Trò chuyện với Tiền Phong, GS Hồ Ngọc Đại chia sẻ:
Tôi sang Nga cuối năm 1968 để nghiên cứu về tâm lý học bằng thực nghiệm. Về nước năm 1977 thì năm 1978 tôi mở trường Thực nghiệm ở Hà Nội. Suy nghĩ của tôi lúc ấy là phải làm sao để trẻ con Việt Nam tiếp cận với thành tựu cuối cùng đã được xác lập, đã được công nhận của khoa học. Thời điểm đó, giới nghiên cứu ngôn ngữ Việt Nam tổ chức tổng kết 300 năm nghiên cứu ngữ âm, tài liệu này được làm giáo trình chính thức cho sinh viên năm thứ ba chuyên ngành ngôn ngữ học, trường ĐH Tổng hợp (nay là ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội). Tôi đã sử dụng thành tựu nghiên cứu đó, đưa vào sách giáo khoa dạy tiếng Việt cho trẻ con lớp 1. Chuyên môn của tôi là tâm lý giáo dục, không phải là ngôn ngữ học nên ban đầu tôi có nhờ một số cộng sự về ngôn ngữ biên soạn sách. Vì sách chưa đạt các yêu cầu tôi đặt ra nên cuối cùng tôi phải tự biên soạn lấy.
GS Hồ Ngọc Đại |
Với môn Tiếng Việt lớp 1, tôi đặt ra ba mục tiêu: đọc thông viết thạo, viết đúng chính tả và không bao giờ tái mù. Đọc thông viết thạo nghĩa là nếu nghe được thì nhắc lại được, viết ra được, và đọc được, bởi đặc trưng của chữ Việt là chữ ghi âm.
Sách Tiếng Việt tiểu học hồi ấy của giáo sư khác gì bộ sách giáo khoa (SGK) đương thời?
Khác về nguyên tắc. SGK thời đó dạy chữ theo cách mà các phụ huynh vẫn dạy con em họ ở nhà. Họ làm cho trẻ con mặc nhiên chấp nhận các chữ cái mà không hiểu tại sao lại có chữ đó. Để học được, trẻ phụ thuộc vào trí nhớ. Còn cách của tôi là dạy tư duy. Cũng là dạy chữ e, chữ b… nhưng tôi dạy cho trẻ hiểu tại sao nó phải là chữ e, tại sao nó phải là chữ b.
Cái chết lâm sàng của một bộ sách
Bộ sách ấy được dạy ở mỗi trường Thực nghiệm hay còn dạy ở những nơi khác, thưa giáo sư?
Năm 1986 có một cơ duyên khiến chương trình công nghệ giáo dục (viết tắt là CGD) vượt ra khỏi phạm vi thực nghiệm. Năm 1981 chúng ta tiến hành cải cách giáo dục, thay SGK. Khi đó cả nước học sách cải cách, chỉ mỗi trường Thực nghiệm học sách của tôi. Nhưng kết quả môn Tiếng Việt học theo chương trình cải cách không mấy lạc quan. Có năm có tới 650.000 học sinh lớp 1 lưu ban trên tổng số gần 2 triệu học sinh. Bộ trưởng Bộ GD lúc đó là bà Nguyễn Thị Bình rất lo lắng nên đã quyết định đưa sách của tôi về các địa phương. Ngày 23/8/1986 mới có quyết định, trong khi năm học mới đã gần kề. Vì vậy Bộ GD đã phải tổ chức một hội nghị khẩn cấp ở hai đầu - Hà Nội và TP Hồ Chí Minh bàn về việc triển khai sách Tiếng Việt CGD với các giám đốc Sở. Bộ trưởng trực tiếp điều hành hội nghị ở Hà Nội, còn tôi được Bộ trưởng ủy quyền điều hành hội nghị ở TP Hồ Chí Minh.
Phản hồi từ các giám đốc Sở hồi ấy với bộ sách khá tích cực, nhưng nhiều người còn ngại vì phải chờ ý kiến chỉ đạo của địa phương. Lần ấy tôi gặp vị Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh, ông ấy hỏi tôi về ưu điểm của phương pháp CGD. Tôi trả lời: “Nếu học theo phương pháp của tôi, học sinh có thể đọc được một phút 60 chữ trong khi phương pháp hiện thời là một phút 25 chữ mà học sinh vẫn không học nổi, non một nửa số em lưu ban”. Ông ấy nói vui: “Tôi không cần một phút 60 chữ. Tôi chỉ cần một chữ 60 phút nhưng chữ nào cũng phải đọc được”. Rồi ông ấy giải thích, cháu ông ấy học hết lớp 1 nhưng không đánh vần nổi chữ “Nhân dân” trên tờ báo ông ấy vẫn đọc hằng ngày, do trong SGK không có hai chữ đó. Chuyện vui nhưng phản ánh một thực tế là học trò của chúng ta vẫn được dạy học theo kiểu học vẹt, chữ nào có hình dạng giống như trong SGK thì mới “đọc” được.
Ban đầu 12 tỉnh tham gia. Hơn chục năm sau số tỉnh tham gia chương trình CGD là 43.
Vì sao CGD phải dừng lại, thưa giáo sư?
Năm 2000, Bộ GD&ĐT bắt đầu đổi mới chương trình - SGK, gọi là chương trình năm 2000. Theo lý lẽ của Bộ GD&ĐT thì cả nước bắt buộc phải học một bộ SGK. Nhưng tôi “tương kế tựu kế”, được rảnh rỗi thì rút lui về một chỗ tập trung để hoàn thiện hai bộ sách Tiếng Việt và Toán cấp tiểu học. Tôi tin rằng bộ sách của mình “thất thế” không phải về mặt khoa học mà là do những toan tính vụ lợi, mà đã vụ lợi thì một lúc nào sẽ hết lợi, bộ sách của tôi sẽ được ghi nhận.
Hồi sinh
Cuối cùng cơ hội cho bộ sách của giáo sư bắt đầu xuất hiện trở lại trong nhà trường cũng đã tới?
Đó là năm 2006, khi ngành GD&ĐT nhiều nơi phát hiện ra nạn “ngồi nhầm lớp”. Thời này không có việc học sinh lưu ban hàng loạt như thời trước nữa, đâu đâu cũng 98 - 100% học sinh được lên lớp. Nhưng hóa ra các cháu được lên lớp mà vẫn chẳng biết đọc biết viết, nhiều nơi buộc phải chữa cháy bằng mô hình “sáng lớp 6 chiều lớp 1”. Nhân cơ hội ấy tôi làm đề tài nghiên cứu cấp Bộ nâng cao chất lượng dạy tiếng Việt cho học sinh các dân tộc thiểu số. Tôi gặp Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai hồi đó là anh Trương Kim Minh và được anh ấy rất ủng hộ vì đã từng sử dụng sách của tôi khi còn là Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bảo Thắng. Nhưng để sách vào được trong các nhà trường, tôi phải nhận được sự ủng hộ của Tỉnh ủy Lào Cai. Tiếp tôi là anh Sùng Chúng, Phó Bí thư thường trực, Chủ tịch HĐND tỉnh. Anh ấy rất quan tâm việc tôi hứa sẽ dạy cho con em các dân tộc Lào Cai đọc thông viết thạo tiếng Việt chỉ sau một năm. Khi tôi bày tỏ lo ngại về việc Quốc hội đã thông qua Luật GD, trong đó quy định cả nước dùng thống nhất một bộ SGK thì anh Sùng Chúng nói con em của Quốc hội hay con em của chúng tôi?
Hai năm sau, tôi cùng Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đi thực tế ở một trường hẻo lánh của Lào Cai. Anh Hiển rất tâm đắc với những gì tai nghe mắt thấy. Vì thế mà Bộ GD&ĐT cho phép thêm 5 tỉnh nữa tiếp tục thí điểm: Tây Ninh, Kon Tum, Kiên Giang, Đắk Lắk, An Giang. Từ đó mỗi năm mở dần thêm mấy tỉnh. Năm nay Bộ GD&ĐT bỏ chữ thí điểm, tài liệu Tiếng Việt 1 CGD được xem là một phương án dạy học chính thức để các tỉnh/ thành lựa chọn. Hiện nay có 37 tỉnh thành sử dụng bộ sách Tiếng Việt 1 CGD.
Cũng là sách Tiếng Việt công nghệ giáo dục nhưng cuốn của năm 1978 với cuốn hiện tại có khác nhau?
Về nguyên tắc không khác nhau, nhưng về kỹ thuật thì có một khoảng cách khá lớn. Bây giờ học sinh tự làm lấy hết. Quá trình thực hành rất chặt chẽ, nên ai làm cũng được, làm gì được nấy, làm đâu chắc đấy. Tôi sửa rất kỹ, không để sai một dấu phẩy. Tôi quan niệm sách viết cho trẻ em thì phải hoàn hảo. Trong số những cuốn sách mà tôi viết ra thì đây là bộ sách xứng đáng được mang tên tôi nhất.
Được biết là không chỉ có các tỉnh miền núi, nơi học sinh người dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn trong việc học tiếng Việt, mới sử dụng bộ sách Tiếng Việt 1 của giáo sư?
Đúng vậy. Năm ngoái thì Nam Định và Hải Dương đã bắt đầu cho triển khai dạy Tiếng Việt 1 theo phương pháp CGD ở một số nơi. Người cho phép quyết định mở rộng phạm vi áp dụng Tiếng Việt CGD này là Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận. Trong câu chuyện này có một chi tiết khiến tôi rất xúc động. Để mục sở thị hiệu quả dạy học tiếng Việt bằng CGD, anh Luận âm thầm mua vé tàu đi Lào Cai, thuê xe ôm đi đến 5 trường trong vòng hai ngày. Không chỉ vậy, anh Luận còn tự bỏ tiền túi thuê luật sư để tìm chứng lý hợp pháp vững chắc trong việc cho phép triển khai chính thức phương án CGD trong các nhà trường. Sau đó, anh Luận đề nghị gặp tôi để bày tỏ nguyện vọng đó. Phía tôi, tôi cũng tuyên bố tặng Bộ GD&ĐT bản quyền bộ sách.
Khi Nam Định và Hải Dương bắt đầu dùng bộ sách này thì tôi rất mừng. Đây là những địa phương có mặt bằng giáo dục phổ thông cao bậc nhất trong cả nước mà họ vẫn sử dụng sách của mình, chứng tỏ là họ thấy nó thật sự mang lại lợi ích cho học trò của họ.
Hiện nay những nơi triển khai CGD mới chỉ dùng bộ sách Tiếng Việt 1. Còn Tiếng Việt 2, 3, 4, 5 thì sao, và các môn khác nữa?
Sách CGD môn Tiếng Việt 2, 3, 4, 5 đều đã có rồi, nhưng chưa có cớ để đưa vào nhà trường. Hiện nay Hải Dương và Nam Định đã thực hiện thí điểm với sách Tiếng Việt lớp 2. Theo thiết kế của tôi, Tiếng Việt lớp 2 thay vì dạy theo chủ điểm như sách hiện hành thì tôi dạy theo khái niệm và cũng chỉ có ba khái niệm: tiếng, từ, câu. Nguyên tắc của tôi là học hết lớp 1 thì đọc thông viết thạo, học xong lớp 2 thì viết thành câu, học xong lớp 3 thì sẽ không bao giờ viết sai câu.
Ngoài ra tôi cũng đang làm lại bộ sách môn Toán và tổ chức viết sách các môn Văn, GD Lối sống, Đất nước học, Nghệ thuật… cấp tiểu học.
Cảm ơn giáo sư!