Sinh viên Y khoa đi học trong mùa dịch bệnh là cơ hội để dấn thân

30/03/2020 06:30
Cao Nguyên (ghi)
(GDVN) - Đến nay, Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh là đại học duy nhất ở Sài Gòn cho toàn bộ sinh viên đi học từ ngày 9/3/2020.

Bác sĩ Phan Xuân Trung, giảng viên Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh nói rằng, sinh viên đi ngành y đi học trong mùa dịch Covid-19 là cơ hội để học tập từ thực tiễn.

Đến nay, Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh là đại học duy nhất ở Sài Gòn cho toàn bộ sinh viên đi học từ ngày 9/3/2020.

Thầy Phan Xuân Trung chia sẻ, sinh viên ngành y Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã đã có một thời gian lóng ngóng, ngơ ngác như các sinh viên trường khác trước lệnh “nghỉ học để chống dịch” (sau kì nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý). 

Sinh viên Y khoa đi học trong mùa dịch bệnh là cơ hội để dấn thân. (Ảnh minh hoạ: TTXVN)
Sinh viên Y khoa đi học trong mùa dịch bệnh là cơ hội để dấn thân. (Ảnh minh hoạ: TTXVN)

Nhà trường phải tuân theo các mệnh lệnh điều hành của chính quyền, và vì vậy sinh viên phải nghỉ học. 

Tuy nhiên, thầy Trung cảm thấy bất ngờ vì sinh viên y khoa lại nghỉ vì dịch bệnh trong khi đây chính là cơ hội, là môi trường cho các em dấn thân. 

Khi sinh viên đi học trở lại để tiếp tục nhiệm vụ học tập, thầy Trung khuyên học trò phải học để dấn thân vào con đường hy sinh, dâng hiến. 

“Ta phải thức, phải trực, phải động não, phải đọc, phải xem, phải vượt khó, phải chịu đựng, phải kiên trì... để cho hiệu quả của những gì ta làm cho xã hội là phục hồi sức khỏe. 

Không phải chỉ là sức khỏe của từng cá nhân mà còn là sức khỏe của toàn xã hội”, thầy Trung căn dặn.

Cũng theo thầy Trung, sinh viên y khoa khác với sinh viên của những ngành khác. Sinh viên ngành y làm những điều mà tất cả các sinh viên trường khác không làm.

Minh chứng cho điều này, thầy Trung liệt kê những tấm gương thầy thuốc sẵn sàng đối mặt với muôn vàn nguy hiểm để hành nghề, nghiên cứu trên cơ thể người bệnh.

Sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội nêu cao trách nhiệm phòng chống Covid-19
Sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội nêu cao trách nhiệm phòng chống Covid-19

Đó là thầy Danh, ông là người ngửi phân biết bệnh; thầy Tuyền, người vốc tay vào dạ dày của tử thi để ngửi mùi độc chất; thầy Quyền, người đo từng chiếc hộp sọ để sắp xếp trên tháp tưởng niệm diệt chủng ở Campuchia và những bác sĩ giám định pháp y khai quật tử thi đang bốc mùi hôi thối để tìm sự thật của một vụ án.

Nhớ lại những lần thầy và trò phải thực hành những giờ đầy gian khổ, thầy Trung nghĩ về những giờ học dấn thân:

“Tôi cũng nhớ đến chuyện chúng ta, những sinh viên quậy phân người để xem trứng lãi, quệt giọt máu của mình để đếm hồng cầu, trây đàm bệnh nhân trên phiến kính để xem vi trùng lao... 

Năm thứ nhất, thứ hai, các em đã ôm đống xương người nằm ngủ bên mình như ôm đống củi.

Các em thực hành với xác người ngâm trong formol để học từng thớ cơ, mạch máu... Mùi formol theo các em vào cả bữa ăn, giấc ngủ... 

Hoặc là, thầy Uy ngoại khoa vuốt đại tràng trên bàn mổ để đẩy từng lọn phân vào bô, giải áp cho bệnh nhân.

Nhớ xưa khám ngoại khoa thọc tay vào hậu môn bệnh nhân để tìm ung thư trực tràng hay khám tiền liệt tuyến...”.

Thầy Trung chia sẻ, thầy trò đã làm những điều kỳ dị, khi nhìn những vết thương tởm lợm trên cơ thể bệnh nhân. 

Hay thầy Bùng ngồi săm soi chiếc chân bị cưa lở loét, chồi sùi, đầy mủ của bệnh nhân đang bốc mùi hôi thối mà đi đến đâu cũng bị người ta xua đuổi.

“Đeo trên mặt một mask (mặt nạ) vải màu trắng, rửa sạch đôi tay là chúng ta đã sẵn sàng làm công việc cứu người.

Ta mổ người không phải như người ta làm gà, làm cá. Ta chích người không phải như ai chích lợn chích bò. 

Ta đã phải học rất nhiều, hiểu rất nhiều, thấy và thực hành rất nhiều trước khi tham gia làm gì trên thân thể người bệnh. 

Cái tay của ta làm theo con mắt của cái đầu. Ta thấy rõ những gì đang xảy ra, gọi là chẩn đoán.

Ta thấy rõ những gì sẽ xảy ra, gọi là tiên lượng. Ta biết làm gì để xử lý tình trạng gọi là điều trị...”, thầy Trung phân tích cặn kẽ về chuyện nghề.

Chính vì vậy, trong trận dịch Covid-19, trong khi xã hội hoảng loạn, tựa hồ như những bệnh nhân sợ chết, thầy Trung khuyên sinh viên, những người thầy thuốc tương lai phải nắm bắt ngay cơ hội để học, học và học. 

“Bác sĩ Yersin ở tuổi hai mươi nào có sợ dịch hạch trong khi bao nhiêu người đang lăn ra chết. 

Ngài đi vào tâm dịch để tìm cho ra mầm bệnh, để biết về bọ chét, về chuột, về vi khuẩn gây bệnh mà về sau vi khuẩn đó được đặt tên ông, Yersinia”, thầy Trung dẫn chứng về một tấm gương.

Đông viên học trò vượt qua sợ hãi trong mùa dịch bệnh, thầy Trung tâm sự với sinh viên những điều từ tận đáy lòng khi hành nghề:

“Trong phòng cấp cứu, khi bệnh nhân đang đau đớn, khi người nhà đang lo lắng, khấn vái thì thầy thuốc giữ lấy sự bình tĩnh, im lặng, quan sát, theo dõi, ra y lệnh để xử trí. 

Người thầy thuốc phải làm việc trong sự lạnh lùng của trí óc nhưng bằng năng lượng nóng hổi của trái tim. 

Trong cùng hoàn cảnh, các em không có quyền sợ hãi, không có quyền đòi hỏi cho bản thân.

Trong hoàn cảnh đó, các em là người thay mặt cho Thượng Đế để xử lý tốt nhất cho bệnh nhân.

Trong dịch bệnh cũng vậy, đây là lúc xã hội cần đến chúng ta.”

Thầy Trung kêu gọi sinh viên tận dụng cơ hội học tập trong thời gian này, bằng cách phải học gấp, học để bù lại những ngày mất mát, phí phạm vừa qua (thời gian nghỉ phòng dịch sau Tết Nguyên đán).

Phải học để có con mắt sáng để nhìn thấu suốt mọi việc và để xử lý cho chín chắn, cho hiệu quả. 

“Làm xong rồi phủi tay, nghỉ ngơi, vì đó là phận sự”, thầy Trung kêu gọi.

Trong một diễn biến khác có liên quan, ngày 27/3, trang thông tin điện tử Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minhcho biết, từ ngày 28/3, nhà trường chỉ dạy trực tiếp lớp học với quy mô dưới 20 sinh viên. Khoảng cách tối thiểu giữa mỗi người là một mét.

Cụ thể, các lớp học lý thuyết dưới 20 người có thể tổ chức học trực tiếp kết hợp hình thức giảng dạy trực tuyến theo thời gian thực và e-learning.

Các lớp từ 20 người trở lên chuyển sang hình thức giảng dạy trực tuyến theo thời gian thực, e-learning. Các nội dung cần trao đổi trực tiếp phải tổ chức thành nhóm nhỏ.

Đối với lớp thực hành, trường chia nhỏ thành nhóm dưới 20 sinh viên, khuyến khích các nội dung giảng dạy trực tuyến và e-learning được sắp xếp dạy trước, giúp sinh viên rút ngắn thời gian học, thực hành trực tiếp.

Tài liệu tham khảo:

//ump.edu.vn/tin-tuc-su-kien/tin-tuc/thong-bao-ve-viec-phan-bo-thu-tu-hoc-vien-cac-chuyen-nganh-den-nhan-bang-tot-nghiep-sau-dai-hoc/1710

Cao Nguyên (ghi)