Sức mạnh của tình bạn diệu kỳ, 4 năm làm "đôi chân" đưa bạn đến trường

30/05/2022 06:56
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mặc dù một người ngồi bàn đầu, một người ngồi bàn cuối, nhưng Trang và Trâm vẫn là “đôi bạn cùng tiến”, Trâm vẫn cõng Trang đi học trong suốt 4 năm qua.

Từ cô bé “phải để mẹ đi học cùng” trở thành cô học trò tự tin

Câu chuyện về “đôi bạn cùng tiến” tại Trường Tiểu học Duy Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) đã khiến nhiều người ngưỡng mộ, không chỉ bởi thành tích học tập của cả hai đều xuất sắc, mà còn bởi, đó là một tình bạn diệu kỳ. Một cô bé với tấm lòng ấm áp và sự nhiệt thành đã vực dậy tâm hồn của người bạn đồng trang lứa, vốn dĩ mang nhiều tự ti vì nghịch cảnh của bản thân.

Suốt 4 năm qua, cô học trò Phạm Ngọc Trâm (Học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học Duy Ninh) không quản ngại nắng mưa, tình nguyện trở thành đôi chân cho bạn cùng lớp, cô bé Nguyễn Thị Trang.

Trang sớm chịu thiệt thòi vì đôi chân bị tật nguyền từ khi mới chào đời, em không thể đi lại, không thể tự đến trường như bao bạn bè đồng trang lứa. Có lẽ vì thế, đến tuổi đi học, Trang cũng muốn được đến trường, nhưng hôm nào cũng nằng nặc đòi mẹ phải ngồi chờ ở cửa lớp.

Nhắc đến hình ảnh những ngày đầu đến lớp của Trang, cô giáo Lê Thị Thanh (Giáo viên chủ nhiệm lớp 4A, Trường Tiểu học Duy Ninh) nhớ lại: “Trang hồi ấy khá tự ti, mỗi ngày, sau khi mẹ bồng Trang đến trường là em lại đòi mẹ ngồi chờ ở cửa lớp thì mới chịu học. Mẹ thì luôn miệng xin mọi người đừng nhìn Trang, vì nếu có ai nhìn là Trang lại xấu hổ, tự ti, Trang sẽ chỉ úp mặt vào vai mẹ, không chịu rời ra… thậm chí là đòi mẹ bồng về nhà. Gia đình em cũng rất hoàn cảnh, từ lúc sinh Trang, mẹ phải nghỉ hoàn toàn để ở nhà chăm sóc cho Trang, kinh tế của cả gia đình chỉ biết trông cậy vào công việc phụ hồ của một mình bố, nên khó khăn lại càng thêm khó…”.

"Đôi bạn cùng tiến" Phạm Ngọc Trâm (bên trái) và Nguyễn Thị Trang). (Ảnh: Nhà trường cung cấp).

"Đôi bạn cùng tiến" Phạm Ngọc Trâm (bên trái) và Nguyễn Thị Trang). (Ảnh: Nhà trường cung cấp).

“May mắn thay, trong lớp, có bạn Trâm, tuy còn nhỏ nhưng đã rất hiểu chuyện, nên em đã chủ động bắt chuyện với Trang và ngỏ ý muốn làm đôi chân đưa bạn tới trường. Học trò vùng nông thôn nghèo khó, ai cũng nhỏ gầy giống nhau, chỉ riêng Trâm, là lớp trưởng, lại được “trời sinh” có sức khỏe nổi trội, nên mới đủ sức cõng bạn mỗi ngày” - cô chủ nhiệm chia sẻ.

Con đường từ nhà đến trường khoảng 2km, có thể, sẽ không phải khoảng cách quá lớn, nhưng với một cô học trò khuyết tật như Trang thì thật quá xa xôi. Nếu không người bạn tốt tình nguyện làm đôi chân, sẵn sàng đưa Trang đến trường, sẵn sàng đưa Trang đến mỗi nơi muốn đến, chắc chắn, cô bé nhút nhát, tự ti ngày nào sẽ thật khó để vượt qua.

Không quản ngại nắng mưa, Trâm vẫn ngày ngày tình nguyện làm "đôi chân" đưa bạn đến trường. (Ảnh: Nhà trường cung cấp).

Không quản ngại nắng mưa, Trâm vẫn ngày ngày tình nguyện làm "đôi chân" đưa bạn đến trường. (Ảnh: Nhà trường cung cấp).

Mỗi giờ ra chơi, Trâm cõng Trang ra ghế đá sân trường, để Trang có thể trông thấy bạn bè cùng vui đùa, để Trang hít thở không khí dưới tán cây.

Trâm tâm sự: “Thấy chân Trang bị khuyết tật, lúc đó có ít bạn chơi với bạn nên em đã kết bạn, giúp bạn đi học, cõng bạn ra sân chơi. Em thấy bạn rất thiệt thòi nhưng lại học rất tốt, mà còn rất tốt bụng, thường xuyên giúp đỡ bạn bè”.

Cũng nhờ có cô bạn lớp trưởng nhiệt tình giúp đỡ, cô bé Trang mang mặc cảm ngày nào đã dần tìm thấy sự tự tin của bản thân. Các thầy cô cũng khuyên mẹ của Trang không phải đến lớp “học cùng con” như trước nữa, bởi, mọi sinh hoạt của Trang ở trường đã có thầy cô và các bạn hỗ trợ.

“Đôi bạn cùng tiến” vừa giỏi, vừa ngoan

Bất kể khi nào Trang cần, cô bạn lớp trưởng Phạm Ngọc Trâm đều sẵn sàng “có mặt”, kể cả khi phải đến học các môn chuyên biệt ở các phòng chức năng, khi ra chơi, khi tham gia các hoạt động tập thể của nhà trường... Suốt 4 năm học, Trâm dường như không nỡ nghỉ buổi nào, chỉ lo, vắng mình, Trang sẽ không đi học.

Bất cứ nơi đâu, Trâm vẫn luôn đưa Trang đi. (Ảnh: Nhà trường cung cấp).

Bất cứ nơi đâu, Trâm vẫn luôn đưa Trang đi. (Ảnh: Nhà trường cung cấp).

Cô giáo Lê Thị Thanh cho biết: “Bất kể nắng mưa, Trâm vẫn đều đặn đưa Trang đến trường. Trang cũng được các tổ chức, cá nhân hỗ trợ xe lăn, nhưng do em quá yếu, không thể tự di chuyển. Nên hôm nào thời tiết thuận lợi, Trâm sẽ đẩy xe lăn cho Trang đến trường rồi cõng bạn lên tầng, còn hôm nào trời mưa gió, Trâm cõng Trang trên lưng rồi trùm áo mưa lên và đi. Nhiều hôm, trông hai em lướt thướt dưới cơn mưa mà thương lắm. Ấy thế mà, nụ cười vẫn luôn thường trực trên gương mặt của Ngọc Trâm…”.

Nhớ lại một kỷ niệm hài hước của hai cô học trò, cô Thanh chia sẻ: “Do vóc dáng chênh lệch nhiều, nên Trang thì ngồi bàn đầu, Trâm thì ngồi bàn cuối, nhưng hai bạn luôn kịp thời hỏi han và trao đổi với nhau mỗi khi cần. Trâm cũng rất quan tâm Trang, mỗi khi gặp bài khó, là nhanh nhẹn hỏi cô và chủ động bảo cho Trang. Cả hai em đều học rất tốt, học lực luôn thuộc “top đầu” của lớp.

Tôi còn nhớ, có một tình huống rất đáng yêu trong một giờ kiểm tra thường xuyên năm học vừa rồi.

Hôm ấy, khi cả lớp đang yên ắng, tập trung làm bài kiểm tra thì Trang đột nhiên cất tiếng gọi: “Trâm ơi, đưa mình đi vệ sinh với”. Trâm khẽ thốt lên: “Úi chao ôi! Không đi lúc mô mà đi lúc ni?”, nhưng vẫn đặt bút xuống và cõng Trang đi vệ sinh”.

Trâm và Trang là "đôi bạn cùng tiến", vừa giỏi vừa ngoan. (Ảnh: Nhà trường cung cấp).

Trâm và Trang là "đôi bạn cùng tiến", vừa giỏi vừa ngoan. (Ảnh: Nhà trường cung cấp).

Theo cô Thanh, sau một thời gian có Trâm ở bên trở thành nguồn động viên lớn, cô học trò nhỏ Nguyễn Thị Trang đã dần tự tin, vui vẻ và hòa đồng với các bạn, em không còn dè chừng và giữ khoảng cách như trước nữa.

“Ở lớp, tôi cũng bày cho Trang tập đi bằng hai đầu gối. Tôi lấy đôi dép, để Trang tì hai đầu gối lên và dặn em di chuyển thật cẩn thận. Giờ đây, Trang đã có thể tự di chuyển ở những không gian nhỏ, để Trâm đỡ phải cõng thường xuyên hơn. Cũng nhờ vậy, khi Trang về nhà, mẹ em chăm sóc em cũng đỡ vất vả hơn, vì đã có một số sinh hoạt Trang đã có thể tự túc. Tôi thấy đó là một trong những sự thay đổi rất tích cực ở Trang” - cô giáo chủ nhiệm Lê Thị Thành bày tỏ.

Theo cô giáo Nguyễn Thị Mai Hồng (Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Duy Ninh), Trang và Trâm chính là tấm gương sáng để học sinh toàn trường noi theo. Về phía nhà trường, các thầy cô cũng luôn động viên, giúp đỡ để em Nguyễn Thị Trang có điều kiện học tập tốt nhất.

Theo Ban Giám hiệu nhà trường, Trang và Trâm chính là tấm gương sáng để các bạn học sinh noi theo. (Ảnh: Nhà trường cung cấp).

Theo Ban Giám hiệu nhà trường, Trang và Trâm chính là tấm gương sáng để các bạn học sinh noi theo. (Ảnh: Nhà trường cung cấp).

Đặc biệt, Trang là học sinh giỏi nổi bật của trường trong suốt 4 năm qua, thường xuyên đoạt giải trong các kỳ thi như cuộc thi “tiếng Anh trên Internet” hay “Trạng nguyên Toán học”.

Trang học giỏi và mơ ước về những điều tốt đẹp trong tương lai. Những điều ấy sẽ dần được chắp cánh, một phần nhờ vào tình bạn diệu kỳ của người bạn lớp trưởng tốt bụng.

Ngân Chi