Sinh viên gặp khó khi đăng ký tín chỉ, trường đại học khắc phục ra sao?

19/01/2023 06:48
Khánh An
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu các trường ĐH không có kế hoạch rõ ràng để cải thiện việc đăng ký tín chỉ cho sinh viên sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả học tập của các em.

Cứ đến thời điểm chuẩn bị đăng kí tín chỉ, nhiều sinh viên lại thấp thỏm nỗi lo sợ nghẽn mạng, sợ không đăng ký đủ môn học dù đã dành ra cả đêm hay nửa ngày chờ để đăng ký.

Do vậy, nhiều trường đại học đã và đang nỗ lực cải tiến, đổi mới phần mềm đăng ký cũng như xây dựng các cách sắp xếp số lượng sinh viên, số lượng thời gian đăng ký hợp lý cho người học.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về công tác đăng ký tín chỉ cho sinh viên của trường, Thạc sĩ Phan Thanh Tiến, Phó trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế cho hay, đến mỗi thời điểm đăng ký tín chỉ, trường có mở đủ chỗ cho sinh viên, tuy nhiên, các bạn còn chọn thầy cô, chọn thời khóa biểu nên có tình trạng một số sinh viên không đăng ký được lớp như mình mong muốn, đơn cử như mỗi lớp của trường sẽ được đăng ký tối đa 40 bạn, nhưng có những lớp chỉ có 25-30 bạn đăng ký.

Sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế tại buổi nhập học đầu khóa. (Nguồn: Hội Sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế).

Sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế tại buổi nhập học đầu khóa. (Nguồn: Hội Sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế).

Nhiều bạn sinh viên chỉ lựa chọn lịch học trong khoảng 3 ngày như thứ 2, thứ 3, thứ 4, còn dành các ngày còn lại để đi làm thêm. Các bạn vừa muốn có thêm thu nhập, vừa muốn có môi trường để phát triển thêm năng lực ngoại ngữ như đi làm tại các nhà hàng, khách sạn quốc tế nên trường cũng rất ủng hộ và cố gắng tạo điều kiện cho các bạn, nhưng cũng tư vấn để sinh viên có sự cân đối đăng ký môn học phù hợp hơn.

Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế luôn cố gắng sắp xếp lớp cho sinh viên, do đó, mỗi năm trường đều đảm bảo đến 95-96% số sinh viên đăng ký được đủ tín chỉ.

Bên cạnh đó, thầy Tiến cũng cho biết, trong công tác đăng ký tín chỉ của trường cũng có nhiều công đoạn, ban đầu, trường sẽ cho sinh viên vài ngày để tự do đăng ký thời khóa biểu, giảng viên,... Sau đó, nếu sinh viên nào chưa đăng ký được lớp sẽ được lấy số thứ tự online và trường sẽ xử lý đăng ký online để sắp xếp số lượng các bạn đó vào các lớp phù hợp.

Sinh viên sẽ có thời gian đăng ký khoảng 2-3 ngày, sau đó trường sẽ dành gấp đôi thời gian để sắp xếp lớp học và xử lý các vấn đề xảy ra, hỗ trợ nhanh nhất cho các em. Các khâu xử lý đều được các chuyên viên của trường thao tác dễ dàng, nhanh chóng qua các công cụ hỗ trợ trên phần mềm đăng ký tín chỉ.

Ngoài ra, để hạn chế những khó khăn trong quá trình đăng ký tín chỉ cho sinh viên thì trường cũng có cách sắp xếp các học phần một cách hợp lý.

“Những học phần nào có ít lớp, trường sẽ cho đăng ký đầu tiên, còn những học phần nào có nhiều lớp hơn sẽ cho đăng ký sau chứ không cho đăng ký luôn trong 1 lần.

Không những vậy, như trước đây, trường có đặt hệ thống phần mềm tín chỉ trên server (hệ thống) của Đại học Huế nên hay bị xảy ra tình trạng nghẽn mạng, do số lượng sinh viên vào đăng ký quá lớn khi các trường khác (thuộc Đại học Huế) cũng cho sinh viên đăng ký cùng một khoảng thời gian.

Nhưng 5 năm trở lại đây, trường đã hợp đồng với một đối tác để sử dụng server riêng. Theo đó, đến thời điểm đăng ký tín chỉ của sinh viên, trường sẽ làm công văn gửi cho bên đối tác đẩy dung lượng đường truyền của trường lên mạnh hơn gấp 3 lần so với thông thường, đồng thời đối tác cũng có các giải pháp kỹ thuật khác để hỗ trợ tốt hơn cho sinh viên”, thầy Tiến cho biết.

Hơn nữa, theo chia sẻ từ Phó trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế, trường sẽ chia ra khoảng 2 lượt sinh viên đăng ký. Ví dụ như có 7.000 em của cả bốn khóa thì mỗi lượt sẽ chia ra khoảng hơn 3.000 em của hai khóa đăng ký vào một khung giờ, hơn 3.000 em của hai khóa còn lại sẽ đăng ký vào một khung giờ khác.

Do đó, hiện tại gần như không còn tình trạng sinh viên của trường bị nghẽn mạng không truy cập được vào phần mềm đăng ký, trừ một số trường hợp do mạng ở nhà các bạn không được tốt nên thời gian làm các thao tác sẽ lâu hơn, nhưng trường hợp này cũng rất ít khi xảy ra.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Hải Hoàn, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng cho biết, trước kia trường cũng từng có thời điểm sinh viên đăng ký tín chỉ bị nghẽn hệ thống nhưng hiện tại đã được trường khắc phục qua từng năm.

Sinh viên Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng trong buổi bảo vệ đồ án tốt nghiệp. (Nguồn: Fanpage nhà trường).

Sinh viên Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng trong buổi bảo vệ đồ án tốt nghiệp. (Nguồn: Fanpage nhà trường).

Ngoài việc cải thiện phần mềm, trường đã tối ưu lại cách sắp xếp thời gian cho các em đăng ký tín chỉ để tránh việc nghẽn mạng như chia lại các khung giờ cho các khóa đăng ký riêng chứ không phải cùng lúc. Thông thường, mỗi đợt, trường sẽ có khoảng 2000 sinh viên đăng ký trong 2 ngày.

Hơn nữa, trường cũng chú trọng công tác truyền thông để kịp thời đưa thông tin đến các bạn sinh viên khi đến thời điểm đăng ký tín chỉ như thông báo qua văn bản và website nhà trường, ứng dụng của sinh viên,...

Cũng theo thầy Hoàn, đối với những bạn không kịp đăng ký môn học, trường cũng sẽ cố gắng mở bổ sung thêm tùy theo số lượng người học đăng ký cũng như điều kiện của trường.

Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng cũng đã cải thiện phần mềm đăng ký tín chỉ như nâng cấp phần mềm lên tốc độ gấp 2 - 3 lần để hệ thống xử lý được nhanh hơn từ cấu hình của cloud, server, vi xử lý, RAM, theo từng giai đoạn; trong những giai đoạn bình thường, không cần thiết thì sẽ yêu cầu bên liên kết cung cấp hệ thống đăng ký tín chỉ hạ tốc độ đường truyền xuống.

Khánh An