SV sư phạm mãi chưa được nhận hỗ trợ sinh hoạt phí, phụ huynh gọi về trường

14/11/2022 06:41
Nguyên Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sinh viên đào tạo theo diện đặt hàng và theo chỉ tiêu của Bộ của Trường Đại học Đồng Tháp đến nay đều chưa được nhận hỗ trợ sinh hoạt phí.

Từ năm học 2021-2022, sinh viên theo học các ngành sư phạm sẽ được Nhà nước hỗ trợ tiền học phí và sinh hoạt phí. Đó là quy định theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.

Tuy nhiên, tại một số tỉnh, thành, do địa phương chưa chi trả kinh phí nên có trường vẫn còn tạm thu học phí sinh viên, trong khi việc hỗ trợ sinh hoạt phí cho các em cũng không thể tiến hành.

Qua chia sẻ của một số lãnh đạo trường đào tạo giáo viên có thể thấy, trong khi một số trường đã giải quyết xong hoạt động chi trả sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm thì nhiều trường vẫn còn mong ngóng ngân sách từ địa phương, ngân sách nhà nước.

Một số địa phương còn chậm trễ trong việc chi trả hỗ trợ sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm. (Ảnh minh hoạ: Trường Đại học Tiền Giang)

Một số địa phương còn chậm trễ trong việc chi trả hỗ trợ sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm. (Ảnh minh hoạ: Trường Đại học Tiền Giang)

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trương Đình Thăng – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị cho biết, từ năm học đầu tiên triển khai Nghị định 116, tỉnh Quảng Trị đã tiến hành chi trả học phí và sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm. Đến thời điểm hiện tại, nhà trường không gặp khó khăn trong hoạt động này. Trường tuyển theo chỉ tiêu tỉnh cho phép, tuyển được bao nhiêu thì tỉnh đều chi trả theo đúng quy định.

Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị là trường thuộc địa phương, vì vậy thuộc diện đào tạo theo phương thức “giao nhiệm vụ”. Điều này đồng nghĩa với việc Uỷ ban Nhân dân tỉnh đồng ý bao nhiêu chỉ tiêu cho trường thì trường được “giao nhiệm vụ” để đào tạo từng ấy sinh viên.

Sau khi Ủy ban Nhân dân tỉnh giao chỉ tiêu thì trường trình Bộ Giáo dục và Đào tạo để xin cấp chỉ tiêu căn cứ trên công văn của Ủy ban Nhân dân tỉnh. Bộ giao chỉ tiêu, trường tuyển sinh, sinh viên nhập học và hoàn thành các thủ tục theo Nghị định 116. Đồng thời, nhà trường trình Sở Tài chính để trình ngân sách, sau đó Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt và thực hiện.

“Năm học trước, Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị tuyển sinh được 93 sinh viên, 100% sinh viên đã được hỗ trợ sinh hoạt phí và học phí. Còn năm học này, nhà trường vẫn đang tuyển sinh nên chưa thực hiện”, thầy Thăng cho biết thêm.

Tiến sĩ Hồ Văn Thành – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên Huế cho hay, năm nay, tỉnh giao cho trường 65 chỉ tiêu, việc cấp kinh phí từ ngân sách của tỉnh hỗ trợ sinh viên sư phạm theo Nghị định 116 không có gì khó khăn.

Năm học 2021 – 2022, tỉnh cũng đã chi trả học phí và sinh hoạt phí cho 100% sinh viên sư phạm của trường.

Mặc dù một số trường thuận lợi trong việc chi trả hỗ trợ cho sinh viên sư phạm nhưng vẫn còn có trường đại học rơi vào bế tắc vì chưa được cấp kinh phí.

Trao đổi với phóng viên, Thạc sĩ Cao Dao Thép – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Tháp cho hay, đã triển khai Nghị định 116 nhưng cho đến bây giờ, đối với sinh viên năm thứ hai của trường (tuyển sinh từ năm học 2021-2022), các em vẫn chưa nhận được hỗ trợ sinh hoạt phí.

Trường Đại học Đồng Tháp là trường đại học trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo nên vừa đào tạo theo đơn đặt hàng (nếu có) vừa đào tạo theo chỉ tiêu của Bộ giao.

Thời điểm phổ biến chuẩn bị triển khai Nghị định 116, có 3 địa phương có ý định đặt hàng cho trường là tỉnh Vĩnh Long, tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Long An. Nhưng sau đó, chỉ có tỉnh Long An đặt hàng.

Cụ thể, năm học 2021-2022, tỉnh Long An ký hợp đồng với trường đào tạo 66 sinh viên sư phạm các ngành. Bên cạnh đó, trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao 1.123 chỉ tiêu. Nhưng đến thời điểm hiện tại, cả sinh viên đào tạo theo diện đặt hàng hay đào tạo theo chỉ tiêu của Bộ, nhà trường đều chưa nhận được kinh phí nên các em sinh viên cũng chưa nhận được tiền hỗ trợ.

Còn năm học này, trường chưa có đơn đặt hàng nào của các tỉnh. Riêng Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho trường 2.403 chỉ tiêu (bao gồm trình độ đại học và cao đẳng).

Nhà trường cũng đã có kiến nghị, đối với sinh viên không nằm trong chỉ tiêu đặt hàng của địa phương, đề nghị Bộ cấp kinh phí để hỗ trợ các em nhưng trường vẫn chưa nhận được câu trả lời chính thức.

“Sinh viên hỏi vấn đề này rất nhiều, và cả phụ huynh cũng rất quan tâm, họ gọi điện thường xuyên đến nhà trường để hỏi thăm, đến khi nào con em họ được hỗ trợ tiền sinh hoạt phí.

Chúng tôi cũng chia sẻ, nhà trường đã tiến hành quy trình các bước theo hướng dẫn của Bộ, đợi có kinh phí về trường sẽ cấp cho các em” thầy Thép chia sẻ.

Thầy Cao Dao Thép nhận định, nút thắt của việc triển khai thực hiện Nghị định 116 hiện nay là địa phương ngại chi nhiều tiền cho đặt hàng đào tạo giáo viên, và khi không đặt hàng, tuỳ vào nhu cầu từng năm, họ vẫn đăng tuyển dụng giáo viên bình thường.

Bên cạnh đó, cơ chế tuyển dụng sau này khi sinh viên ra trường cũng chưa rõ ràng vì có sự chênh lệch giữa Nghị định 115 và Nghị định 116. Nghị định 115 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức là phải tổ chức thi tuyển. Còn theo Nghị định 116, khi địa phương đã đặt hàng thì mặc định sinh viên phải về địa phương đó công tác, như vậy có phải thi tuyển nữa hay không? Đây vẫn là băn khoăn của nhiều người hiện nay.

“Vì chưa phân định rõ ràng nên các địa phương không không muốn đầu tư, bỏ kinh phí để đặt hàng đào tạo”, thầy Thép khẳng định.

Nguyên Phương