SV làm NCKH: Trường chi 800 triệu đồng/năm, trường linh hoạt hỗ trợ vẫn thiếu

13/12/2023 08:58
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đó là thực tế của Trường ĐH Hà Nội và Trường ĐH Nguyễn Tất Thành trong việc tổ chức cho sinh viên nghiên cứu khoa học công nghệ.

Hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên là một nội dung quan trọng trong chương trình đào tạo ở trường đại học, qua đó hình thành tư duy và phương pháp nghiên cứu khoa học, thực hiện phương châm giảng dạy kết hợp với thực nghiệm và nghiên cứu khoa học".

Để hiểu rõ hơn về nội dung hoạt động trên, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Lân - Trưởng phòng Quản lý khoa học Trường Đại học Hà Nội và Tiến sĩ Nguyễn Hữu Thuần Anh - Phó Trưởng phòng Khoa học công nghệ Trường Đại học Nguyễn Tất Thành.

Trường chi gần 800 triệu đồng/năm cho hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Lân - Trưởng phòng Quản lý khoa học Trường Đại học Hà Nội cho hay, hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên trong phạm vi nhà trường, gồm đề tài khoa học và công nghệ của sinh viên và hội thảo khoa học sinh viên, đều được chi từ nguồn kinh phí tự bổ sung của trường (từ nguồn thu học phí của sinh viên), không có nguồn đối ứng từ viện trợ, tài trợ khác.

Kinh phí dành cho hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 trích từ nguồn kinh phí tự bổ sung của trường.

Năm 2022, nhà trường chi 787,3 triệu đồng và năm 2023 là 427,1 triệu đồng cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, hội nghị - hội thảo khoa học dành cho sinh viên.

Kinh phí chi cho sinh viên tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học trong năm 2022 và 2023. (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Kinh phí chi cho sinh viên tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học trong năm 2022 và 2023. (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Cụ thể, trong năm 2022, đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên được nhà trường cấp kinh phí là 299,1 triệu đồng, năm 2023 là 54 triệu đồng; Hội nghị, hội thảo khoa học dành cho sinh viên cấp trong hai năm qua là 460 triệu đồng và 369 triệu đồng; Giải thưởng khoa học và công nghệ dành cho sinh viên nhà trường là 28,5 triệu đồng và năm 2023 là 4,2 triệu đồng.

Để khích lệ giảng viên tham gia hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên, Trưởng phòng Quản lý khoa học Trường Đại học Hà Nội cho hay, từ năm 2021 đến nay, căn cứ Quy định chế độ làm việc của giảng viên của Trường Đại học Hà Nội ban hành kèm theo Quyết định số 1830/QĐ-ĐHHN ngày 23/9/2021, giảng viên hướng dẫn được hưởng quyền lợi về quy đổi hoạt động nghiên cứu khoa học thành giờ chuẩn nghiên cứu khoa học.

Đối với giảng viên hướng dẫn sinh viên thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, công trình khoa học dự thi Giải thưởng cấp Trường được quy đổi thành 40 giờ chuẩn/đề tài; cấp Bộ và tương đương: 60 giờ chuẩn/đề tài (Hệ số: Giải nhất: 2,0; Giải nhì: 1,6; Giải ba: 1,4; Giải khuyến khích: 1,2). Đối với giảng viên hướng dẫn sinh viên thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học các cấp trong trường được quy đổi thành 15 giờ chuẩn/báo cáo.

"Ngoài ra, nhà trường cũng hỗ trợ 1.000.000 đồng/đề tài cho giảng viên sau khi đề tài được nghiệm thu thành công.

Tiếp đó là khen thưởng kèm giấy chứng nhận cho giảng viên hướng dẫn sinh viên có công trình đạt giải Giải nhất 1.000.000 đồng, Giải Nhì: 800.000 đồng; Giải Ba: 600.000 đồng và Giải Khuyến khích là 400.000 đồng", thầy Lân chia sẻ.

Trường Đại học Hà Nội (Ảnh: NTCC)

Trường Đại học Hà Nội (Ảnh: NTCC)

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Lân cho hay, hoạt động sinh viên nghiên cứu khoa học luôn được nhà trường quan tâm và khuyến khích.

Theo đó, trường tổ chức 20 hội nghị, hội thảo khoa học của sinh viên năm học 2021-2022; năm học 2022-2023 là 28.

Sinh viên tích cực tham gia các hội nghị hội thảo, số lượng báo cáo đăng kỷ yếu hội nghị, hội thảo trong nước của sinh viên năm học 2021-2022 là 570; năm học 2022-2023 là 620 báo cáo;

Trong năm học 2021-2022, nhà trường có 12 đề tài sinh viên được nghiệm thu thành công; trong đó có 4 đề tài tham gia xét Giải thưởng khoa học và công nghệ dành cho sinh viên năm 2022 và đạt được 01 Giải nhất, 02 Giải ba và 01 Giải khuyến khích.

Năm học 2022-2023 nhà trường đã xét chọn 02 đề tài gửi tham gia xét Giải thưởng khoa học và công nghệ dành cho sinh viên năm 2023. Trong đó, sinh viên của nhà trường đạt 01 Giải nhì và 01 Giải khuyến khích.

Về việc khen thưởng kèm giấy chứng nhận công trình/đề tài sinh viên đạt giải thưởng cấp Trường với Giải nhất là 3.000.000 đồng; Giải nhì: 2.000.000 đồng; Giải ba: 1.000.000 đồng và Giải khuyến khích: 500.000 đồng. Đề tài được đánh giá, nghiệm thu đạt loại xuất sắc nhận 2.000.000 đồng.

Linh hoạt hỗ trợ cho sinh viên nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Thuần Anh - Phó Trưởng phòng Khoa học công nghệ Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho hay, kinh phí hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên chủ yếu từ nguồn kinh phí của trường.

Bên cạnh đó, các giảng viên hướng dẫn cũng chủ trì/tham gia một số đề tài được nhà nước, các tổ chức, cá nhân cấp kinh phí. Khi sinh viên tham gia với các nhóm nghiên cứu này cũng đồng thời được hỗ trợ.

Tiến sĩ Trần Ái Cầm - Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành chụp ảnh cùng sinh viên của Nhà trường trong Lễ kỷ niệm 25 năm và tổng kết trao giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học - Eureka lần thứ 25 năm 2023. (Ảnh: NTCC)

Tiến sĩ Trần Ái Cầm - Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành chụp ảnh cùng sinh viên của Nhà trường trong Lễ kỷ niệm 25 năm và tổng kết trao giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học - Eureka lần thứ 25 năm 2023. (Ảnh: NTCC)

Hằng năm, kinh phí dành cho hoạt động sinh viên nghiên cứu khoa học đưa về một đầu mối quản lý là phòng Khoa học Công nghệ. Căn cứ vào chiến lược phát triển trường, chỉ tiêu các hoạt động theo năm học, căn cứ kết quả thực hiện chỉ tiêu của năm học trước và đề xuất kiến nghị từ các đơn vị, phòng Khoa học công nghệ sẽ đề xuất trường định mức kinh phí cho các hoạt động.

Chia sẻ thêm về kinh phí để sinh viên tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học, Tiến sĩ Thuần Anh cho hay, trường luôn tạo điều kiện tốt nhất và động viên khuyến khích sinh viên tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, tuy nhiên nguồn kinh phí hiện tại dành cho các hoạt động vẫn chủ yếu từ nguồn thu học phí của nhà trường.

"Do là một cơ sở giáo dục ngoài công lập, việc xin hỗ trợ từ các nguồn kinh phí vẫn gặp nhiều khó khăn. Hiện nay nhu cầu tham gia nghiên cứu khoa học của sinh viên ngày một tăng cao, có nhiều ý tưởng và hướng nghiên cứu cần sự đầu tư kinh phí nhiều hơn, nhưng hiện tại số lượng và định mức kinh phí còn giới hạn, nhà trường cũng đã linh hoạt hỗ trợ cho một số trường hợp nhưng vẫn chưa thỏa hết nhu cầu.

Hạn chế nữa là sự chênh lệch giữa các lĩnh vực nghiên cứu, là một trường đa ngành đa lĩnh vực nhưng thế mạnh hiện vẫn đang tập trung ở khối ngành tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ và sức khỏe", Tiến sĩ Nguyễn Hữu Thuần Anh chia sẻ.

Sinh viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành nhận giải với đề tài dự thi nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị Monitor 4 thông số. (Ảnh: NTCC)

Sinh viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành nhận giải với đề tài dự thi nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị Monitor 4 thông số. (Ảnh: NTCC)

Phó Trưởng phòng Khoa học công nghệ cho hay, với triết lý đào tạo “Thực học - Thực hành-Thực danh - Thực nghiệp”, nhà trường luôn quan tâm nâng cao chất lượng các hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên. Từ việc tăng kinh phí dành cho hoạt động này theo từng năm, Trường còn đa dạng các hoạt động để thu hút, khuyến khích sinh viên quan tâm tham gia nghiên cứu khoa học...

Nhà trường cũng đã ban hành quy trình đăng ký và thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ các cấp và cấp Trường dành cho giảng viên - nghiên cứu viên và sinh viên. Các Khoa/Viện nghiên cứu chịu trách nhiệm về mặt chuyên môn và cử giảng viên hướng dẫn, phòng chức năng chịu trách nhiệm hỗ trợ các thủ tục hành chính.

Đồng thời, luôn quan tâm hỗ trợ mọi mặt và động viên khen thưởng kịp thời cho các hoạt động sinh viên nghiên cứu khoa học đạt thành tích trong các cuộc thi, tham gia hội nghị hội thảo…Sau mỗi cuộc thi, nhà trường luôn khen thưởng và tuyên dương trên bản tin toàn trường kịp thời các thành tích mà sinh viên đã đạt được.

Sinh viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành nhận giải Design thinking open innovation 2023 compettion. (Ảnh: NTCC)
Sinh viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành nhận giải Design thinking open innovation 2023 compettion. (Ảnh: NTCC)

Hằng năm, trường đều tổ chức tổng kết và tuyên dương cho các sinh viên, giảng viên hướng dẫn và đơn vị đã có nhiều thành tích trong các hoạt động, giải thưởng nghiên cứu khoa học dành cho sinh viên.

"Một điểm nổi bật đó là sinh viên của nhà trường ngày càng tự tin và hào hứng tham gia các diễn đàn khoa học, không chỉ tham gia các Hội thảo, hội nghị cấp khoa, trường mà còn mạnh dạn tham gia các hội nghị cấp quốc gia, quốc tế. Các báo cáo của sinh viên trình bày bằng tiếng Anh, hình thức oral hay poster đều được đánh giá cao", Phó Trưởng phòng Khoa học công nghệ cho hay.

Bên cạnh đó, số công bố khoa học của sinh viên cũng tăng không chỉ về số lượng mà còn chất lượng. Sinh viên có những công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín thuộc hệ thống ISI/SCOPUS.

Một bộ phận rất quan trọng trong việc thu hút được nhiều sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học đó là đội ngũ giảng viên hướng dẫn. Trường tự hào có một nguồn nhân sự tràn đầy nhiệt huyết sức trẻ, chuyên môn được đào tạo từ các cơ sở uy tín trong nước và quốc tế, có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động sinh viên nghiên cứu khoa học.

"Chính từ sự quan tâm ủng hộ từ nhà trường và đội ngũ giảng viên hướng dẫn đã giúp hoạt động sinh viên của trường gặt hái được nhiều quả ngọt như hôm nay", Tiến sĩ Thuần Anh nói.

Hai sân chơi nghiên cứu khoa học lớn dành cho sinh viên là Giải thưởng khoa học và công nghệ dành cho sinh viên (Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Cấp Bộ) và Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Eureka cũng rất được sinh viên trường quan tâm tham gia. Ngoài ra, sinh viên còn tham gia các cuộc thi học thuật khác.

Vừa qua, Trường cũng rất vui mừng và vinh dự khi đề tài nghiên cứu của thầy và trò ngành Kỹ thuật y sinh về “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị Monitor 4 thông số” đã giành giải Nhất lĩnh vực Kỹ thuật Công nghệ – Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Eureka 2023. Ở lĩnh vực Khoa học kỹ thuật và công nghệ, đề tài “Nghiên cứu ứng dụng vỏ dò đồng xử lý compost chất thải nông nghiệp vỏ sầu riêng theo định hướng kinh tế tuần hoàn” của sinh viên Trường cũng vừa giành giải Nhì – Giải thưởng Khoa học và Công nghệ dành cho sinh viên năm 2023.

Về quy trình đề xuất, xét duyệt đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Lân cho biết, đơn vị đào tạo tổ chức cho sinh viên đăng ký đề tài nghiên cứu khoa học căn cứ Thông báo xây dựng kế hoạch khoa học và công nghệ hằng năm của trường.

Mỗi đề tài do 01 sinh viên chịu trách nhiệm thực hiện chính, số lượng thành viên tham gia không quá 05 sinh viên và tối đa có 02 người hướng dẫn, trong đó có 01 người hướng dẫn chính;

Hội đồng Khoa/Bộ môn tổ chức họp, xét duyệt Danh mục đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên; tổng hợp kết quả xét duyệt cùng các hoạt động khoa học và công nghệ khác gửi về Phòng Quản lý khoa học;

Phòng Quản lý khoa học trình Hiệu trưởng thành lập Hội đồng tư vấn xác định và Tổ thẩm định nội dung, kinh phí hoạt động khoa học và công nghệ cấp cơ sở hằng năm;

Hiệu trưởng phê duyệt thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cùng các hoạt động khoa học và công nghệ khác.

Về việc thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học:

Đơn vị đào tạo, sinh viên và người hướng dẫn thực hiện đề tài đã được phê duyệt;

Thời gian thực hiện đề tài không quá 12 tháng tính từ khi được phê duyệt thực hiện. Trường hợp cần gia hạn, chủ nhiệm đề tài thống nhất với người hướng dẫn và xin gia hạn bằng văn bản trình hiệu trưởng phê duyệt (thông qua Phòng Quản lý khoa học). Thời gian gia hạn thực hiện tối đa 06 tháng;

Kinh phí thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên thực hiện theo các quy định của trường.

Tổ chức đánh giá, nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên: Việc đánh giá, nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên được tiến hành theo 02 cấp: cấp đơn vị đào tạo và cấp trường;

Hồ sơ đánh giá, nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên gồm:

Tờ trình đề nghị đánh giá nghiệm thu đề tài;

Thuyết minh đăng ký đề tài được Trường phê duyệt thực hiện;

Báo cáo tổng kết thực hiện đề tài;

1 bộ tài liệu minh chứng kết quả nghiên cứu của đề tài;

Các minh chứng khác kèm theo đề tài (nếu có);

Tờ trình xin gia hạn thực hiện đề tài được phê duyệt.

Mạnh Đoàn