Hiện nay, gần như các trường phổ thông công lập đều có website riêng và đây cũng có thể được xem là kênh thông tin gần gũi nhất đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên cùng với học sinh và phụ huynh của nhà trường.
Tuy nhiên, nhìn chung thì chưa mấy trường tận dụng tối đa được trang web của mình để chuyển tải những thông điệp, những nội dung cần thiết giữa Ban giám hiệu với giáo viên, giữa nhà trường với phụ huynh học sinh.
Ảnh chụp màn hình thông báo ba công khai theo Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT của Trường Trung học phổ thông Phan Đình Phùng, Hà Nội, nhưng bên trong không có nội dung. |
Nhiều trang web của các trường học còn nghèo nàn về nội dung và nó mang nặng tính hình thức, lập trang web cho có.
Vì thế, những kế hoạch, những thông báo của nhà trường đến các phụ huynh thì gần như ít khi được đăng tải, đề cập trên trang web của nhà trường nên phụ huynh chỉ thường nắm được thông tin qua giáo viên chỉ nhiệm lớp.
Công khai các khoản đóng góp trên trang web, sao các trường chưa dám làm?
Cứ vào dịp đầu năm học thì trên các phương tiện thông tin đại chúng lại phản ánh tình trạng lạm thu, tình trạng phụ huynh phải mua rất nhiều loại sách bổ trợ, đồng phục, đồ dùng học tập của học sinh do nhà trường bán.
Chính vì có sự lập lờ trong các khoản thu trên tinh thần tự nguyện và nhập nhèm trong việc bán sách giáo khoa với sách bổ trợ hay một số loại đồng phục với giá cao hơn ngoài thị trường nên nhà trường chưa dám công khai chăng?
Chúng tôi cho rằng, nếu nhà trường công khai, không hưởng các loại hoa hồng từ các dịch vụ và không có những “góc khuất” trong các khoản thu thì việc công bố tất cả các khoản thu từ phụ huynh là rất cần thiết.
Kết quả tìm kiếm từ khóa hanoi.edu.vn "ba công khai" "thông tư 36/2017/TT-BGDĐT" trong vòng 1 năm qua. |
Việc công bố công khai tất cả các khoản thu trong năm học đối với học sinh là sự minh bạch tài chính về các khoản đóng góp bắt buộc cũng như các khoản xã hội hóa giáo dục sẽ là điều tốt nhất để nhà trường phát triển.
Bởi chỉ khi các khoản tài chính thu từ phụ huynh được công khai minh bạch thì mới tạo ra môi trường dân chủ, lành mạnh và tất nhiên là lúc phụ huynh đóng góp thì họ cũng không thắc mắc
Chẳng hạn, khi chuẩn bị đến ngày tựu trường thì ban giám hiệu đăng tải thông tin công bố những loại sách giáo khoa, sách bổ trợ cần thiết trong năm học mà phụ huynh phải mua cho con em mình.
Trong các loại sách thì sách nào dùng để học trên lớp, ở nhà, sách nào chỉ dùng để tham khảo, nâng cao. Từ đó, phụ huynh họ sẽ biết con mình cần phải mua hoặc không cần phải mua sách tham khảo.
Khi mà nhà trường chuẩn bị tổ chức họp phụ huynh ở các lớp thì bộ phận kế toán nhà trường đăng tải những khoản thu bắt buộc và không bắt buộc lên website của nhà trường.
Việc đăng tải như vậy rất đơn giản vì nhà trường cũng đã cụ thể hóa từng khoản thu đầu năm. Khi đăng tải lên thì phụ huynh họ có sự cân nhắc từ khi ở nhà về các khoản không bắt buộc để có thể lựa chọn…
Tuy nhiên, nhìn từ thực tế của các nhà trường thì rất ít Ban giám hiệu dám công khai các loại sách bổ trợ, tham khảo và các khoản thu của nhà trường trong năm học lên website.
Bởi vì, những khoản này thường rất nhạy cảm và thường bị phụ huynh phản đối, báo chí vào cuộc nên nó vẫn thường nằm trong các danh mục chỉ truyền đạt, thông báo miệng với nhau từ Ban giám hiệu xuống giáo viên chủ nhiệm, sau đó thì giáo viên chủ nhiệm phổ biến cho phụ huynh lớp mình.
Nhiều trang web trường học chỉ mới thiết kế khung mà không có nội dung
Từ nhiều năm nay, ngành giáo dục đã chú trọng việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học ở các nhà trường phổ thông.
Trong đó, có việc tập huấn cho các nhà trường về việc phát triển và duy trì trang web cho nhà trường. Vì thế, về cơ bản thì các trường học đều được tạo sẵn khung trang web cho từng đơn vị.
Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT quy định các trường phổ thông hàng năm phải tổ chức thực hiện ba công khai, trong đó có công khai thu chi tài chính theo các nội dung:
a) Tình hình tài chính của cơ sở giáo dục
b) Học phí và các khoản thu khác từ người học: mức thu học phí và các khoản thu khác theo từng năm học và dự kiến cho 2 năm học tiếp theo.
c) Các khoản chi theo từng năm học: các khoản chi lương, chi bồi dưỡng chuyên môn, chi hội họp, hội thảo, chi tham quan học tập trong nước và nước ngoài; mức thu nhập hằng tháng của giáo viên và cán bộ quản lý (mức cao nhất, bình quân và thấp nhất); mức chi thường xuyên/1 học sinh; chi đầu tư xây dựng, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị.
d) Chính sách và kết quả thực hiện chính sách hằng năm về trợ cấp và miễn, giảm học phí đối với người học thuộc diện được hưởng chính sách xã hội.
đ) Kết quả kiểm toán (nếu có): thực hiện công khai kết quả kiểm toán theo quy định tại các văn bản quy định hiện hành về công khai kết quả kiểm toán và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.
Thế nhưng, nhiều trường học chưa mặn mà với trang website- dù bây giờ trường học nào cũng có giáo viên tin học và một số người am hiểu lĩnh vực công nghệ thông tin, có thể đảm nhận vai trò quản lý và đăng tải các thông tin nội bộ cần thiết.
Nếu có thì cũng chỉ đăng tải vài kế hoạch chuyên môn đơn thuần hay vài tấm hình trong những ngày lễ hay một số bài viết chia sẻ lại từ các trang báo mà thôi.
Điều mà các trường “kị” nhất là ít dám đăng tải những khoản thu từ phụ huynh hay những khoản vận động xã hội hóa trong năm học- cho dù trường nào cũng kêu gọi xã hội hóa giáo dục.
Trong khi, điều mà phụ huynh họ cần, họ mong muốn là số tiền mà họ đóng góp, họ mua từ các dịch vụ của nhà trường thì lại không công khai.
Vậy nên, phụ huynh thường bị động khi đến họp phụ huynh hay đến đóng góp các khoản tiền trường cho con.
Vì thực tế là nhiều khi phụ huynh mà có con còn học ở các lớp nhỏ không biết nhà trường thu bao nhiêu tiền, con mình phải đóng những khoản gì.
Thiết nghĩ, các nhà trường không chỉ khai thác nền tảng công nghệ thông tin vào trong công việc quản lý, giảng dạy mà các nhà trường cũng cần thiết công khai các kế hoạch hoạch về các khoản thu bắt buộc, không bắt buộc cho phụ huynh biết, nhất là các kế hoạch vận động đóng góp từ phụ huynh lên trang web của đơn vị.
Bởi, nhiều trường học hết vận động miệng rồi gửi thư ngỏ, phụ huynh đóng góp liên miên nhưng nhà trường chi các khoản xã hội hóa ra sao thì chẳng có ai hay, ai biết thì việc vận động ở các năm sau khó tránh được những thị phi.
Và, vô hình trung những trang website của nhà trường được lập ra nhưng cũng không phải huy được các tác dụng cần thiết.
Điều đáng mừng là trong năm học 2020-2021 này thì tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu các trường học công khai các khoản thi trên wesite của nhà trường.
Hy vọng, các trường học phổ thông trên cả nước sẽ tiếp bước Khánh Hòa để tất cả các khoản thu phải được công khai, minh bạch- đây là việc làm tất yếu trong bối cảnh hiện nay và cũng là cách để các trường nâng cao uy tín của mình về các khoản thu.