Sau sáp nhập, ĐH địa phương lo khó tuyển sinh vì học phí, điểm chuẩn tăng

15/02/2024 08:45
Kim My
0:00 / 0:00
0:00

GDVN- Lo ngại sau sáp nhập, nếu học phí, điểm chuẩn tăng, nhiều người học tại địa phương không thể đáp ứng được có thể sẽ phải tìm đến các trường ĐH địa phương lân cận.

Sau hơn 25 năm xây dựng và phát triển, đến nay, các trường đại học địa phương trên cả nước đã khẳng định được vai trò, sứ mệnh của mình trong việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.

Tuy vậy, đứng trước khó khăn trong công tác tuyển sinh và áp lực tài chính, một số trường đại học địa phương đang có xu hướng trở thành đơn vị thành viên của các đại học quốc gia hoặc đại học vùng.

Ngày 16/3/2023, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh và Đại học Quốc gia Hà Nội đã ký thỏa thuận hợp tác về đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ giai đoạn 2023-2027. Theo đó, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh xây dựng Đề án chuyển đổi cơ chế hoạt động Trường Đại học Hà Tĩnh trở thành trường đại học thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội. [1]

Năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam cũng đã tổ chức buổi làm việc với Đại học Đà Nẵng về đề án chuyển Trường Đại học Quảng Nam trở thành trường thành viên của Đại học Đà Nẵng. [2]

Còn riêng Trường Đại học An Giang đã chính thức trở thành trường đại học thành viên của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2019.

Nhiều thuận lợi khi sáp nhập vào các đại học quốc gia

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Thắng - Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang cho hay, từ sau khi sáp nhập vào Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đến nay, trường có nhiều thuận lợi hơn so với trước kia.

Trường áp dụng toàn bộ tiêu chí, chuẩn đầu ra chung trong hệ thống giống với các trường thành viên khác của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Sinh viên Trường Đại học An Giang trong giờ học thực hành. Ảnh: Website Trường Đại học An Giang.

Sinh viên Trường Đại học An Giang trong giờ học thực hành. Ảnh: Website Trường Đại học An Giang.

Nhà trường luôn được học hỏi và tiếp cận với những cái mới từ các trường thành viên của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh vốn đã và đang phát triển rất mạnh mẽ, để từ đó phấn đấu đạt mục tiêu cao hơn; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, tăng cường đội ngũ giảng viên trình độ cao; các khoản kinh phí, tài chính, đầu tư cũng được cởi mở, rộng rãi hơn khi trực thuộc địa phương.

Thầy Thắng thông tin thêm, hiện Trường Đại học An Giang đang là đơn vị tự chủ nhóm 3 (bảo đảm một phần chi thường xuyên) và phấn đấu lên đơn vị tự chủ nhóm 2 (tự bảo đảm chi thường xuyên). Khi thuộc nhóm 2, trường phải tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên bằng hoặc hơn 100% (theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ).

Trên thực tế, nguồn thu của hầu hết các cơ sở giáo dục đại học ở nước ta đều phụ thuộc vào học phí.

Do đó, khi tự chủ 100% chi thường xuyên, trường cũng phải tăng học phí để tự đảm bảo nguồn thu chi của mình. Song, với vị trí địa lý nằm ở tỉnh An Giang, 4/5 số sinh viên là người địa phương, nhà trường cũng rất trăn trở, lo lắng khó thu hút sinh viên theo học.

Sau hơn 4 năm trở thành đơn vị thành viên của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, điểm chuẩn đối với hầu hết các ngành tại Trường Đại học An Giang đều liên tục tăng, nhằm nâng chất lượng tuyển sinh đầu vào, trường luôn cố gắng cải thiện liên tục để “chạy theo” các trường thành viên trực thuộc khác.

Tuy nhiên, do đặc thù nằm ở địa phương nên điểm chuẩn đầu vào của trường cũng khó cao bằng so với các trường thành viên nhưng sẽ cao hơn so với nhiều trường đại học địa phương khác.

Thầy Thắng cũng chia sẻ lo ngại, nếu học phí tăng, điểm chuẩn nâng lên cao, nhiều người học tại địa phương sẽ không thể đáp ứng được mức học phí, mức điểm chuẩn này, và có thể họ sẽ phải tìm đến các trường đại học địa phương lân cận để tham gia học.

Hiện, tỉnh Thái Bình đang dự thảo Đề án chuyển Trường Đại học Thái Bình thành thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Trao đổi về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quốc Thành – Hiệu trưởng Trường Đại học Thái Bình cho biết: “Đề án đưa Trường Đại học Thái Bình trở thành thành viên của cơ sở giáo dục lớn, uy tín hàng đầu ở Việt Nam là một chủ trương chung của Tỉnh ủy Thái Bình.

Hiện nay, chúng tôi đã khảo sát xin ý kiến viên chức, người lao động của trường về đề án này. Kết quả, viên chức, người lao động và sinh viên đều có mong muốn đưa Trường Đại học Thái Bình trở thành thành viên của cơ sở giáo dục lớn, uy tín hàng đầu của cả nước".

Theo đó, nếu trở thành thành viên của cơ sở giáo dục uy tín hàng đầu cả nước, Trường Đại học Thái Bình có thể nhận được nhiều sự hỗ trợ trên các phương diện khác nhau về nhân lực (nhân lực chất lượng cao có trình độ tiến sĩ, chức danh giáo sư, phó giáo sư), mở rộng hợp tác trong và ngoài nước, phát triển mạnh các ngành đào tạo, sinh viên của trường sẽ có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với các chương trình đào tạo tiên tiến, hiện đại...

Không những vậy, khi trở thành thành viên cơ sở giáo dục lớn, uy tín hàng đầu cả nước, trường cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ đặc biệt của tỉnh Thái Bình trên các phương diện.

Bởi, việc hội tụ được nhiều nguồn lực tốt sẽ giúp Trường Đại học Thái Bình có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển hơn nữa.

Ngoài ra, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quốc Thành cũng cho rằng, việc trở thành thành viên của cơ sở giáo dục lớn, uy tín hàng đầu cả nước không làm mất đi bản sắc của Trường Đại học Thái Bình trên phương diện của một trường đại học địa phương.

Bởi, sứ mệnh của trường đại học trước hết là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và trường đại học địa phương cũng không ngoại lệ về mục tiêu, sứ mệnh trên.

Bên cạnh đó, trường đại học địa phương còn có thêm yêu cầu, nhiệm vụ chính về việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại chỗ, phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Việc đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao tại địa phương cũng là đào tạo ra nguồn lực nhằm phục vụ cho sự phát triển của kinh tế - xã hội đất nước.

“Vì vậy, chúng ta không cần phải lo về việc mất bản sắc khi trường đại học địa phương trở thành thành viên của các đại học lớn, có uy tín. Thay vào đó, nên tạo điều kiện để các đơn vị này nhận được nhiều nguồn lực hỗ trợ để phát triển hơn nữa” – Phó Giáo sư Thành nhận định.

Sau sáp nhập, lo ngại ảnh hưởng tới xếp hạng của đại học quốc gia

Theo Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang, mặc dù việc sáp nhập vào các đại học quốc gia, đại học vùng có thể mang lại nhiều thuận lợi cho các trường đại học địa phương, tuy nhiên, nếu không phấn đấu nỗ lực nhiều để cải thiện chất lượng thì chính các chỉ số của trường có thể ảnh hưởng tới xếp hạng của “đại học mẹ”.

Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra yêu cầu: Phát triển Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh theo hướng trọng tâm, trọng điểm đạt trình độ tiên tiến, thuộc nhóm hàng đầu Châu Á.

Với trách nhiệm của một trường trường thành viên thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học An Giang cũng phải đặt ra những yêu cầu mới về mục tiêu cần đạt được.

Trong đó có mục tiêu là đến năm 2030, nhà trường phải có 75% giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ trở lên, đây không phải điều dễ dàng với một trường thành viên đang nằm ở khu vực địa phương.

Mặt khác, thầy Thắng cho biết thêm, hiện trường đang mạnh đào tạo về 2 khối ngành là sư phạm và nông nghiệp. Đáng nói, mặc dù có nhiều nghị quyết, đề án về nông nghiệp được ban hành, thế nhưng đến nay vẫn chưa có chính sách nào hỗ trợ cho người học khối ngành này. Trong khi trường nằm ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, vốn là khu vực đang phát triển mạnh mẽ về lĩnh vực nông nghiệp.

Do đó, thầy Thắng cũng mong rằng, để có thể thu hút người học và đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng cho nhu cầu của địa phương, rất cần thiết có chính sách hỗ trợ cho người học khối ngành nông nghiệp, một trong những lĩnh vực được đánh giá là khó tuyển sinh nhưng “khát” nhân lực đối với nhiều cơ sở giáo dục đại học hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://cand.com.vn/giao-duc/thuc-luc-dai-hoc-ha-tinh-truoc-thoi-diem-gia-nhap-dhqg-ha-noi-i711417/

[2] https://baoquangnam.vn/giao-duc/de-xuat-truong-dai-hoc-quang-nam-thuoc-dai-hoc-da-nang-can-giai-quyet-nhieu-bai-toan-83420.html

Kim My