Số lượng biên chế ít, diện tích hẹp, trung tâm GDNN-GDTX gặp vô vàn khó khăn

09/08/2023 06:36
Khánh An
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Lãnh đạo các trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên mong sớm có thêm biên chế giáo viên, nhân viên, cơ sở vật chất để đảm bảo nhiệm vụ đào tạo.

Nhờ công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở tại một số địa phương được thực hiện ngày càng có hiệu quả, số lượng người học lựa chọn vào các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên tại một số địa phương đang ngày càng tăng.

Đáng nói, với sự gia tăng nhanh chóng này nhưng biên chế cán bộ, nhân viên, giáo viên của các trung tâm lại không được tăng, diện tích đất sử dụng, cơ sở vật chất còn hạn chế đã gây ra nhiều khó khăn, bất cập.

Nhiều vướng mắc khi biên chế giáo viên ít ỏi, khó tuyển dụng giáo viên hợp đồng

Trước thực trạng trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Minh Vỹ, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên Lục Ngạn (Bắc Giang) cho hay, ở tỉnh Bắc Giang, biên chế tối đa cho mỗi trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên là 21 người/cơ sở. Trong đó, bao gồm cả cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên hành chính.

Với quy định này, hiện nay, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên Lục Ngạn đang có 20 biên chế (3 lãnh đạo trung tâm, 2 nhân viên hành chính, 10 giáo viên khối văn hóa và 5 thầy cô khối nghề).

Theo thầy Vỹ, ở cấp trung học phổ thông, định mức số lượng giáo viên được bố trí tối đa 2,25 giáo viên trên một lớp (Điều 8 Thông tư 16/2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định). Thế nhưng, đối với số lượng biên chế giáo viên theo quy định hiện hành của địa phương, tại trung tâm hiện nay chỉ có 01 giáo viên dạy văn hóa cho 01 môn học.

Trong khi đó, với tổng số lớp hiện nay của trung tâm là 33 lớp, năm học tiếp theo quy mô sẽ là 36 lớp. Như vậy, số giáo viên hiện có của đơn vị sẽ không thể đáp ứng đủ, trường cũng đang thực hiện hợp đồng với khoảng hơn 22 thầy cô nữa nhưng vẫn thiếu giáo viên dạy văn hóa.

Đại diện học sinh các khối lớp của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Lục Ngạn (Bắc Giang) tham dự hưởng ứng ngày chuyển đổi số năm 2022 (Ảnh: Website nhà trường).

Đại diện học sinh các khối lớp của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Lục Ngạn (Bắc Giang) tham dự hưởng ứng ngày chuyển đổi số năm 2022 (Ảnh: Website nhà trường).

Tuy nhiên, đã hai năm nay, trung tâm rất khó khăn để có thể tuyển được giáo viên hợp đồng vào giảng dạy.

Thầy Vỹ chia sẻ, thực tế cho thấy, số giáo viên thi viên chức không đỗ thường lựa chọn rẽ hướng đi làm doanh nghiệp luôn vì dạy hợp đồng không ổn định nên họ không mấy “mặn mà”.

Không những vậy, có lúc, trung tâm phải nhờ các giáo viên của trường trung học phổ thông trên địa bàn đến hỗ trợ dạy thỉnh giảng. Nhưng với thực trạng hiện nay, các thầy cô tại các trường trung học phổ thông cũng đang phải “gồng mình” lên với chương trình giáo dục phổ thông mới nên việc hỗ trợ cũng không phải dễ dàng.

Không chỉ số lượng cán bộ tại khối văn hóa mà tại khối dạy nghề cũng gặp khó khăn.

Theo thầy Vỹ, hiện trung tâm đang liên kết với các trường cao đẳng, trung cấp để đào tạo nghề hệ trung cấp cho học sinh, trong đó, các trường cao đẳng, trung cấp chịu trách nhiệm đào tạo, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên phụ trách quản lý.

Tuy nhiên, số lượng cán bộ khối nghề ít ỏi của trường (05 người), số lớp học hệ trung cấp tại trung tâm lại tương đối lớn là 59 lớp, công tác quản lý vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc.

Chia sẻ từ Thạc sĩ Nguyễn Xuân Phương, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên Lục Nam (Bắc Giang) cho hay, Bắc Giang là một trong những tỉnh thực hiện rất tốt công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở.

Chính vì vậy, những năm gần đây, địa phương giao chỉ tiêu học sinh cho các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên khá nhiều. Tuy nhiên, với số lượng biên chế còn hạn hẹp là 21 người, số lượng giáo viên dạy các môn văn hóa khó có thể đáp ứng được số học sinh đang ngày càng gia tăng.

Do đó, trung tâm đang phải thực hiện nhiều giải pháp để khắc phục việc thiếu giáo viên, không để xảy ra tình trạng không mở được lớp cho học sinh vì không có giáo viên như tuyển dụng nhiều giáo viên hợp đồng kết hợp với giáo viên thỉnh giảng từ các trường trung học phổ thông. Việc phải sử dụng nhiều giáo viên hợp đồng cũng phần nào ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo với có một số thầy cô là giáo viên trẻ mới ra trường, kinh nghiệm còn hạn chế.

Cũng theo thầy Phương, năm nào đơn vị cũng đề xuất tăng thêm biên chế giáo viên dạy văn hóa nhưng vẫn chưa được chấp thuận. Bởi, với chủ trương tinh giảm biên chế trên cả nước như hiện nay, rất khó để có thể có thêm biên chế giáo viên cho các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên.

Bên cạnh đó, với quy định biên chế trong trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên của tỉnh Bắc Giang chỉ có 3 nhân viên hành chính gồm 1 kế toán, 1 văn thư kiêm thủ quỹ, 1 nhân viên thư viện và thiết bị, không có nhân viên y tế. Trong khi đó, đa số các trung tâm hiện nay đều trên 1.000 học sinh, thậm chí, có những trung tâm còn nhiều học sinh hơn cả trường trung học phổ thông. Do vậy, việc cần đảm bảo sức khỏe, phòng dịch cho các em là rất quan trọng và cần thiết và cần sớm có thêm biên chế nhân viên y tế này cho các trung tâm.

Cơ sở vật chất được đầu tư nhưng còn hạn hẹp, chưa đáp ứng

Mặt khác, về cơ sở vật chất, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên Lục Ngạn cho hay, đơn vị được tỉnh Bắc Giang đầu tư mạnh nên các phòng ốc, trang thiết bị, máy móc phục vụ học tập cho học sinh rất khang trang, hiện đại.

Tuy nhiên, diện tích của trung tâm tâm so với quy mô học sinh hiện nay còn quá hẹp. Hiện nay, số học sinh của trung tâm năm học này vào khoảng xấp xỉ 1.500 em.

Thế nhưng, với tổng diện tích còn hạn hẹp là 7.773 m2, diện tích sân của trung tâm chỉ có 1.200m2, đơn vị khó tổ chức các hoạt động tập thể như lễ khai giảng, lễ kỷ niệm 20/11, các hoạt động ngoại khóa,… cho các em. Đơn cử như vào lễ khai giảng năm học 2023-2024 tới, đơn vị dự kiến chỉ chọn đại diện lớp để đi tham dự do không đủ diện tích nên cũng thiệt thòi cho các em học sinh khác không được tham gia.

Việc này sẽ càng khó khăn hơn, bởi những năm học tiếp theo, quy mô chỉ tiêu được giao của đơn vị mỗi năm là tuyển 600 học sinh, năm học 2023 – 2024, dự kiến toàn trường sẽ có 1800 học sinh.

Hơn nữa, với tổng số phòng học và thực hành 41 phòng, trường lúc nào cũng phải dạy kín cả 2 ca và học sang cả 2 ngày cuối tuần mới có thể dạy đủ cho tất cả các lớp.

Chính vì vậy, bên cạnh đề xuất tuyển thêm biên chế cho khối giáo dục thường xuyên để thực hiện nhiệm vụ đào tạo, thầy Vỹ cũng mong rằng, trung tâm được mở rộng thêm diện tích để học sinh có thêm sân chơi, bãi tập. Bởi, việc học tập không chỉ ở trong lớp mà cần đáp ứng cả vấn đề tham gia các hoạt động ngoại khóa cho người học.

Cũng theo thầy Phương, Bắc Giang cũng là một trong những tỉnh đầu tư tốt nhất cho các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên nhưng so với nhu cầu đào tạo của nhà trường, học tập của học sinh vẫn còn thiếu như không có phòng học bộ môn, không có phòng đa năng

Trước những khó khăn còn tồn tại trên, thầy Phương mong rằng, số lượng đội ngũ giáo viên của các trung giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn được đáp ứng theo Thông tư 12/2022/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Chương trình Giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông.

Theo đó, số lượng giáo viên của Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông tối thiểu mỗi môn học có ít nhất 01 giáo viên cơ hữu đối với các môn học bắt buộc, môn học lựa chọn (nếu có). Riêng môn Toán và môn Ngữ văn có ít nhất từ 2 giáo viên cơ hữu trở lên.

Không những vậy, về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cũng cần phải đảm bảo theo Thông tư 12 này là đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất và thiết bị dạy học để thực hiện Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông theo các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; bố trí đủ các phòng học, phòng học bộ môn và các phòng chức năng, hạ tầng kĩ thuật khác; Thiết bị dạy học được thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cùng cấp học ban hành theo quy định tại Thông tư số 39/2021/TT-BGDĐT ngày 30/12/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu cấp trung học phổ thông .

Khánh An