Sứ mệnh của nhà trường và hiệu trưởng ở đâu trong tiến trình đổi mới giáo dục?

02/02/2022 06:36
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- PGS Đặng Quốc Bảo: "Người Hiệu trưởng trước yêu cầu tiến vào nền kinh tế tri thức cần thực hiện: Khai phóng nhân văn, Tam hóa đồng bộ, Vượt gộp thông minh".

Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng năm 2013 “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" khẳng định: Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội.

Trong đó, mục tiêu tổng quát là tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân. Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả.

Xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế hệ thống giáo dục và đào tạo; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc dân tộc. Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.

Ngày nay, trong giai đoạn nền giáo dục đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, song cũng đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức, sứ mệnh của ngành giáo dục, của nhà trường, sứ mệnh người thầy và sứ mệnh người hiệu trưởng luôn là vấn đề cần được quan tâm.

Ba dấu mốc quan trọng gắn với đổi mới giáo dục Việt Nam

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo – nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục và Đào tạo (nay là Học viện Quản lý Giáo dục) cho biết, có thể xem 3 dấu mốc quan trọng tương ứng với 3 lần thực hiện đổi mới nền giáo dục Việt Nam.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo – nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục và Đào tạo (nay là Học viện Quản lý Giáo dục). Ảnh: Phạm Minh

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo – nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục và Đào tạo (nay là Học viện Quản lý Giáo dục). Ảnh: Phạm Minh

Ngày 02/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp được Chính phủ ủy nhiệm trình bày Đường lối nội chính của đất nước, trong đó có vấn đề giáo dục. Có thể coi đổi mới giáo dục bắt đầu từ thời điểm này.

Một số nhà nghiên cứu coi đây là đổi mới giáo dục 1.0, đổi mới tính chất chính trị của nền giáo dục Việt Nam. Trong diễn văn của Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp lúc bấy giờ có nêu “Người thầy của xã hội Việt trong bối cảnh mới có nhiệm vụ thiêng liêng: Nhiệm vụ giáo dục - dạy học cho thế hệ trẻ rèn luyện đức tính cần thiết trong cuộc đời đoàn thể rộng rãi và năng lực kỹ thuật cần lao của con người”.

Đổi mới giáo dục Việt Nam lần thứ hai là vào tháng 10/1986, Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành Đại hội lần thứ VI với việc xác định: Chiến lược phát triển của đất nước chuyển sang nền kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thời gian sau đó, các chính sách giáo dục được tiến hành với việc tái lập hệ thống trường ngoài công lập.

Có thể coi đây là cuộc đổi mới giáo dục 2.0 - Đổi mới mang tính kinh tế của giáo dục. Giáo dục được coi là một dịch vụ.

Người thầy trong hệ thống giáo dục tiếp tục sứ mệnh chính trị, còn được coi là người chuyển giao dịch vụ giáo dục - dạy học đến con em nhân dân.

Trong tiến trình đổi mới giáo dục, cần quan tâm và thực hiện đúng sứ mệnh của người thầy, sứ mệnh của ngành giáo dục. Ảnh minh họa: Lã Tiến

Trong tiến trình đổi mới giáo dục, cần quan tâm và thực hiện đúng sứ mệnh của người thầy, sứ mệnh của ngành giáo dục. Ảnh minh họa: Lã Tiến

Dấu mốc cho cuộc đổi mới giáo dục lần thứ ba là vào tháng 11/2013 theo tinh thần Nghị quyết 29 Trung ương khóa XI. Hội nghị lần thứ 8 của Đảng Cộng sản Việt Nam nhiệm kỳ khóa XI ban hành Nghị quyết 29 với nội dung: Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Có thể coi đây là đổi mới giáo dục 3.0 - Đổi mới mang tính văn hóa của giáo dục.

Vấn đề then chốt được đặt ra trong Nghị quyết này là "Tập trung chuyển mạnh từ giáo dục chủ yếu là truyền thụ kiến thức sang hình thành phẩm chất và phát triển năng lực người học". Cuộc đổi mới lần này không chỉ nhằm vào phương pháp đào tạo mà trước tiên là triết lý giáo dục, quan điểm giáo dục.

Nói về sứ mệnh tổng quát của giáo dục, Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo cho rằng cần hiểu rõ ý nghĩa nội hàm của từ “Giáo” và từ “Dục”.

Thực hiện giáo (có nghĩa là dạy) phải bao quát được bốn điều: dạy kiến thức (Knowledge), dạy thái độ (Attitude), dạy kỹ năng (Skill), dạy hành vi (Behaviour).

“Dục” (có ý nghĩa là nuôi) phải bao quát được 3 điều: nuôi dưỡng tâm lực (Heart), nuôi dưỡng trí lực (Head) và nuôi dưỡng thể lực (Hands).

Bàn về sứ mệnh của nhà trường, theo thầy Bảo, nhà trường nào ngày nay cũng gắn với cộng đồng, được vận hành theo 3 nhân tố vô hình và 3 nhân tố hữu hình. Ba nhân tố vô hình bao gồm: mục tiêu đào tạo, nội dung đào tạo, phương pháp đào tạo. Ba nhân tố hữu hình gồm có Thầy (người dạy); Trò (người học) và điều kiện (bao gồm cơ sở vật chất trường học).

Người quản lý nhà trường (hiệu trưởng) có sứ mệnh làm cho những nhân tố “Vô hình” hiện thực qua những nhân tố “Hữu hình”, những nhân tố “Hữu hình” thúc đẩy nhân tố “Vô hình” để xã hội có nhân cách, nhân lực theo yêu cầu phát triển.

Trong tiến trình thực hiện đổi mới giáo dục hiện nay, người thầy phải thực hiện được ba vai trò là người chỉ huy việc rèn luyện nhân cách của thế hệ trẻ; là người chuyển giao dịch vụ giáo dục đến con em nhân dân tiếp tục rèn luyện nhân cách để nhân cách này biến thành nhân lực và là người cố vấn việc giáo dục rèn luyện của thế hệ trẻ.

Mười mong ước về người hiệu trưởng trong tiến trình đổi mới giáo dục

Theo Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo, trong tiến trình đổi mới giáo dục, trước yêu cầu tiến vào nền kinh tế tri thức, vai trò của người quản lý nhà trường là vô cùng quan trọng. Hiệu trưởng vừa là người thủ trưởng, vừa là người thủ lĩnh và đồng thời cũng phải là người nhạc trưởng – một người đứng đầu nhưng không đơn thuần ở vai trò chỉ huy mà còn phải biết tạo động lực, khơi nguồn cảm hứng, sáng tạo đối với hoạt động dạy và học trong nhà trường.

Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo cho rằng, trong tiến trình thực hiện đổi mới giáo dục hiện nay, người thầy phải thực hiện được ba vai trò là người chỉ huy việc rèn luyện nhân cách của thế hệ trẻ. Ảnh minh họa: Trường ICS.

Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo cho rằng, trong tiến trình thực hiện đổi mới giáo dục hiện nay, người thầy phải thực hiện được ba vai trò là người chỉ huy việc rèn luyện nhân cách của thế hệ trẻ. Ảnh minh họa: Trường ICS.

Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo gửi gắm mười mong ước về người hiệu trưởng trong tiến trình đổi mới giáo dục và tiến vào nền kinh tế tri thức.

Thứ nhất, người hiệu trưởng trước yêu cầu tiến vào nền kinh tế tri thức phải chứng tỏ là người có thể xử lý thông tin tốt. Không có cách điều hành nào tránh khỏi tác động của Internet. Internet cung cấp thông tin cho mọi người.

Nhưng thông tin chưa phải là kiến thức. Kiến thức là thông tin đã được xử lý, được chắt lọc, được liên hệ với những thông tin khác nhau để cho nó hữu dụng hơn với mục tiêu quản lý. Người hiệu trưởng trong bối cảnh đổi mới giáo dục không chỉ biết chế biến thông tin thành kiến thức, mà còn phải biết áp dụng nó tốt hơn bất kỳ ai.

Thứ hai, người hiệu trưởng phải biết giá trị tương tác giữa các con người luôn luôn là mối quan tâm hàng đầu trong việc tạo ra sự đồng thuận của tập thể sư phạm. Do đó, người hiệu trưởng nhà trường phải kiến thiết một mạng lưới giao tiếp tốt trong đời sống chung của nhà trường.

Internet không bao giờ thay thế hoàn toàn được sự tiếp xúc giữa các con người. Không thể gửi hơi ấm của bàn tay bằng bức thư điện tử.

Thứ ba, người hiệu trưởng phải là người biết phát hiện, phân biệt nhanh giải pháp tốt và giải pháp dở, phải biết hiện thực nhanh một giải pháp tốt một khi đã xác định được nó.

Khi có hai giải pháp tốt mà chỉ được chọn một giải pháp, phải chọn giải pháp tốt hơn, khi tình thế dồn vào hai giải pháp dở phải biết chọn cái đỡ dở hơn. Nói chung, người hiệu trưởng trong bối cảnh đổi mới giáo dục phải luôn luôn biết canh tân và ủng hộ cho các sự canh tân quá trình giáo dục đào tạo.

Thứ tư, người hiệu trưởng phải biết huy động được cộng đồng tham gia xây dựng nhà trường, đặc biệt huy động được nguồn lực tổng hợp của cộng đồng: tài lực, nhân lực, vật lực, thông tin. Phải biết dựa vào "túi tiền của cộng đồng" để xây dựng nhà trường và muốn vậy phải làm cho nhà trường trở thành “vầng trán” của cộng đồng, là nơi để nhân dân cộng đồng được giáo dục hoá, luôn nhận rõ với sứ mệnh, chức năng, chuyên môn của nhà trường, đồng thời nhà trường phấn đấu là trái tim hòa hợp được nhân tâm cộng đồng.

Thứ năm, người hiệu trưởng phải là người biết kiên nhẫn lắng nghe, biết dân chủ song đòi hỏi phải có sự quyết đoán ở các "thời điểm internet". Nên bớt các cuộc họp hình thức, phải chấp nhận mạo hiểm, tức là ra quyết định dứt khoát và hành động nhanh. Để làm được việc đó, cần thu hút được nhiều người "biết động não", cùng làm việc với họ, tham vấn họ.

Thứ sáu, người hiệu trưởng phải biết gợi ý người khác. Trong nhà trường ngày nay phải ưu tiên cho mô hình quản lý "kiểu hàng ngang". Không người quản lý nào ra lệnh quát tháo mà đạt được kết quả. Phải biết gợi ý, thuyết phục. Tùy tình huống quản lý có lúc phải là chim đầu đàn, có lúc phải lùi về phía sau làm tầu đẩy cho tập thể tiến lên.

Thứ bảy, người hiệu trưởng phải xây dựng được các cộng sự chân thực, muốn vậy phải giữ được sự chuẩn mực cao về tính trung thực và liêm khiết ngay cả khi không có ai giám sát và phải có tính khiêm nhường, biết thừa nhận đóng góp của người khác, không nên kiêu ngạo, khoe khoang thành tích của mình.

Thứ tám, người hiệu trưởng phải thực hiện tốt quản lý khơi gợi nhân tâm (Soul management). Trước hết phải có ý thức giao tiếp với người dưới quyền và có cách làm tốt nhất động viên được họ làm việc, biết khuyến khích các tài năng, đảm bảo sự liên tục trong chỉ đạo, biết cách duy trì và phát triển tổ chức ngay cả khi quyền quản lý chuyển tới người kế nhiệm.

Thứ chín, người hiệu trưởng cần phấn đấu là người có nhân cách: Sống hẳn hoi, sống hiện thực, sống hiện đại, sống có hoài bão; sống có lòng tự trọng, sống tự lập, sống có tâm ổn định, sống có tình gắn bó. Đồng thời, người hiệu trưởng phải có tư duy phản biện; năng lực hợp tác; năng lực giao tiếp và năng lực sáng tạo.

Cuối cùng, người hiệu trưởng trước yêu cầu tiến vào nền kinh tế tri thức cần thực đồng bộ: Khai phóng nhân văn, tam hóa đồng bộ, vượt gộp thông minh.

Khai phóng có nghĩa là khai minh và giải phóng cho con người, ở nhà trường là thầy trò, đưa thầy trò thực hiện hướng thiện và hướng thượng nhiều hơn.

Tam hóa bao quát ba việc: Hiện đại hóa các tinh hoa tư tưởng mà nhà trường từng thu lượm; Địa phương hóa các giá trị tiên tiến từ ngoài nhà trường; Lành mạnh hóa tiến trình dạy và học của nhà trường.

Vượt gộp thông minh là tìm các nhân tố tiên tiến từ bên ngoài, gộp với các nhân tố đang yêu cầu đổi mới ở bên trong, tạo nên trạng thái hoàn thiện nhiều hơn, rồi thúc nhà trường tiến đến trạng thái mới trong cuộc sống.

Thực hiện được 10 điều trên, người hiệu trưởng chính là người thủ trưởng, người thủ lĩnh và người nhạc trưởng tài năng. Thực hiện đổi mới giáo dục phải bắt đầu từ những ngôi trường trên mọi miền đất nước Việt Nam, đổi mới từ chính vị trí của những người hiệu trưởng - họ vừa là cánh chim đầu đàn, là người chỉ huy, vừa là tàu đẩy, người tạo động lực, tạo cảm hứng và mang đến làn gió mới cho giáo dục ở mỗi cơ sở, mỗi đơn vị.

Phạm Minh