SV diện NĐ 116 được hỗ trợ 3,63 triệu nhưng khi tốt nghiệp lương chỉ hơn 3 triệu

09/04/2023 06:33
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mục đích của Nghị định 116 là tốt, nhân văn, cơ chế thực hiện cũng được nêu rõ trong Nghị định. Tuy nhiên, việc triển khai vẫn còn khó khăn.

Nghị định 116/2020/NĐ-CP Quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt với sinh viên sư phạm được kỳ vọng thu hút thí sinh giỏi vào học ngành sư phạm. Tuy nhiên, thực tế triển khai ở một số trường cao đẳng sư phạm đang gặp một số vướng mắc.

Ảnh minh hoạ: Ngọc Ánh

Ảnh minh hoạ: Ngọc Ánh

Bàn về vấn đề này, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Trung Triều – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang cho biết, thực hiện Nghị định số 116/2020/NĐ-CP, trường có thuận lợi là trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo nên nguồn kinh phí được cấp đầy đủ theo số lượng chỉ tiêu giao. Đây là điểm có tác dụng thu hút người học, là lợi thế lớn của các trường cao đẳng sư phạm trung ương so với các trường địa phương.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Trung Triều cho hay, thực tế quá trình triển khai Nghị định 116 cũng không tránh khỏi những bất cập.

Cụ thể, tinh thần của Nghị định 116 là chi trả kinh phí hỗ trợ cho sinh viên theo từng tháng. Song, có thời điểm kinh phí Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp về Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang chậm trễ nên vài tháng trường mới chi trả được cho sinh viên một lần.

Cũng theo thầy Triều, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang thực hiện hỗ trợ chi phí sinh hoạt cho sinh viên từ khóa đào tạo năm 2021. Hiện tại, quy mô sinh viên của trường gần 1.000 và 100% sinh viên được hưởng chế độ theo Nghị định 116.

“Mục đích của Nghị định 116 là rất tốt, mang tính nhân văn sâu sắc, cơ chế thực hiện cũng được nêu rõ trong Nghị định. Tuy nhiên, việc triển khai vẫn còn khó khăn. Bằng chứng là đến thời điểm hiện tại, trong 3 phương thức thì Bộ Giáo dục và Đào tạo và các địa phương chủ yếu thực hiện phương thức giao nhiệm vụ. Còn đặt hàng, hoặc đấu thầu đào tạo giáo viên gần như chưa có. Nếu có thì số lượng sinh viên theo diện đặt hàng, hoặc đấu thầu đào tạo cũng rất khiêm tốn vì còn nhiều ràng buộc”, Tiến sĩ Nguyễn Trung Triều nói.

Tính chất ràng buộc theo chia sẻ của Tiến sĩ Nguyễn Trung Triều đến từ:

Một là, việc rà soát tính toán, xác định nhu cầu tuyển dụng và đào tạo giáo viên từng trình độ, cấp học, ngành học, môn học chưa có điều kiện để được thực hiện đầy đủ, đồng bộ nên các địa phương chưa có dữ liệu chắc chắn để đặt hàng.

Hai là, việc đặt hàng đào tạo không đồng thời đảm bảo việc làm đầu ra khi sinh viên tốt nghiệp vẫn phải qua tuyển dụng (thi tuyển hoặc xét tuyển).

Ba là, việc đặt hàng đào tạo có ràng buộc bởi nhiều bên liên quan trong khi hiện tại, việc tuyển dụng lại độc lập với đào tạo.

Bốn là, kinh phí địa phương chi cho việc đặt hàng còn hạn hẹp, trong khi nếu sinh viên rơi vào trường hợp thuộc đối tượng phải bồi hoàn kinh phí thì cơ chế, trách nhiệm thu hồi kinh phí bồi hoàn trên thực tế khó thực hiện.

Trước những vướng mắc, Tiến sĩ Nguyễn Trung Triều cho rằng: "Cần có sự nghiên cứu điều chỉnh theo hướng khai thác mạnh phương thức giao nhiệm vụ đã được thực tiễn chứng minh là hiệu quả".

Tiến sĩ Nguyễn Trung Triều chia sẻ thêm, chính sách nhân văn của Nghị định số 116/2020/NĐ-CP sẽ phát huy hiệu quả hơn khi được cộng hưởng với chính sách đãi ngộ đối với nhà giáo. Cụ thể, cùng với đầu tư chi phí cho sinh viên sư phạm thì cần phải đầu tư về tiền lương và phụ cấp cho giáo viên.

Nghĩa là, đã đầu tư trong quá trình học thì cũng cần đầu tư khi người học ra trường công tác. Thực tế hiện nay, mức hỗ trợ chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm là 3,63 triệu đồng/tháng nhưng mức lương cơ bản của giáo viên mới ra trường, đặc biệt là giáo viên mầm non mới chỉ gần bằng.

Cùng trao đổi về việc triển khai Nghị định 116, Thạc sĩ Nguyễn Nguyên Bình – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng sư phạm Trung ương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay 100% sinh viên của trường được triển khai thực hiện Nghị định 116 và hướng dẫn thực hiện thủ tục để hưởng chế độ theo Nghị định 116.

“Ý nghĩa của Nghị định 116 là sinh viên sư phạm được hỗ trợ học phí, chi phí sinh hoạt, do đó, các ngành đào tạo sư phạm có cơ hội thu hút được những sinh viên giỏi, có năng lực. Sinh viên có điều kiện học tập tốt, gắn bó với trường hơn”, Thạc sĩ Nguyễn Nguyên Bình chia sẻ.

Bên cạnh những ưu điểm, theo vị hiệu trưởng, hiện việc triển khai Nghị định 116 đối với trường còn nhiều bất cập.

Một là, kinh phí ngân sách nhà nước cấp chưa kịp thời nên việc chi hỗ trợ sinh hoạt phí hàng tháng cho sinh viên còn chậm.

Hai là, thủ tục đặt hàng và thanh toán kinh phí của địa phương rất chậm.

Ba là, hiện có rất ít địa phương đặt hàng (chỉ có 1 địa phương đặt hàng với trường năm 2021 là tỉnh Long An gồm 38 sinh viên). Năm 2022, trường không có hợp đồng đặt hàng đào tạo giáo viên nào từ các địa phương.

Bốn là, trường cần có hướng dẫn cụ thể hơn về thủ tục hoàn trả kinh phí hỗ trợ đối với những sinh viên không hoàn thành chương trình học. Cụ thể đó là: công tác phối hợp với địa phương như thế nào? (khi đa số các địa phương mặc định đây là nhiệm vụ của trường).

Thạc sĩ Nguyễn Nguyên Bình cho biết, thực hiện Nghị định 116, khoá đào tạo sinh viên sư phạm năm học trước đăng ký nhận hỗ trợ là 626/740 sinh viên. Khoá đào tạo sinh viên sư phạm năm học này nhận hỗ trợ là 555/609 sinh viên.

100% sinh viên đăng ký đã được nhận hỗ trợ theo Nghị định 116. Tuy nhiên, trước những vướng mắc, thầy Bình cho rằng cần thay đổi quan điểm về đào tạo đặt hàng, vì chính sách sau khi tốt nghiệp của sinh viên là theo hướng mở (sinh viên tốt nghiệp sư phạm phục vụ trong ngành giáo dục, không bắt buộc về địa phương) nên 1 số địa phương chưa mặn mà với nhu cầu đặt hàng tại các cơ sở đào tạo.

"Nếu được, các địa phương báo cáo nhu cầu sử dụng giáo viên và chuyển ngân sách từ địa phương ra Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sau đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo giao chỉ tiêu cho các cơ sở đào tạo và cấp ngân sách", Thạc sĩ Nguyễn Nguyên Bình kiến nghị.

Ngọc Mai