Phải chăng những người phụ trách kênh HTV7 cho rằng những nội dung đã phát sóng không góp phần kích thích trí tò mò của lứa tuổi học đường, không góp phần làm tăng các vụ xâm hại tình dục?
(Còn nữa)