Năm học 2021-2022 là một năm học đặc biệt và nhiều khó khăn đối với mọi ngành nghề, trong đó có ngành giáo dục và đào tạo. Cùng với cả nước thực hiện phòng chống dịch nhằm đảm bảo “dừng đến trường nhưng không dừng học” ngành giáo dục và đào tạo đã có nhiều giải pháp, trong đó dạy học trực tuyến là một trong những giải pháp đã thực hiện từ năm học trước đến nay. Nhiều nơi, đặc biệt là Hà Nội, đến thời điểm này đã trải qua gần 3 tháng học sinh học trực tuyến.
Thầy Phạm Bá Dũng (người đứng giữa) và các thầy cô giáo Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh tham gia dự thi sáng kiến. Ảnh: NTCC. |
Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với nhà giáo Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh, (quận Đống Đa, Hà Nội). Thầy Cường chia sẻ: “Song hành các biện pháp phòng chống dịch, các thầy cô giáo trong nhà trường đã có rất nhiều sáng tạo, sáng kiến trong việc làm thế nào để bài giảng dù trực tuyến nhưng vẫn hấp dẫn, lôi cuốn học sinh và đặc biệt là mang lại những giá trị về hiệu quả học tập.
Năm học này, nhà trường tiếp tục khẳng định những vị thế tiên phong trong dạy học trực tuyến bằng những sáng tạo từ việc xây dựng hệ sinh thái kiểm tra đánh giá. Dạy học trực tuyến nhà trường chuyển sang một bước mới - Giai đoạn dạy học trực tuyến hiệu quả.
Thông thường, nhiều nhà trường thường tổ chức các hội giảng, hội thi, có trường rất tích cực nhưng đa phần các thầy cô cũng rất “ngại” thực hiện các tiết giảng có người dự giờ mang nặng tính “trình diễn” hình thức, thậm chí còn phải “mớm” trước cho học sinh để làm sao tiết học được trọn vẹn, thuận lợi.
Theo tôi câu chuyện đó không mang lại giá trị thực tế trong giảng dạy, và hiện nay ở đâu đó đã có nhiều thầy cô phản đối những tiết dạy như vậy, lại mất nhiều công sức nhưng cũng không mang lại hiệu quả cho học sinh.
Dịp 20/11 năm nay, ban giám hiệu nhà trường đã cân nhắc và quyết định tổ chức cuộc thi trong nội bộ “Sáng kiến, sáng tạo trong dạy học trực tuyến” tới toàn thể giáo viên trong nhà trường. Mục đích của hội thi là một sân chơi để các thầy các cô trong nhà trường có thể trao đổi những kinh nghiệm dạy học trực tuyến của mình tới đồng nghiệp. Giáo viên có thể trình bày cá nhân, hoặc theo nhóm về ý tưởng, cách kết nối với học sinh, thậm chí là kết nối với phụ huynh học sinh qua hệ thống trực tuyến.
Sau gần 2 năm thực hiện việc dạy và học trực tuyến, các thầy cô giáo trong nhà trường mỗi người đã có những kĩ thuật, thế mạnh riêng, thầy cô trẻ sẽ mạnh về công nghệ, thầy cô có tuổi lại mạnh về tâm lí, vậy tất cả những cái đó cần phải được liên kết tổng hợp lại, và chúng tôi mong muốn các thầy cô cùng chia sẻ thế mạnh đó tới nhiều thầy cô khác, ứng dụng trong toàn trường và người được hưởng lợi chính là các em học sinh.
Sau khi phát động khoảng 2 tuần, ban giám hiệu đã nhận được rất nhiều sáng kiến tham gia cuộc thi. Có những sản phẩm là kỹ thuật giúp cho học sinh hào hứng khi vào đầu tiết học, có những sản phẩm là quy trình dạy trực tuyến hiệu quả, và có những sản phẩm về việc đóng gói bài giảng để giúp cho học sinh có thể học mọi lúc mọi nơi khi không có mạng Internet.
Vòng chung khảo với 8 sản phẩm, và ban giám hiệu đã chọn ra 1 giải Nhất, 3 giải Nhì và 4 giải Ba. Sau cuộc thi, nhà trường đã thực hiện phổ biến những sáng kiến sáng tạo đó tới tất cả các thầy cô giáo trong nhà trường, và tiếp đến là lan tỏa tới các trường bạn nhằm xây dựng một bộ công cụ dạy học trực tuyến hiệu quả, hướng đến các tiết học trực tuyến sinh động, hấp dẫn đối với học sinh”.
Thầy Phạm Bá Dũng, người đạt giải Nhất “Sử dụng phần mềm ispring tạo ngân hàng câu hỏi, giúp củng cố kiến thức môn khoa học tự nhiên lớp 6”. Ảnh: NVCC. |
Ưu điểm của sáng kiến đạt giải nhất
Trao đổi với thầy Phạm Bá Dũng - Giáo viên dạy Hóa Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội), người đạt giải Nhất “Sử dụng phần mềm ispring tạo ngân hàng câu hỏi, giúp củng cố kiến thức môn khoa học tự nhiên lớp 6”, thầy Dũng cho biết: “Xuất phát từ lý do phải học trực tuyến trong thời gian có dịch Covid, các nhà trường, các cấp học đã phải sử dụng phương thức học trực tuyến để duy trì tiến độ học tập của học sinh.
Có rất nhiều các thầy cô giáo đã nghiên cứu, tìm tòi, xây dựng những trang web, những ứng dụng, phần mềm như: Violet, Quizizz, Wordwall, Padlet, Kahoot, Google from, from trong Team, …kết hợp trong trong những tiết dạy học trực tuyến giúp các em hiểu bài, bài giảng không bị khô cứng, nhàm chán trong mỗi tiết học.
Tuy nhiên, với các giải pháp này, nhiều thầy cô giáo gặp không ít khó khăn để học sinh đạt kết quả như mong muốn vì thời gian trên lớp không có nhiều. Qua việc nghiên cứu và tìm hiểu các ứng dụng, cũng như phần mềm trong dạy học trực tuyến, bản thân tôi là một giáo viên giảng dạy môn khoa học tự nhiên lớp 6. Tôi muốn tìm hiểu một phần mềm, hoặc một ứng dụng để kết hợp với các ứng dụng trên để giúp củng cố cho các em những kiến thức sau mỗi giờ học, và đặc biệt giúp các em có thể hoàn toàn chủ động trong học tập, ôn tập những kiến thức sau mỗi chủ đề, mỗi bài học”.
Theo thầy Dũng: “Sản phẩm tương tác tốt với các ứng dụng như: Violet, Quizizz, Wordwall, Padlet, Kahoot, Google from, from trong team, …Giúp học sinh chủ động trong việc học tập, ôn tập. Hệ thống câu hỏi đa dạng, phong phú, trắc nghiệm, điền khuyết, ghép đôi, ô chữ, kéo thả,…..
Học sinh có thể học tập trên trên máy tính, điện thoại. An toàn, phù hợp với việc học online, giúp củng cố kiến thức môn học, đây cũng là ngân hàng ôn tập trong kiểm tra đánh giá. Học sinh biết luôn kết quả mà không cần phải tra đáp án và mỗi câu hỏi khi học sinh trả lời sai, thì học sinh có thể xem lại kiến thức của bài học, và việc này học sinh có thể thực hiện truy cập vào ở bất cứ đâu, không bị trở ngại về không gian và thời gian, khoảng cách”.
Thầy Phạm Bá Dũng và các em học sinh Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh trong giờ học môn Hóa. Ảnh: NVCC. |
Thầy Dũng chia sẻ: “Sử dụng phần mềm ispring để tạo ra sản phẩm elearning thì các thầy cô đều biết nhưng: Tính mới của sáng kiến này là tạo ngân hàng câu hỏi đa dạng, phong phú giúp học sinh có thể tự ôn tập tại nhà, là ngân hàng câu hỏi ôn tập kiểm tra giữa kì, cuối kì. Giảm được áp lực về giấy mực, giúp bảo vệ môi trường, phù hợp với công nghệ 4.0
Sản phẩm sau khi được xuất ra thông thường không sử dụng được trên điện thoại, tôi đã sử các trang web để giúp đổi đuôi sản phẩm, sau đó chia sẻ qua Zalo, Gmail để học sinh dễ dàng xem được trên điện thoại mà không cần cài thêm phần mềm, ứng dụng nào khác”.
Thầy Dũng chia sẻ thêm: “Sản phẩm sau khi hoàn thiện sẽ được chia sẻ qua các ứng dụng như Zalo, websie, Gmail,.. gửi đến học sinh, để học sinh tự ôn tập, hoặc cũng có thể gửi lên App store để chia sẻ với toàn học sinh trên cả nước.
Mở rộng cho đối tượng các em học sinh lớp 9, tạo ngân hàng câu hỏi ôn thi vào lớp 10, tiến tới phát triển mở rộng ứng dụng cho các môn học khác, tương tự như cuốn sách điện tử, phù hợp với công nghệ 4.0, sản phẩm tiếp tục được hoàn thiện, bổ sung, xây dựng kể cả khi đi học trực tiếp học sinh vẫn sử dụng được”.