GV đứng lớp nêu bất cập sách Ngữ văn 12 hiện hành, mong sách mới không lặp lại

25/11/2022 06:45
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nội dung chương trình môn Ngữ văn 12 hiện hành thiết kế chưa hợp lí, còn nhầm lẫn một số kiến thức.

Trong quá trình dạy học môn Ngữ văn lớp 12, người viết nhận thấy, nội dung chương trình trong cuốn sách hiện hành (Chương trình 2006) thiết kế còn chưa hợp lí, kể cả một số kiến thức còn sai lạc.

Tác giả chia sẻ các vấn đề mong góp thêm một tiếng nói với các tác giả sách biên soạn Chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn Ngữ văn cân nhắc để sách giáo khoa Ngữ văn 12 hoàn chỉnh hơn.

Học cách viết bài văn nhưng đề ra đoạn văn

Sách Ngữ văn 12, tập 1 (Chương trình 2006), Phan Trọng Luận – Tổng Chủ biên, Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam, có các bài học: Nghị luận về một tư tưởng đạo lí; Viết bài làm văn số 1 (nghị luận xã hội); Nghị luận về một hiện tượng đời sống; Viết bài tập làm văn số 2 (nghị luận xã hội).

Nội dung các bài học hướng dẫn học sinh cách viết bài văn nghị luận xã hội. Tuy vậy, đề kiểm tra định kì (giữa kì, cuối kì) và đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông yêu cầu học sinh viết đoạn văn (khoảng 200 chữ), vậy hướng dẫn của sách có hợp lí?

Đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn năm 2022. (Ảnh: moet.com.vn)

Đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn năm 2022. (Ảnh: moet.com.vn)

Bởi, kĩ năng viết bài văn và đoạn văn là hoàn toàn khác nhau. Cụ thể, bố cục bài văn gồm 3 phần: mở bài, thân bài, kết bài – phần thân bài triển khai nhiều luận điểm.

Còn bố cục đoạn văn, về hình thức, có thể viết theo các cách: diễn dịch, quy nạp, móc xích, song hành, tổng-phân-hợp. Nội dung đoạn văn chủ yếu triển khai một khía cạnh, một nội dung hay luận điểm.

Hơn nữa, đề kiểm tra, đề thi yêu cầu học sinh viết một đoạn văn 200 chữ (khoảng 2/3 tờ giấy thi) khiến bài viết khó sâu sắc, cách làm bài thường theo công thức, dẫn đến nội dung bài viết quy cũ, nhàm chán.

Thực tế chấm thi tốt nghiệp môn Ngữ văn hàng năm cho thấy, thí sinh thường viết hơn 200 chữ (khoảng một mặt giấy thi), dĩ nhiên giám khảo chỉ quan tâm bài viết hay hoặc dở, không ai đếm chữ để cộng, trừ điểm cả.

Đề viết luận (nghị luận xã hội) yêu cầu viết tối thiểu 500 chữ thì mới đánh giá đúng năng lực của thí sinh. Vậy nên, có thể kéo dài thời gian thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn từ 120 phút lên 150 phút, giúp thí sinh viết bài luận được chỉnh chu hơn.

Sắp xếp bài học chưa hợp lí

Bài Luật thơ sắp xếp ở tuần thứ 8 và Luật thơ (tiếp theo) ở tuần 10 (học kì 1) là chưa hợp lí. Bài Luật thơ gồm các nội dung: Khái quát về luật thơ; Một số thể thơ truyền thống; Các thể thơ hiện đại; Luyện tập.

Bài Luật thơ cần được sắp xếp ở tuần học thứ nhất để học sinh vận dụng những tri thức này vào đọc hiểu các tác phẩm/ đoạn trích (tuần 7, 8, 10): Tây Tiến (Quang Dũng); Việt Bắc (Tố Hữu); Đất Nước (Nguyễn Khoa Điềm) và các bài đọc thêm (thơ).

Hơn nữa, bài Luật thơ lẽ ra phải được giảng dạy kĩ chứ không phải khuyến khích học sinh tự học. Phần đọc hiểu đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn nhiều năm qua thường hỏi về thể thơ (dao động từ 0,5 đến 0,75 điểm).

Tương tự, các bài: Thực hành một số phép tu từ ngữ âm; Thực hành một số phép tu từ cú pháp cần được dạy ở tuần đầu, thay vì sắp xếp ở tuần 11, 12 (học kì 1).

Ví dụ, bài tập 3 (điệp âm, điệp vần, điệp thanh) minh họa bằng một đoạn thơ trong bài Tây Tiến (Quang Dũng). Nếu học sinh được học những kiến thức này ở tuần đầu thì các em sẽ phân tích, cảm nhận bài thơ được sâu sắc hơn.

Cần nói thêm, các bài Thực hành một số phép tu từ ngữ âm; Thực hành một số phép tu từ cú pháp, học sinh chưa được học ở các lớp dưới. Sách giáo khoa yêu cầu thực hành mà bỏ qua lí thuyết gây khó khăn cho học sinh, nhiều em không hiểu được những phạm vi kiến thức này.

Hay, bài Quá trình văn học và phong cách văn học phân bố ở tuần 15, gần cuối học kì 1, bài Giá trị văn học và tiếp nhận văn học, phân bố tận cuối học kì 2 là chưa phù hợp. Cần đưa hai bài học này lên tuần 1, 2 ở học kì 1 để học sinh hiểu thêm một số nội dung liên quan đến lí luận văn học, áp dụng vào các bài làm văn sẽ tốt hơn.

Một số nhầm lẫn về kiến thức

Chú thích (4) bài thơ Việt Bắc (Tố Hữu), trang 11 ghi phách: một loại cây thân gỗ, nở hoa vàng vào đầu mùa hè - là chưa đúng.

Chú thích rừng phách trong sách giáo khoa. (Ảnh: Cao Nguyên)

Chú thích rừng phách trong sách giáo khoa. (Ảnh: Cao Nguyên)

Bài viết “Về cây phách trong câu thơ Tố Hữu” ngày 2/5/2020 đăng trên Báo Tuyên Quang có nội dung:

“Phách là một loại cây phổ biến trong rừng Tuyên Quang cũng như một vài tỉnh miền núi Việt Bắc. Vỏ của rễ cây có thể dùng ăn trầu. Chừng tháng 7, tháng 8, cây phách nở hoa màu tím. Đến rừng Tân Trào vào khi ấy, ngoái nhìn sang bên cánh rừng Hồ Nà Nưa, bạn sẽ thấy từng vạt rừng màu tím ngắt - ấy là màu hoa phách.

Chính tác giả Việt Bắc - nhà thơ Tố Hữu trong hồi ký Nhớ lại một thời - hồi ký – Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2000 cũng đã cho biết rõ sắc vàng trong câu thơ Ve kêu rừng phách đổ vàng không phải là màu vàng của hoa như những người soạn sách nhiều năm lầm tưởng, mà là màu vàng của lá”. (*)

Hiện nay vẫn có nhiều giáo viên nhầm lẫn khi giảng cho học sinh: phách là một loại cây thân gỗ, nở hoa vàng vào đầu mùa hè, như chú thích trong sách giáo khoa.

Hay, nội dung câu hỏi số 2 (hướng dẫn học bài) bài Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài), trang 15, tập 2, ghi: Ấn tượng của anh (chị) về tính cách của nhân vật A Phủ (qua hành động đánh nhau với A Sử, lúc bị xử kiện và khi về làm dâu gạt nợ ở nhà thống lí Pá Tra).

Câu hỏi liên quan đến nhân vật A Phủ trong sách giáo khoa. (Ảnh: Cao Nguyên)

Câu hỏi liên quan đến nhân vật A Phủ trong sách giáo khoa. (Ảnh: Cao Nguyên)

A Phủ không “về làm dâu gạt nợ ở nhà thống lí Pá Tra”, chính xác phải là Mị. Cần sửa lại: … qua hành động đánh nhau với A Sử, lúc bị xử kiện và khi về làm nô lệ ở nhà thống lí Pá Tra.

Trong quá trình giảng dạy, giáo viên cần lưu ý học sinh một số nội dung kiến thức như đã đề cập khi dạy bài bài Việt Bắc (Tố Hữu) và bài Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài), để học sinh hiểu đúng, tránh những cách hiểu lầm đáng tiếc.

Nội dung quan điểm trong bài viết thể hiện góc nhìn của tác giả Cao Nguyên. Để làm sáng tỏ vấn đề, đảm bảo khách quan và đa chiều, Tòa soạn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng mời các thầy cô, các tác giả có liên quan viết bài phân tích làm rõ, bài viết xin gửi về email: toasoan@giaoduc.net.vn.

Tài liệu tham khảo:

(*) https://baotuyenquang.com.vn/van-hoa/tinh-hoa-van-hoa/ve-cay-phach-trong-cau-tho-to-huu-131797.html

Cao Nguyên