Sách Mĩ thuật theo hướng phát triển năng lực vừa dạy đại trà, Bộ lại thay sách!

04/11/2019 06:14
THANH AN
(GDVN) - Hàng loạt sách giáo khoa mà các trường học vừa mới nhập về thư viện sẽ không còn giá trị trong một vài năm tới!

Nhiều giáo viên đang dạy môn Mĩ thuật ở cấp tiểu học phản ánh với chúng tôi rằng họ vừa được triển khai dạy đại trà sách Mĩ thuật theo hướng phát triển năng lực từ năm học 2018-2019 nhưng Bộ lại đang tập huấn cho giáo viên cốt cán chuẩn bị để thay sách mới vào năm học 2020-2021.

Đây thực sự là một bất cập rất lớn cho đội ngũ giáo viên và học sinh các trường học. Vì giáo viên được tập huấn để dạy sách Mĩ thuật theo hướng phát triển năng lực có nhiều người còn chưa thuần thục, nhất là họ đã đầu tư quá nhiều cho việc soạn giáo án trong thời gian qua.

Sang năm học mới tới đây lại phải bỏ đi để làm lại từ đầu đối với lớp 1 và sẽ tăng lên các lớp khác vào những năm tiếp theo.

Bộ sách Mĩ thuật dạy theo hướng phát triển năng lực mà ngành giáo dục đang áp dụng. (Ảnh minh họa: nhasachgiaoduc.vn)

Bộ sách Mĩ thuật dạy theo hướng phát triển  năng lực mà ngành giáo dục đang áp dụng. (Ảnh minh họa: nhasachgiaoduc.vn)

Việc đổi mới phương pháp, thay đổi sách giáo khoa cũng là chuyện bình thường để phù hợp với từng bối cảnh cụ thể của ngành giáo dục.

Tuy nhiên, Bộ cũng cần tính toán đến những lợi ích cần thiết cho việc đầu tư của giáo viên, phụ huynh và ngân sách của ngành giáo dục khi vừa mới xuất bản sách, tập huấn cho giáo viên mới được mấy năm, vừa mới áp dụng đại trà vào năm học 2018- 2019 thì đến năm học 2020-2021 lại tiến hành thay sách mới.

Những năm trước đây, môn Mĩ thuật cấp tiểu học cũng như các môn học khác ở cấp tiểu học đang dạy sách giáo khoa năm 2002.

Từ năm học 2011-2012, ngành giáo dục nhận được sự hỗ trợ của Vương quốc Đan Mạch nên Dự án Hỗ trợ giáo dục Mĩ thuật cấp Tiểu học (SAEPS) đã ra đời và được triển khai thí điểm dạy môn Mĩ thuật theo phương pháp của Đan Mạch (dạy Mĩ thuật theo phương pháp mới) ở một số địa phương.

Thực tế, việc dạy theo phương pháp của Đan Mạch có nhiều ưu điểm so với trước đây. Nhất là sách giáo khoa Mĩ thuật theo hướng phát triển năng lực được bố trí theo từng chủ đề, in màu và giao quyền tự chủ đến cho giáo viên nên việc giảng dạy có nhiều thuận lợi hơn sách giáo khoa Mĩ thuật năm 2002.

Chính vì thế, ngày 12 tháng 05 năm 2016 thì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 2070/BGDĐT-GDTH về việc triển khai dạy học Mĩ thuật theo phương pháp mới ở tiểu học và trung học cơ sở, Công văn này do Thứ trưởng Bộ Giáo dục lúc bấy giờ là ông Nguyễn Vinh Hiển ký.

Công văn này đã gửi đích danh đến tất cả các Giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo, nội dung cơ bản của Công văn như sau:

Sách Mĩ thuật theo hướng phát triển năng lực vừa dạy đại trà, Bộ lại thay sách! ảnh 2Những giải pháp nâng cao chất lượng bồi dưỡng giáo viên nghệ thuật

“Để việc dạy Mĩ thuật theo phương pháp mới trong năm học 2016 - 2017 ở các trường tiểu học, trung học cơ sở đạt kết quả tốt, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện một số nội dung sau:

1. Chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường tiểu học, trung học cơ sở  chủ động, linh hoạt trong việc triển khai dạy học Mĩ thuật theo phương pháp mới phù hợp với điều kiện của từng địa phương và có biện pháp hỗ trợ vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Các nhà trường cần tạo điều kiện thuận lợi để giáo viên Mĩ thuật xây dựng kế hoạch dạy học tích hợp theo chủ đề dựa trên nội dung các bài học theo quy định hiện hành, trên cơ sở đảm bảo tốt hơn các mục tiêu, yêu cầu của môn Mĩ thuật trong Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học và trung học cơ sở  hiện hành.

Để giáo viên chủ động trong việc tổ chức dạy học theo chủ đề, các nhà trường cần sắp xếp thời khóa biểu các tiết học Mĩ thuật một cách hợp lý.

2. Tiếp tục mở rộng tập huấn cho giáo viên Mĩ thuật cấp tiểu học và trung học cơ sở  trước khi bước vào năm học mới theo “Tài liệu dạy học Mĩ thuật dành cho giáo viên tiểu học” của Dự án SAEPS; giảng viên các lớp tập huấn cần điều chỉnh tài liệu trên cho phù hợp với trung học cơ sở.

Chủ động theo dõi, rút kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật kịp thời đối với các giáo viên, các nhà trường gặp khó khăn; khuyến khích và tạo điều kiện cho giáo viên Mĩ thuật sinh hoạt chuyên môn theo cụm trường, theo liên cấp giữa giáo viên tiểu học với  trung học cơ sở để giáo viên được giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm với đồng nghiệp.

3. Trong khi chưa có đủ sách giáo khoa và Vở tập vẽ phục vụ đổi mới dạy học Mĩ thuật theo phương pháp mới, giáo viên có thể chủ động sử dụng các tài liệu hiện hành với sự điều chỉnh và hướng dẫn học sinh sử dụng một cách hợp lí.

4. Nội dung và phương pháp mới trong dạy học Mĩ thuật đang trong quá trình triển khai thí điểm để rút kinh nghiệm, chỉnh sửa và hoàn thiện, do đó việc đánh giá giáo viên trong thời điểm này cần coi trọng việc động viên, giúp đỡ, khích lệ giáo viên Mĩ thuật tích cực thực hiện theo phương pháp mới...

Sách Mĩ thuật theo hướng phát triển năng lực vừa dạy đại trà, Bộ lại thay sách! ảnh 3Vì đâu nên nỗi các môn giáo dục nghệ thuật được xem là... môn phụ?

Nhận được công văn này, đề nghị các Sở Giáo dục và Đào tạo khẩn trương chỉ đạo triển khai các nội dung trên để việc dạy học Mĩ thuật ở cấp tiểu học và trung học cơ sở theo phương pháp mới đạt được kết quả tốt”.

Chính vì nhận được Công văn số 2070/BGDĐT-GDTH của Bộ nên các Sở Giáo dục đã triển khai cho các Phòng và bắt đầu thí điểm một số trường ở địa phương mình. Sau một thời gian thí điểm bắt đầu từ năm học 2018-2019 đã áp dụng đại trà ở các trường học.

Như vậy, sách giáo khoa năm 2002 chính thức bị loại bỏ vào năm học 2018-2019 và được thay thế bằng sách Mĩ thuật phát triển năng lực do nhóm tác giả Nguyễn Thị Nhung (Chủ biên), Nguyễn Thị Hậu, Nguyễn Quỳnh Nga, Ong Thị Quý Nhâm, Nguyễn Khắc Tú, Phạm Văn Thuận, Lê Thuý Quỳnh thực hiện.

Bộ sách này được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xuất bản. Đối với sách Mĩ thuật của học sinh đồng giá 25.000/cuốn và sau mỗi bài học được thiết kế phần “đánh giá” và “vận dụng- sáng tạo” trực tiếp trên sách giáo khoa.

Điều này cũng đồng nghĩa là sách giáo khoa dành cho học trò chỉ có thể sử dụng 1 năm học mà thôi.

Và, bây giờ, khi chương trình giáo dục phổ thông mới, chương trình môn Mĩ thuật do tác giả Nguyễn Thị Đông chủ biên đã được thông qua. Sách giáo khoa Mĩ thuật lớp 1 của chương trình mới đã được Bộ thẩm định xong và đang chờ ban hành trong tháng 11 này.

Điều này cũng đồng nghĩa sách giáo khoa Mĩ thuật theo hướng phát triển năng lực thuộc Dự án hỗ trợ của Vương quốc Đan Mạch sẽ bị bỏ. Sự chuẩn bị của hàng chục ngàn giáo viên Mĩ thuật mấy năm qua cũng gần như phải bỏ và làm lại từ đầu.

Hàng loạt sách giáo khoa mà các trường học vừa mới nhập về thư viện sẽ không còn giá trị trong một vài năm tới. Đây thực sự là một lãng phí vô cùng lớn cho ngân sách nhà nước và nhân dân cũng như nỗi vất vả của hàng chục ngàn giáo viên dạy Mĩ thuật trong cả nước!

THANH AN