Có cần thiết phải tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi cấp phường, xã?

07/07/2025 09:06
HƯƠNG MAI
Theo dõi trên Google News

GDVN - Nếu tất cả giáo viên của 1 môn học trong xã đều đăng ký dự thi, ai sẽ là người chấm. Chẳng nhẽ họ vừa dự thi, vừa làm giám khảo trong cùng 1 hội thi?

Thông tin từ năm học 2025-2026 tới đây cấp phường, xã sẽ tổ chức hội thi hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi đã nhận được sự quan tâm của nhiều giáo viên cấp mầm non, tiểu học và trung học cơ sở trong những ngày vừa qua.

Người viết là giáo viên trung học cơ sở xin chia sẻ đôi điều băn khoăn xung quanh nội dung này.

anh-minh-hoa-giaoducnetvn.jpg
Ảnh minh họa

Cấp phường, xã đảm nhận nhiều chức năng, nhiệm vụ của phòng giáo dục và đào tạo trước đây

Kể từ ngày 01/7/2025 đã chấm dứt hoạt động của cấp huyện, các địa phương sẽ thực hiện chính quyền 2 cấp nên phòng giáo dục và đào tạo cũng đã không còn hoạt động nữa. Nhiều nhiệm vụ, chức năng của phòng giáo dục và đào tạo trước đây đã chuyển về phường, xã.

Như vậy, sau ngày 01/7/2025, phường, xã có thêm nhiều chức năng, nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực giáo dục- đào tạo mà trước đây phòng giáo dục và đào tạo đảm nhận. Trong đó, cấp xã sẽ tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi.

Cụ thể, tại Điều 9, Thông tư số 12/2025/TT-BGDĐT hướng dẫn:

“1. Thẩm quyền tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 Quy định về Hội thi giáo viên dạy giỏi cơ sở giáo dục mầm non, giáo viên dạy giỏi cơ sở giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 22/2019/TT-BGDĐT ngày 20 tháng 02 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (sau đây gọi là Thông tư số 22/2019/TT-BGDĐT) do Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện.

2. Thay thế cụm từ “Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo” bằng cụm từ “Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã”; cụm từ “Phòng Giáo dục và Đào tạo” bằng cụm từ “Ủy ban nhân dân cấp xã”; cụm từ “cấp huyện” bằng cụm từ “cấp xã” tại Thông tư số 22/2019/TT-BGDĐT”.

Việc Ủy ban nhân dân cấp xã đứng ra tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi, Tổng phụ trách Đội giỏi cấp cơ sở là điểm mới trong năm học tới đây.

Thực tế, phòng giáo dục và đào tạo trước đây hay cấp xã, phường hiện nay cũng chỉ là cơ quan ban hành kế hoạch, tổ chức và tất nhiên lãnh đạo phòng, hoặc xã cũng không có ai đứng ra làm giám khảo chấm thi.

Trước đây, lúc còn phòng giáo dục và đào tạo thì giám khảo cũng chủ yếu là cán bộ quản lý các trường học; đội ngũ giáo viên cốt cán môn học tham gia. Môn nào nhiều người dự thi thì điều động thêm những giáo viên có kinh nghiệm và đã từng dự thi cấp huyện, cấp tỉnh đạt giải tham gia làm giám khảo.

Nhưng, lúc đó việc điều động cán bộ quản lý các trường học; đội ngũ giáo viên cốt cán môn học thuận lợi hơn vì phòng giáo dục phụ trách, quản lý chuyên môn hàng chục trường trong địa bàn huyện.

Bây giờ, khi phòng giáo dục và đào tạo đã chấm dứt hoạt động, nếu cấp xã đứng ra tổ chức thì cũng chỉ có thể điều động được cán bộ quản lý, giáo viên cùng cấp học trong địa bàn xã tham gia chấm thi mà thôi.

Những phường (mới) ở khu vực đô thị có nhiều trường học cùng cấp nhưng ở khu vực nông thôn chỉ có 2- 4 trường cùng cấp học, nhất là cấp trung học cơ sở sẽ gặp nhiều khó khăn.

Chẳng hạn, trong 1 xã mới có 2-3 trường trung học cơ sở loại II thì các môn Giáo dục công dân; Mĩ thuật; Âm nhạc mỗi môn cũng sẽ có tương đương 2-3 giáo viên. Trong khi đó, theo quy định chấm giáo viên dạy giỏi phải có 3 giám khảo.

Nếu 1 giáo viên ở trường này thì xã, phường phải điều động 2 giáo viên ở trường khác chấm thi. Đương nhiên, thiếu 1 giám khảo. Đó là chưa kể lỡ có 1 giáo viên trường khác mới được tuyển dụng, hoặc họ chưa bao giờ thi giáo viên dạy giỏi thì cũng không đủ tiêu chuẩn đi chấm thi.

Hoặc, nếu tất cả giáo viên môn học này trong xã đều đăng ký dự thi, ai sẽ là người chấm. Chẳng nhẽ họ vừa là người dự thi, vừa là người chấm thi trong cùng 1 hội thi?

Giáo viên các phân môn Lịch sử; Địa lí; Hóa học; Sinh học; Hóa học trong 2 môn tích hợp cũng rất ít giáo viên vì các phân môn này mỗi tuần chỉ dao động từ 1,3 tiết- 1,5 tiết nên có người thi cũng khó bố trí giám khảo.

Ngay cả những môn nhiều tiết như Toán, Văn, Ngoại Ngữ điều động giám khảo trong xã cũng không đơn giản vì nhiệm vụ này khá nhạy cảm và đương nhiên là phải cứng chuyên môn thì mới đủ bản lĩnh làm giám khảo hội thi chứ không phải cứ dạy môn học đó là có thể làm giám khảo.

Ở cấp tiểu học, những giáo viên Mĩ thuật; Âm nhạc nếu đăng ký dự thi cũng rất khó tìm được giám khảo chấm thi nếu như xã chỉ có 2-3 trường cùng cấp học.

Việc điều động giáo viên cấp này chấm cho cấp kia gần như không khả thi và cũng không có quy định nào như vậy. Khi không còn cấp huyện thì lãnh đạo xã này cũng không thể điều động giáo viên xã khác làm giám khảo vì không đúng thẩm quyền.

Bản thân người viết bài đã từng dự thi giáo viên dạy giỏi các cấp và nhiều năm làm giám khảo cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh nhận thấy còn nhiều băn khoăn về cấp xã hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi và cả danh hiệu khi giáo viên đạt được.

Danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp xã và danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường sẽ không khác nhau là bao và có thể người dự thi, người chấm cũng vừa thực hiện ở trường rồi lại lên cấp xã thi và chấm. Thậm chí, họ chấm qua, chấm lại cho nhau cũng có thể xảy ra vì nhân sự chỉ có chừng ấy con người.

Vì thế, người viết cho rằng nên cân nhắc có cần thi giáo viên dạy giỏi; giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi hay không bởi vì các đơn vị trường học đã tổ chức hội thi cấp trường.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HƯƠNG MAI