Vẫn còn tình trạng giấu giếm, chậm báo cáo khi xảy ra ngộ độc, nước bẩn

05/11/2019 06:00
Ngọc Hân
(GDVN) - Lãnh đạo Thành phố Hà Nội cho biết, Thành phố đã vào cuộc rất quyết liệt, đạt nhiều kết quả trong công tác an toàn thực phẩm, song vẫn còn tồn tại, hạn chế.

Ngày 4/11, tại phiên họp giải trình về việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn Hà Nội của Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Nguyễn Đức Chung đã báo cáo giải trình làm rõ hơn các vấn đề mà các đại biểu quan tâm.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, trong thời gian qua, Thành phố tập trung vào công tác an toàn thực phẩm, coi đây là một trong những nội dung trọng tâm để tập trung chỉ đạo và thực hiện, từng bước lập lại trật tự công tác này nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô.

Đi vào một số nội dung cụ thể, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, nguyên nhân khiến việc đưa các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ vào các khu giết mổ tập trung trên địa bàn thành phố hiện còn chậm, một phần do nhận thức của các hộ giết mổ khó thay đổi. Quan trọng hơn là lợi nhuận mà họ thu được lớn hơn vì tiết kiệm được chi phí, giảm giá thành và cung ứng ra thị trường nhanh hơn.

Mặt khác, cơ chế chính sách hỗ trợ cho các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ khi đưa các hộ vào các khu giết mổ tập trung còn bất cập. Việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực xây dựng các khu giết mổ tập trung hiện đại cũng khó khăn, mấu chốt lớn nhất là liên quan tới thủ tục đất đai.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu giải trình tại phiên họp.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu giải trình tại phiên họp.

Giải trình câu hỏi của Đại biểu Đỗ Thùy Dương (quận Cầu Giấy) liên quan đến giải pháp ứng phó của thành phố khi xảy ra các sự cố về mất an toàn thực phẩm ra sao, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, mục tiêu của thành phố là phải triển khai các biện pháp để làm sao không xảy ra sự cố.

Dù vậy, thực tế vừa qua vẫn xảy ra những sự cố về an toàn thực phẩm như ngộ độc rượu methanol khiến 5 người tử vong, ngộ độc bếp ăn tập thể tại một trường học ở huyện Đông Anh khiến nhiều học sinh nhập viện…

“Thành phố đã xây dựng các quy trình, quy chế rất rõ ràng liên quan đến ứng xử với các sự cố này, có phân công trách nhiệm rất rõ, với phương châm 4 tại chỗ.

Thanh tra xử phạt an toàn thực phẩm gặp khó vì tình làng nghĩa xóm
Thanh tra xử phạt an toàn thực phẩm gặp khó vì tình làng nghĩa xóm

Đồng thời, có phân công trách nhiệm cho các cơ sở y tế đóng trên địa bàn cũng như phối hợp chặt chẽ với các cơ sở y tế của trung ương trong việc tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân. Thực tế thành phố cũng đã tổ chức các cuộc diễn tập…”, ông Chung nói.

Vậy tại sao quy trình xử lý đã có mà khi xảy ra sự cố vẫn còn hiện tượng vào cuộc chậm, xử lý lúng túng? Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố nêu rõ, đầu tiên là do khâu báo cáo chưa kịp thời.

“Các đơn vị xảy ra sự cố về an toàn thực phẩm, cán bộ tuyến dưới, khi xảy ra vụ việc, ban đầu vẫn có tình trạng giấu giếm. Khi người dân, các cơ quan báo chí phản ánh lên thì lúc đó mới báo cáo, nên vào cuộc không kịp thời”, ông Chung nói.

Trả lời thêm câu hỏi liên quan đến ứng phó của Thành phố sau sự cố nước sạch sông Đà bị nhiễm dầu thải, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, nhà máy nước sạch sông Đà là nhà máy đầu tiên cung cấp nước cho thành phố được xây dựng ở tỉnh ngoài.

Khi xảy ra sự cố, thành phố đã cử ngay cán bộ xuống lấy mẫu, tiến hành xét nghiệm chất lượng nước liên tục, đồng thời tiến hành điều tiết nguồn nước từ các công ty cấp nước khác để cấp nước cho người dân.

“Qua sự việc này, chúng tôi cũng nhận thức rõ trách nhiệm và trong thời gian tới thành phố sẽ có một cuộc họp để rút kinh nghiệm. Trên cơ sở đó, có ứng phó kịp thời hơn với người dân tại các vùng bị ảnh hưởng bởi sự cố”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Nguyễn Đức Chung chia sẻ.

Để kiểm soát công tác an toàn thực phẩm, Hà Nội thường xuyên thành lập đoàn kiểm tra, đánh giá, chấm điểm công tác an toàn thực phẩm.
Để kiểm soát công tác an toàn thực phẩm, Hà Nội thường xuyên thành lập đoàn kiểm tra, đánh giá, chấm điểm công tác an toàn thực phẩm. 

Cuối cùng, giải trình câu hỏi của Đại biểu Phạm Đình Đoàn về việc có thể xây dựng Hà Nội thành Thủ đô ẩm thực hay không, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, hiện Hà Nội đang triển khai các giải pháp đưa du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn. Muốn vậy, phải tận dụng, phát huy được hết các thế mạnh của Hà Nội, trong đó việc xây dựng, phát triển các thương hiệu về ẩm thực của thành phố là một trong những nội dung rất quan trọng.

Hàng năm, Sở Công Thương cùng Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội thường xuyên tổ chức các lễ hội, hội chợ về ẩm thực. Sau 3 năm triển khai chủ trương này, hiện thành phố đang giao cho 2 Sở trên tiến hành chấm điểm, xếp hạng thương hiệu các cửa hàng, các loại ẩm thực của các làng văn hóa ở Thủ đô, ví dụ như cốm làng Vòng, các quán phở, café…

Hà Nội cũng đang thí điểm xây dựng các chuỗi cửa hàng hoa quả đảm bảo an toàn thực phẩm, tới đây sẽ tiếp tục nhân rộng ra các mặt hàng khác, ở các quận huyện khác. Đồng thời, thành phố cũng có chủ trương khuyến khích các nghệ nhân của các làng nghề ẩm thực nổi tiếng ở Hà Nội và hàng năm tổ chức vinh danh họ.

Thêm hai thủ tục hành chính về an toàn thực phẩm thực hiện trên cơ chế một cửa
Thêm hai thủ tục hành chính về an toàn thực phẩm thực hiện trên cơ chế một cửa

“Mục tiêu là làm sao để ẩm thực của Hà Nội trở thành một thứ không thể thiếu được trong đời sống, cũng như là một thứ sản phẩm không thể thiếu được với khách nước ngoài và khách các tỉnh/thành phố khác khi đến Hà Nội”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Nguyễn Đức Chung nói.

Nêu các biện pháp để nâng cao công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố trong thời gian tới, Chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết:

Thành phố sẽ tăng cường công tác thanh tra kiểm tra an toàn thực phẩm, đặc biệt là kiểm tra nguồn gốc xuất xứ rau củ quả. Chú ý các cơ sở chế biến sản xuất nước, lương thực thực phẩm tươi sống.

Siết chặt quản lý nguồn gốc các chất bảo quản. Nâng cao kỹ năng kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm cho các cán bộ phường. Tiếp tục tập huấn cho chủ cửa hàng về an toàn thực phẩm và có chứng chỉ.

Tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp, các chuỗi cung ứng sản xuất liên hoàn. Tiếp tục tổ chức diễn tập các sự cố về an toàn thực phẩm, đặc biệt là ở trường học, khu công nghiệp. Hoàn thiện các cơ chế xử phạt các cơ sở có vi phạm về an toàn thực phẩm. Đầu tư thiết bị cho các cán bộ trong công tác thanh tra kiểm tra.

Thành phố đang đề xuất Chính phủ sớm cho Thành phố lấy nguồn đầu tư công để sửa chữa các chợ an sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho người kinh doanh, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Xây dựng cơ chế hỗ trợ cho các cơ sở giết mổ tập trung, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư về trang thiết bị. Hoàn thiện các quy định hỗ trợ chuyển đổi cho các hộ gia đình giết mổ nhỏ lẻ vào các khu giết mổ tập trung.

“Ngoài sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, cũng cần sự ủng hộ mạnh mẽ của cử tri và người dân Thủ đô, mỗi người dân phải tự ý thức về sử dụng các sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm” – Chủ tịch thành phố nói.

Ngọc Hân