Cho tới nay, đã 110 ngày kể từ khi virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) lần đầu xuất hiện, số ca nhiễm mới và tử vong vẫn không ngừng tăng mỗi ngày trên thế giới. Dịch bệnh nguy hiểm cho cả nhân loại, không riêng gì Việt Nam ngay cả khi nước ta vừa mới tạm ngưng thực hiện việc giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Rõ ràng, dịch bệnh đang tác động sâu sắc đến nền kinh tế, các ngành dịch vụ và bán lẻ đang có sự giảm sút đáng kể, người dân đang tập trung vào các nhu cầu thiết yếu, sản xuất và chế biến xuất khẩu đang bị đe dọa do lệnh cấm tập trung đông người.
Tuy nhiên, ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất vẫn là các ngành dịch vụ liên quan đến hàng không và du lịch.
Khách du lịch quốc tế đến với đường sách Nguyễn Văn Bình, Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: HSU) |
Theo các báo cáo thống kể cho thấy, năm 2019, du lịch Việt Nam đón hơn 18 triệu lượt khách quốc tế (tăng 16,2% so với năm 2018), phục vụ 85 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ du lịch đạt hơn 726 ngàn tỷ đồng (tăng 17,1% so với năm trước).
Mục tiêu của năm 2020, Tổng Cục du lịch đặt ra là đạt 20,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 90 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 830.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau tháng 1/2020 tăng cao, 33% so với cùng kỳ, khi dịch Covid-19 xảy ra, thì lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm mạnh trong tháng 2 (giảm 22%), tháng 3 (giảm 68%)
Do lệnh hạn chế đi lại, xuất nhập cảnh của các nước, trong tháng 4/2020, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục giảm. Theo Tổng Cục du lịch, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2020 sẽ phụ thuộc vào thời điểm dịch Covid-19 được khống chế trên thế giới.
Theo các kịch bản đã được nghiên cứu, trong đó có tình huống xấu nhất là dịch bệnh sẽ kéo dài đến hết năm 2020, hay tình huống tốt nhất là đến hết tháng 6/2020, mọi việc sẽ trở lại bình thường.
Nhiều chuyên gia về du lịch cho rằng, ngành du lịch Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề do Covid-19, có thể thiệt hại từ 5 đến 7 tỷ USD, nhưng sau đại dịch, tương lai hồi phục và phát triển của ngành sẽ rất khả quan.
Sinh viên khoa Du lịch, Trường Hoa Sen tổ chức sự kiện tìm hiểu Sài Gòn xưa qua lịch sử những chiếc cầu (ảnh: HSU) |
Thạc sĩ Lê Hoàng Phương Linh – giảng viên khoa Du lịch, Trường Đại học Hoa Sen chia sẻ: Vào năm 2003, khi dịch bệnh Viêm đường hô hấp vừa kết thúc, ngành du lịch đã hồi phục và phát triển mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, Chính phủ luôn xem du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, có sự quan tâm sâu sát. Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đề xuất nhiều gói hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp hoàn, hủy tour, chính sách phát hành phiếu mua tour dài hạn…
Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Thy – giảng viên khoa Du lịch, Trường Đại học Hoa Sen phân tích, dự báo: Nhu cầu nguồn nhân lực cho ngành du lịch trong thời điểm hè 2020 sẽ tương đổi hạn chế, chủ yếu tuyển dụng nhân sự đã thành thạo kỹ năng, chuyên môn, có thể làm việc đa năng, đa nhiệm, do thời điểm này vừa ngay sau dịch bệnh.
Du lịch nội địa có thể khôi phục được vào mùa đông năm 2020, nhất là đối với các thị trường gần, do kinh tế mới nhen nhóm trở lại. Nhu cầu sẽ chưa cao, do còn tâm lý rủi ro dịch bệnh. Nhu cầu nguồn nhân lực ngành khách sạn, lữ hành, dịch vụ vui chơi, giải trí và sự kiện sẽ khởi động trở lại.
Du lịch nội địa hè 2021 sẽ bùng nổ hơn, với nhu cầu nguồn nhân lực du lịch tăng cao ở tất cả các lĩnh vực.
Vào mùa đông năm 2021, toàn ngành sẽ hồi phục, nhưng có sự giảm cấp trong chi tiêu của đa số du khách.
Cũng đồng quan điểm này, Thạc sĩ Lê Minh Phương – Phó trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Hoa Sen cho rằng, cùng với sự hồi phục của ngành du lịch sau dịch bệnh Covid-19, các công ty du lịch sẽ tuyển dụng nhân sự với số lượng lớn, để đáp ứng nhu cầu hoạt động trở lại.
Theo giải thích của Thạc sĩ Lê Minh Phương, hiện nhiều công ty du lịch cắt giảm nhân sự, theo hình thức chấm dứt hợp đồng để lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp, tự do đi kiểm việc chứ không còn hình thức nghỉ không lương nữa.
Bởi vậy, sau dịch Covid-19, họ có thể tuyển lại nhóm đã bị chấm dứt hợp đồng lao động do ảnh hưởng của dịch, hoặc tuyển nhóm nhân sự mới gồm các sinh viên vừa mới tốt nghiệp, trẻ và giỏi, năng động, khát khao cống hiến.
Vì thế, thị trường lao động trong ngành du lịch cũng sẽ sôi động, hấp dẫn trở lại, có lợi thế cho các bạn trẻ vừa mới tốt nghiệp, có kiến thức và kỹ năng tốt.
Chính vì vậy, Thạc sĩ Lê Minh Phương đề nghị; Trong thời gian còn nghỉ học ở trường, sinh viên của ngành nên tận dụng các tài nguyên hiện có về thời gian và sức khỏe, nghiên cứu thật kỹ sự chuyển động của ngành.
Dự báo sau dịch bệnh, hãy học tập, rèn luyện nhuần nhuyễn những kỹ năng, kiến thức phù hợp cho sự thay đổi của công việc sắp tới, góp phần cho sự thay đổi, sáng tạo cho ngành, bằng cách phát triển các hình thức trải nghiệm mới trong du lịch, phương thức giao tiếp, tương tác, chăm sóc khách hàng, áp dụng công nghệ vào du lịch.
Với học sinh có sự quan tâm đặc biệt tới ngành du lịch, đừng ngần ngại lựa chọn ngành này, do du lịch là nhu cầu tất yếu của con người hiện đại, khi trở lại sẽ có sức bật mạnh mẽ, bùng nổ hơn.
“Các vị trí công việc có thể sẽ có sự thay đổi, một nhân sự trong ngành du lịch đôi khi đòi hỏi phải đa năng hơn, có kiến thức du lịch kết hợp với marketing, kết hợp ngôn ngữ văn hóa Anh – Mỹ, hay kiến thức khách sạn – nhà hàng kết hợp với Digital Marketing, Sharing Economic, hay sự kết hợp giữa công nghệ và du lịch sinh thái, hay thông tin và thực phẩm” – Thạc sĩ Lê Minh Phương cho biết.