Đào tạo ngành Chăn nuôi - Thú y: Cung không đủ cầu

14/07/2023 06:41
Trịnh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- "Doanh nghiệp muốn có nhân sự chất lượng cao thì việc đầu tư cho sinh viên từ lúc mới vào trường là cần thiết và mang tính tất yếu", PGS. Đinh Văn Dũng chia sẻ.

Những năm qua, ngành Chăn nuôi - Thú y đã phát triển cả về quy mô và tính chuyên môn hóa, từ chăn nuôi nhỏ lẻ đang dịch chuyển dần sang chăn nuôi tập trung, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển chăn nuôi bền vững, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế.

Để nâng cao hiệu quả sản xuất, các doanh nghiệp, trang trại đang có nhu cầu rất lớn nguồn nhân lực có kiến thức tổng hợp cả về chăn nuôi và thú y. Đây được xem là cơ hội rất tốt cho sinh viên theo học ngành Chăn nuôi, Thú y.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Văn Dũng, Trưởng khoa Chăn nuôi Thú y, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế cho biết, hiện Khoa đang tuyển sinh trình độ đại học hai ngành Chăn nuôi (song ngành Chăn nuôi - Thú y) và ngành Thú y.

Đây đều là những ngành có điểm trúng tuyển thuộc tốp cao của trường trong nhiều năm gần đây. Đối với phương thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, điểm chuẩn ngành Thú y của Khoa trong ba năm 2020, 2021, 2022 lần lượt là 19, 20.5 và 20 điểm.

Trong đó, ngành Thú y của Khoa ngày càng có nhiều sinh viên nữ theo học, với tỷ lệ trên 50%. Đây được xem là xu hướng mới, ngược lại so với trước đây, bởi nhiều sinh viên nữ có định hướng trở thành bác sĩ thú cưng.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Văn Dũng - Trưởng khoa Chăn nuôi Thú y, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Văn Dũng - Trưởng khoa Chăn nuôi Thú y, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Mặc dù chỉ tiêu tuyển dụng hàng năm của ngành Chăn nuôi - Thú y hiện nay rất cao, nhưng cung vẫn không đủ cầu. Nhu cầu sử dụng lao động lớn nhưng người học có xu hướng giảm.

Học sinh sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông thường có xu hướng chọn ngành khác nhiều hơn, chưa hướng nhiều về ngành Nông-Lâm-Ngư nghiệp nói chung và ngành Chăn nuôi - Thú y nói riêng.

Vì vậy, nguồn nhân lực là vấn đề cấp thiết mà nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp cũng như lĩnh vực Chăn nuôi - Thú y đang gặp phải.

Mặt khác, quá trình đào tạo hiện vẫn chưa thật sự bắt kịp được nhu cầu thực tế cả về số lượng và chất lượng.

Ví dụ, nhiều kỹ năng trong phòng thực hành, hiện Khoa vẫn đang thiếu cơ sở vật chất và trang thiết bị; các kỹ năng nghề nghiệp vẫn cần sự giúp đỡ từ các doanh nghiệp sở hữu những trang trại quy mô lớn.

Theo kết quả khảo sát sinh viên tốt nghiệp của Khoa trong 5 năm gần đây, sinh viên chủ yếu làm việc ở khu vực ngoài nhà nước (chiếm 95,4% tổng số sinh viên được khảo sát), chỉ có 4,6% sinh viên làm trong khu vực nhà nước.

Kết quả khảo sát chi tiết vị trí việc làm ở khu vực ngoài nhà nước cho thấy, hơn 85% sinh viên được khảo sát làm việc trong các công ty, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Chăn nuôi - Thú y. Còn lại làm về thú cưng và tự kinh doanh (khoảng 15%).

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Văn Dũng, trong giáo dục nghề nghiệp, việc đào tạo định hướng theo nhu cầu của thị trường việc làm là cần thiết.

Triết lý đào tạo cũng cần thay đổi theo từng giai đoạn để phù hợp với nhu cầu thực tế nhưng không đánh mất những cái cốt lõi của giáo dục đại học. Do đó, Khoa đã và đang nỗ lực triển khai một số hoạt động cụ thể.

Thứ nhất, Khoa đã hai lần cập nhật chương trình đào tạo trong giai đoạn từ 2017 đến 2021. Trong mỗi lần cập nhật, khung chương trình đào tạo đã bổ sung, phân bố nhiều hơn cho các môn học định hướng làm việc trong doanh nghiệp, ví dụ các môn: An toàn sinh học trong trang trại, Quản lý trang trại, Cơ điện trong nông nghiệp.

Các môn thực tập nghề nghiệp được nâng thêm thời gian và mang tính liên thông với nhau, đảm bảo thời gian tiếp cận tại các trang trại từ 3 đến 5 tháng.

Thứ hai, Khoa chủ trương kết hợp với các doanh nghiệp hình thành các câu lạc bộ chuyên môn, nhằm đào tạo thêm các kiến thức và kỹ năng, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp sau khi ra trường; Định kỳ phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức các báo cáo chuyên đề về chăn nuôi công nghiệp nhằm giúp giảng viên và sinh viên cập nhật thêm các kiến thức thực tiễn.

Thứ ba, Khoa kêu gọi sự tài trợ của các doanh nghiệp nhằm có thêm cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, tiếp cận theo hướng chăn nuôi công nghiệp để sinh viên có điều kiện làm quen ngay trong cơ sở thực hành thực tập của khoa.

Một số môn học như Thực tế nghề bắt buộc sinh viên tham gia trong các trang trại của doanh nghiệp, thực tập tốt nghiệp luôn khuyến khích một tỷ lệ nhất định sinh viên thực hiện đề tài tốt nghiệp trong các trang trại của doanh nghiệp.

Lễ ký kết hợp tác với doanh nghiệp ngành chăn nuôi có sự tham gia của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thanh Đức (phải), Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Lễ ký kết hợp tác với doanh nghiệp ngành chăn nuôi có sự tham gia của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thanh Đức (phải), Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thầy Dũng chia sẻ quan điểm: “Việc đào tạo nguồn nhân lực không chỉ là trách nhiệm của đơn vị đào tạo mà còn phải có trách nhiệm của các đơn vị sử dụng lao động. Các doanh nghiệp muốn có nhân sự chất lượng cao thì việc đầu tư cho sinh viên từ lúc mới vào trường là cần thiết và cần mang tính tất yếu”.

Để đào tạo nhân lực không thể chỉ trông cậy vào nỗ lực của các cơ sở giáo dục đào tạo mà rất cần sự vào cuộc tham gia của các doanh nghiệp. Thậm chí có thể coi là một mắt xích quan trọng.

Việc doanh nghiệp hợp tác với cơ sở giáo dục giúp mở ra cơ hội cho người học có cơ hội được tiếp cận công nghệ với chính những kiến thức được học.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Văn Dũng cho biết, trên thực tế, lâu nay sự gắn kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp đã có, đã ký kết nhiều văn bản hợp tác.

Tuy nhiên, bên cạnh những hợp tác bài bản và chuyên nghiệp, đạt được hiệu quả cao, thì vẫn còn một số hợp tác còn lỏng lẻo, nhất thời, dẫn đến kết quả hợp tác đạt được chưa cao.

Do đó, trong thời gian tới đòi hỏi các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp phải thực sự đồng hành với nhau một cách chuyên nghiệp và bền vững.

Tóm lại, để có nguồn nhân lực được đào tạo đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp cần có sự phối hợp từ đơn vị đào tạo lao động và đơn vị sử dụng lao động.

Các bên cùng tham gia ở các công đoạn đào tạo từ đóng góp xây dựng chương trình đến tham gia đào tạo và đánh giá kết quả. Các việc làm này cần bài bản, chuyên nghiệp và bền vững.

Trịnh Trang