Vì đâu nên nỗi các môn giáo dục nghệ thuật được xem là... môn phụ?

25/08/2019 07:39
NGUYỄN CAO
(GDVN) - Chỉ có một số phụ huynh ở những khu vực thành thị cho con đi học năng khiếu vào những dịp hè, chủ yếu là để…giết thời gian mà thôi.

Chúng ta đều biết các môn giáo dục nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật) có vai trò rất quan trọng đối với mỗi con người, nhất là môn Âm nhạc. Nhưng, cách nhìn nhận những môn nghệ thuật trong nhà trường phổ thông từ lâu vẫn xem các môn này là những môn phụ.

Để thay đổi cách nhìn không phải là không thay đổi được nhưng có lẽ sẽ còn lâu lắm bởi nó đã hình thành suy nghĩ đối với nhiều người.

Hơn nữa, cách phân công, cách đối xử của lãnh đạo ngành giáo dục đối với đội ngũ giáo viên nghệ thuật vẫn còn nhiều điều đáng nói.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị “Nâng cao chất lượng giáo dục nghệ thuật trong trường học". (Ảnh: Xuân Phú)

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị “Nâng cao chất lượng giáo dục nghệ thuật trong trường học". (Ảnh: Xuân Phú)

Khi con người sinh ra phải trải qua nhiều giai đoạn phát triển khác nhau.

Khi bắt đầu tập nói cho đến lúc nói được nhiều từ thì việc đầu tiên mà cha mẹ hay làm là mở cho con nghe những bài hát thiếu nhi và đương nhiên những đứa trẻ sẽ thích thú, chăm chú vô cùng. Rồi cha mẹ tập cho con mình biết hát...

Khi bàn tay con cứng cáp, không ai dạy con viết chữ trước cả mà sẽ mua cho con cây bút chì hay hộp màu rồi cho con cầm bút vẽ những nét nguệch ngoạc đầu đời.

Những tấm hình ngô nghê ấy cũng đủ cho những đứa trẻ say mê, thích thú và đương nhiên cũng khiến cho cha mẹ hạnh phúc rạng ngời.

Thế nhưng, khi con bắt đầu cắp sách đến trường thì rất ít bậc phụ huynh quan trọng việc duy trì cho con tập hát, tập vẽ nữa. Chỉ có một số phụ huynh ở những khu vực thành thị cho con đi học năng khiếu vào những dịp hè, chủ yếu là để…giết thời gian mà thôi.

Bởi, thời gian trong năm học, thời gian học thêm thì cha mẹ, nhà trường chỉ chú trọng cho con, cho học sinh của mình học Toán, học Tiếng Việt và Tiếng Anh. Đánh giá học tập thì chỉ cần môn Toán và Tiếng Việt giỏi là đương nhiên các môn khác cũng kéo theo...cho giỏi.

Lên đến các cấp học cao hơn thì ý nghĩ thực dụng của phụ huynh và nhà trường vẫn không hề thay đổi. Vẫn chú trọng những môn học được xem là môn chính để đáp ứng các kỳ thi, đáp ứng mục đích nghề nghiệp sau này.

Vì đâu nên nỗi các môn giáo dục nghệ thuật được xem là... môn phụ? ảnh 2Giáo dục nghệ thuật không phải là...môn phụ

Những em học sinh học mà giỏi các môn được xem là môn chính như: Toán, Lý, Hóa, Anh…thì cha mẹ, thầy cô và mọi người trầm trồ, thán phục.

Thế nhưng, những em học sinh đạt giải cao trong các cuộc thi vẽ, thi hát thì lại quá đỗi bình thường và đương nhiên chẳng có thầy cô, phụ huynh nào xem những em đó là…học sinh giỏi!

Các môn giáo dục nghệ thuật chưa được coi trọng

Chính những suy nghĩ đã hình thành từ rất lâu là các môn giáo dục nghệ thuật chỉ học cho biết, học để giải trí nên gần như rất ít người chú trọng các môn học này.

Cứ nhìn các trường đại học, cao đẳng sư phạm đua nhau mở các ngành học khác nhưng Âm nhạc và Mỹ thuật thì cả nước hiện nay có được mấy trường, mấy khoa đào tạo?

Ngay cả khi học lớp 12 thi vào đại học đối với các môn nghệ thuật thì các thí sinh cũng vất vả đi tìm thầy để ôn thi bởi chương trình hiện hành không có các môn nghệ thuật ở cấp trung học phổ thông.

Khi ra trường công tác, giáo viên dạy các môn nghệ thuật chưa bao giờ được coi trọng.  Bởi vì giáo viên các môn này thường ít tiết nên đa phần mỗi trường chỉ có 1-2 giáo viên. Vì thế, họ chủ yếu là được "xếp ké" vào một tổ nào đó để làm tổ ghép.

Các môn nghệ thuật cũng ít khi được xây dựng các chuyên đề thao giảng, Ban giám hiệu cũng ít khi dự giờ.

Khi kiểm tra học kỳ thì thường tự giáo viên kiểm tra, đánh giá trước chứ không bao giờ được tổ chức kiểm tra chung giống các môn học khác. Thậm chí cấp tiểu học hiện nay còn không có kiểm tra cuối kỳ, cuối năm như các môn học còn lại.

Mặc định môn nghệ thuật là môn phụ nhưng công việc thì không bao giờ là phụ

Vì đâu nên nỗi các môn giáo dục nghệ thuật được xem là... môn phụ? ảnh 310 lợi ích tuyệt vời của môn mĩ thuật dành cho trẻ

Trong các giáo viên ở nhà trường hiện nay, có lẽ những thầy cô dạy các môn nghệ thuật là thường có việc làm quanh năm ở nhà trường. Càng dịp lễ, dịp hè, Tết Nguyên đán thì càng bận rộn hơn.

Bởi, có rất nhiều các cuộc thi liên quan đến các môn nghệ thuật nhằm kỷ niệm các ngày lễ và đương nhiên hè thì cũng có vô số các cuộc thi cho những môn học này.

Trong khi giáo viên khác được nghỉ ngơi thì giáo viên nghệ thuật vẫn miệt mài tập luyện cho học sinh trong dịp hè, dịp lễ tết để tham gia các phong trào của trường, xã, huyện, tỉnh…mà phần lớn là ôn luyện, hướng dẫn “từ thiện”.

Rất hiếm có Ban giám hiệu chú ý đầu tư cho các môn này khi tham gia các phong trào.

Trong giảng dạy thì các giáo viên dạy các môn khác cao lắm cũng chỉ có đến 2 giáo án nhưng giáo viên dạy nghệ thuật cấp tiểu học có 5 giáo án cho 5 khối, cấp trung học cơ sở có 4 giáo án cho 4 khối.

Bởi vì đa phần là các trường loại II và III thì mỗi trường chỉ có 1 giáo viên thành ra họ phải “ôm sô” cả trường. Việc đi sinh hoạt tổ hàng tháng cũng vô cùng lẻ loi vì họ là giáo viên tổ ghép nên cũng chả ai đoái hoài đến môn học của họ làm gì.

Nỗi buồn ấy, thực tế  ấy đang khiến nhiều giáo viên giảng dạy các môn nghệ thuật lẻ loi, cô đơn trong chính ngôi trường mà họ đang công tác.

Vì thế, Hội nghị “Nâng cao chất lượng giáo dục nghệ thuật trong trường học” tổ chức ngày 21/8 tại Trường đại học sư phạm Nghệ thuật Trung ương là điều cần thiết để chúng ta nhìn nhận lại các môn nghệ thuật trong nhà trường.

Hy vọng, từ những chia sẻ của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, từ vai trò thực tế của môn học thì các môn nghệ thuật trong trường phổ thông sẽ sớm được “nâng tầm” và được coi trọng hơn trong thời gian tới.

Nhất là khi Chương trình giáo dục phổ thông mới được áp dụng thì các môn nghệ thuật được giảng dạy cả ở cấp trung học phổ thông.

NGUYỄN CAO