Ngày 22/12, Báo Lao Động Online dẫn lời Phó giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo giải thích thêm về quyết định "dỡ bỏ lệnh cấm thi tuyển sinh đầu cấp". [1]
Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT đang nhận được sự quan tâm rất lớn của các trường có số lượng thí sinh nộp hồ sơ cao hơn chỉ tiêu, nhất là các trường ngoài công lập.
Báo Lao Động Online đánh giá: Điều này được đánh giá là là tín hiệu mừng cho các trường “hot”, giúp "cởi trói" trong tuyển sinh.
Tại sao Bộ Giáo dục và Đào tạo lại "trói chặt" các trường, không cho thi tuyển lớp 6?
Thông tư 11/2014/TT-BGDĐT ngày 18/4/2014 ban hành quy chế tuyển sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông do Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển ký, cấm tuyển sinh lớp 6 bằng thi tuyển, mà phải xét tuyển.
Lệnh cấm thi tuyển sinh lớp 6 được nhắc lại trong chỉ thị 5105/CT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm đối với giáo dục tiểu học do Bộ trưởng Phạm Vũ Luận ký ngày 3/11/2014.
Hình minh họa, nguồn: Violympic.vn. |
Lý do của lệnh cấm thi tuyển sinh lớp 6 theo hai thầy Phạm Vũ Luận và Nguyễn Vinh Hiển là vì:
(1) Ngăn chặn nạn dạy thêm học thêm trái phép ở tiểu học; (2) ngăn chặn trường chuyên lớp chọn; (3) trung học cơ sở là cấp học "phổ cập", nếu thi kiểm tra sẽ không đúng chủ trương phổ cập. [2]
Ngay khi có chỉ thị 5105/CT-BGDĐT, các sở giáo dục và đào tạo đã phản ánh bất cập lên Bộ trưởng Phạm Vũ Luận.
Quá trình triển khai, các trường trung học cơ sở lúng túng không biết phải làm sao, khi số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển cao gấp 3 - 4 lần chỉ tiêu và gần như hồ sơ nào cũng "đẹp tuyệt đối".
Ngày 17/3/2015 Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển ký công văn số 1258/BGDĐT-GDTrH gửi các sở giáo dục và đào tạo, nhắc lại lệnh cấm tuyệt đối việc thi tuyển vào lớp 6.
Về thắc mắc của các trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn, đối với các cơ sở giáo dục có số lượng học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh:
“Các sở giáo dục và đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục này căn cứ các quy định hiện hành để xây dựng phương án tuyển sinh phù hợp, trình cấp có thẩm quyền ở địa phương xem xét quyết định; tuyệt đối không tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 6”.
Công văn số 1258/BGDĐT-GDTrH viện dẫn thêm lý do, quy định tuyển sinh hiện hành (chính là Thông tư 11/2014/TT-BGDĐT do thầy Hiển ký) cũng quy định, tuyển sinh trung học cơ sở theo hình thức xét tuyển.
Tóm lại tinh thần của Công văn 1258/BGDĐT-GDTrH là, Bộ cấm là cấm, còn việc xét tuyển như thế nào là của các trường, các trường phải tự nghĩ, tự xây dựng phương án và xin các cấp quản lý phê duyệt!
Như vậy có thể thấy mấy vấn đề rất bất cập ngay từ tư duy của các nhà quản lý giáo dục, trói buộc các trường qua lệnh cấm này.
Cấm thi tuyển sinh lớp 6 là công cụ để "lùa" học sinh vào các cuộc thi trên mạng, sân chơi trí tuệ để nuôi một nhóm người?
Các cuộc thi trá hình đang hoành hành trong trường học |
Thi tuyển sinh lớp 6 không phải nguyên nhân thực sự của nạn dạy thêm học thêm trái phép, và cấm thi tuyển sinh không làm giảm dạy thêm học thêm.
Ngược lại, lệnh cấm này còn làm tình trạng học thêm, dạy thêm gia tăng và biến tướng phức tạp khi thành tích các cuộc thi trên mạng trở thành tiêu chí chính để tuyển sinh [3], vì hồ sơ học bạ của các em "đẹp như nhau". [4]
Xin mới quý bạn đọc theo dõi lại trăn trở của cố Phó giáo sư Văn Như Cương với truyền thông về hệ lụy của lệnh cấm này:
"Từ năm 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo cấm tổ chức thi vào lớp 6 dưới mọi hình thức.
Tất cả trường ở Hà Nội áp dụng xét tuyển theo tuyến, trừ một số trường được cho xét trái tuyến vì lượng thí sinh đăng ký đông hơn nhiều lần chỉ tiêu, như: Trung học cơ sở Cầu Giấy, trường chuyên Hà Nội - Amsterdam, Lương Thế Vinh…
Hai mùa tuyển sinh vừa qua, mỗi năm trường Lương Thế Vinh nhận được khoảng 4.000 hồ sơ xét tuyển vào lớp 6. Nhưng tôi hoảng quá, có đến 1.000 hồ sơ được điểm 10 tuyệt đối cả hai môn Toán, tiếng Việt suốt 5 năm tiểu học.
Những năm trước học sinh đỗ qua kỳ thi tuyển sinh vào trường chúng tôi dù điểm học bạ cao, nhưng không quá nhiều điểm 10 hai môn suốt 5 năm như thế.
Từ khi đi học đến khi đi dạy và nhiều năm gần đây, tôi cũng không thấy học bạ nào được 10 Toán lẫn Văn từ lớp 1 đến lớp 5.
Ngày xưa được 7 điểm môn Văn đã khó, hiếm hoi đặc biệt lắm cô giáo mới cho điểm 10. Môn Toán đạt điểm 9 cũng là mừng.
Do có hàng nghìn hồ sơ đạt điểm tuyệt đối mà chỉ tiêu tuyển sinh chỉ được 600, chúng tôi buộc phải đưa ra tiêu chí phụ là các giải thưởng văn hóa, thể thao để lọc hồ sơ.
Nhưng cứ 10 thí sinh đăng ký vào trường thì 3 em có giải thi học sinh giỏi cấp trường, cấp quận, thi Toán, tiếng Anh qua mạng, thi thể dục thể thao…
Không hiểu sao học sinh hai năm qua lại được nhiều điểm tuyệt đối, nhiều giải thưởng ở các cuộc thi như vậy." [4]
Về cỗ máy kiếm tiền trên lưng học sinh cả nước từ các cuộc thi trên mạng có vai trò rất lớn của (nguyên) Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, chúng tôi đã có một loạt bài phân tích.
Ở đây, nếu tinh ý, quý thầy cô và cha mẹ học sinh có thể nhận ra 3 công cụ chính sách không rõ vô tình hay hữu ý, đã "lùa" cả thầy lẫn trò vào các lò luyện thi trên mạng (ViOlympic, IOE...):
Bộ Giáo dục âm thầm rút khỏi ViOlympic và IOE sau khi thầy Vinh Hiển về hưu? |
- Thông tư 11/2014/TT-BGDĐT do Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển ký ngày 18/4/2014, cấm thi tuyển sinh lớp 6 dưới mọi hình thức.
- Các địa phương buộc phải ra quy chế cộng điểm ưu tiên tuyển sinh dựa vào thành tích các cuộc thi trên mạng, điển hình là Hà Nội. [5] [6] [7]
- Thông tư 35/2015/TT-BGDĐT hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng ngành Giáo dục do Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển ký ngày 31/12/2015.
Mục b) thuộc khoản 2 Điều 10 thông tư này quy định về điều kiện đạt "chiến sĩ thi đua cơ sở".
Cá nhân đạt một trong các thành tích quy định tại Khoản 2 Điều 11 Thông tư này hoặc đạt một trong các thành tích sau được tính là sáng kiến áp dụng xét, công nhận danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở":
...b) Giáo viên trực tiếp giảng dạy, bồi dưỡng được 01 học sinh đạt giải nhất, nhì, ba trong các kỳ thi cấp tỉnh. [8]
Không biết do vô tình hay hữu ý, 3 công cụ chính sách này đẩy cả thầy và trò lao vào các cuộc thi trên mạng, các sân chơi trí tuệ "như thiêu thân".
Thầy Văn Như Cương đã rất có lý khi nhận xét:
"Bộ Giáo dục và Đào tạo cấm thi tuyển vào lớp 6 là để giảm căng thẳng học thêm, thi cử cho học sinh.
Tuy nhiên, Bộ không thấy rằng, các em phải tham gia quá nhiều cuộc thi từ văn hóa đến văn nghệ, thể thao, chỉ để lấy được điểm ưu tiên trong xét tuyển, còn vất vả hơn." [4]
Tuy nhiên có lẽ đấy chỉ là phần nổi của một tảng băng chìm. Không phải Bộ Giáo dục và Đào tạo không thấy các em phải tham gia quá nhiều cuộc thi, biết đâu đây lại là ý muốn của Bộ trưởng, Thứ trưởng thời điểm đó?
Ngoài ra còn một sự thật khác. Nếu như thầy cô dạy thêm bên ngoài, họ còn có thu nhập, nhưng dạy luyện các cuộc thi trên mạng thì gần như làm không công, mà học sinh thì vẫn mất tiền. Tiền chảy vào túi ai?
Những cuộc luyện thi trên mạng chỉ mang lại tiền bạc cho các nhà tổ chức, thầy cô phải bỏ công bỏ sức ra ôn, luyện cho các em chỉ để có được cái gọi là "tương đương 1 sáng kiến kinh nghiệm".
Nói cách khác, Bộ Giáo dục và Đào tạo (nhiệm kỳ trước) cấm giáo viên dạy thêm cho học sinh chính khóa lấy tiền, nhưng vô hình trung lại lùa cả thầy cả trò vào các lớp luyện thi trên mạng để một số tổ chức, cá nhân hưởng lợi.
Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ một kỳ thi tuyển sinh đầu cấp, nhưng lại tạo ra không biết bao nhiêu cuộc thi quanh năm suốt tháng.
Thứ hai, cấm thi tuyển sinh lớp 6 không phải giải pháp để xóa bỏ trường chuyên lớp chọn, một khi trường chuyên lớp chọn trở thành chính sách ưu tiên của một số địa phương, đặc biệt là Hà Nội.
Hà Nội không gọi là "trường chuyên, lớp chọn" vì e trái Nghị quyết số 02-NQ/HNTW ngày 24/12/1996, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII “không tổ chức trường chuyên ở tiểu học và trung học cơ sở, trừ các trường năng khiếu về nghệ thuật và thể thao” mà thầy Hiển đã viện dẫn trong công văn 1258/BGDĐT-GDTrH.
Nhưng Hà Nội lại chủ trương phát triển trường "chất lượng cao", dựa theo Luật Thủ đô chứ không phải Luật Giáo dục hay Nghị quyết 02 nói trên. [9]
Thứ ba, về vấn đề "phổ cập trung học cơ sở" nên cấm thi tuyển sinh, chúng tôi xin phân tích riêng trong một bài viết khác về phổ cập.
Như vậy, cùng với việc Bộ Giáo dục và Đào tạo tìm cách "rút ra" khỏi những cuộc thi trên mạng, quyết định dỡ bỏ lệnh cấm thi tuyển sinh vào lớp 6 cũng là một trong những nỗ lực đáng ghi nhận của các nhà lãnh đạo đương nhiệm trong xử lý "di sản" của người tiền nhiệm.
Tuy nhiên, cách làm hiện nay của Bộ Giáo dục và Đào tạo là "âm thầm chữa cháy", chứ chưa thực sự cầu thị và sửa sai một cách rốt ráo.
Tài liệu tham khảo:
[2]https://thanhnien.vn/giao-duc/cam-thi-tuyen-lop-6-540253.html
[3]http://violympic.vn/Page_New_Detail.aspx?ID=1434