Từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV vào năm 2015, giáo viên tiểu học được bổ nhiệm giáo viên hạng I đến hạng IV (gọi là hạng I, IV cũ).
Khi đó căn cứ vào hệ số lương hiện hưởng của giáo viên (không căn cứ vào tiêu chuẩn, nhiệm vụ, thành tích, trình độ) sẽ bổ nhiệm giáo viên hạng IV (hệ số lương 1,86-4,06), giáo viên hạng 3 (hệ số lương 2,1-4,89), giáo viên hạng 2 (hệ số lương 2,34-4,98).
Một số giáo viên từ những năm 2012 đến 2015 hưởng lương trung cấp, đã học nâng chuẩn trình độ đại học nhưng vẫn không được xếp lương đúng với trình độ đào tạo.
Một giáo viên tại Thành phố Hồ Chí Minh có chia sẻ câu chuyện của mình đến Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam. Theo đó, dù có trình độ đại học, nhưng từ khi bổ nhiệm lương hạng IV (lương trung cấp) năm 2015 thì giáo viên này tiếp tục hưởng lương trung cấp.
Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn |
Giáo viên chia sẻ như sau: “Tôi là một giáo viên Tiểu học dạy bộ môn Tin học tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Tôi vào ngành 9/2010. Năm đó tôi chỉ có bằng Trung cấp Công nghệ thông tin (hệ chính qui), khi đó tôi đạt chuẩn theo Luật Giáo dục hiện hành. Khi tôi xét tuyển vào viên chức (năm đó tôi không thi tuyển mà chỉ xét tuyển), tôi trúng tuyển và được phân công về dạy tại 1 Trường tiểu học được hưởng lương ngạch Trung cấp mã ngạch 15.114.
Đến tháng 11/2014, tôi hoàn tất chương trình đại học và có bằng đại học Công nghệ thông tin và tôi đã nộp bằng cho Ban giám hiệu là thầy Hiệu trưởng - Thầy tiếp nhận và để vào hồ sơ cá nhân, tôi có hỏi về việc chuyển xếp ngạch khi tôi đã có bằng đại học, tuy nhiên tôi được trả lời là đã qua đợt, và không có đợt làm nữa, mà chờ văn bản hướng dẫn.
Từ đó tôi vẫn hưởng lương trung cấp ngạch 15.114.
Đến tháng 6/2018, tôi được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp mã số V.07.03.09, giáo viên tiểu học hạng IV (vẫn lương trung cấp), dù khi đó tôi đã có trình độ đại học được 4 năm.
Đến năm 2019, tôi làm hồ sơ xét thăng hạng từ hạng 4 lên hạng 3 lần 1. Tuy nhiên khi đó tôi nhớ vừa làm hồ sơ nộp thì dịch Covid bùng lên nên hồ sơ của tôi không có phúc đáp.
Năm 2020, tôi được làm hồ sơ xét thăng hạng 1 lần nữa, tôi được cô văn thư báo về là yêu cầu tôi dò thông tin cá nhân chính xác để gửi lên cấp trên, lúc đó cô văn thư không nói là tôi đậu thăng hạng hay gì nhưng tôi biết tôi đủ điều kiện xét thăng hạng nên mới làm 1 động tác kiểm dò thông tin cá nhân (vì lúc đó xét thăng hạng có 3 giáo viên, nhưng chỉ có 1 mình tôi được kiểm dò thông tin cá nhân).
Tuy nhiên, tôi đợi mãi vẫn không thấy quyết định gì đưa về mà sau đó tôi thấy có Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT thì tôi lại nghĩ là vì cái thông tư mới này mà kết quả mình đã bỏ qua, vì Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT này cho phép tôi được chuyển từ hạng 4 sang hạng 3.
Và đến khi chuẩn bị hồ sơ các kiểu để chuyển hạng theo chùm Thông tư 01,02,03,04 thì lại phải tạm dừng để chờ Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT.
Giáo viên tiểu học có trình độ đại học nhưng hưởng lương trung cấp, bản thân tôi có thâm niên công tác, nhiều thành tích, tưởng rất đơn giản để được chuyển xếp hưởng lương đại học, để có thể được thăng hạng 2 nhưng tôi đã mất một khoảng thời gian quá dài để chờ đợi, đến nay đã gần 10 năm chờ đợi nhưng tôi vẫn hưởng lương trung cấp, thực tình tôi không hiểu nguyên nhân vì sao?
Hiện nay, tại trường tôi đang bắt đầu làm hồ sơ để chuyển từ hạng 4 sang hạng 3 mới của Thông tư 08, từ lương trung cấp chuyển sang đại học.
Tuy nhiên, điều tôi chạnh lòng là từ lúc ra trường đến nay tôi có 11 năm 9 tháng giữ hạng 4 hoặc tương đương, giờ qua hạng 3 mới, sau này tôi muốn thi hoặc xét thăng hạng từ hạng 3 qua hạng 2 thì tôi phải giữ hạng đủ 9 năm mới được thi hoặc xét, tôi thực sự buồn cho mình, chạnh lòng lắm.
Nhiều giáo viên trẻ về trường năm 2014, lúc họ về trường là có bằng đại học nên giờ họ hiển nhiên phiên ngang hạng 2 vì họ đủ 9 năm giữ ngạch.
Trong khi thời gian chờ đợi của tôi thì quá dài để có thể hy vọng được chuyển qua hạng 2 mới. Điều mà tôi thấy trăn trở mãi đó là mình có bằng đại học đúng thời điểm không được chuyển đổi, mình xét thăng hạng thì lại đúng thời điểm có thông tư mới, chờ đợi làm hồ sơ theo thông tư mới phải mất hết 2 hay 3 năm, giờ được chuyển qua hạng 3 mới, muốn thi thăng hạng hoặc xét thăng hạng lên hạng 2 phải chờ thêm một thời gian, có khi lại không có cơ cấu, chỉ tiêu để thi, xét thăng hạng.
Có bằng đại học 2014, đến năm 2023 vẫn hưởng lương trung cấp, dự kiến chỉ được chuyển qua hưởng lương đại học (hạng III mới) theo Văn bản hợp nhất 09/VBHN-BGDĐT.
Tôi kiến nghị thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm xem xét các trường hợp có trình độ đại học nhiều năm vẫn hưởng lương trung cấp, cao đẳng cả nước để có những giải pháp phù hợp cho đối tượng này.
Nghị định 115/2020/NĐ-CP tại Điều 41 có quy định Xét thăng hạng đặc cách chức danh nghề nghiệp như sau:
“1. Viên chức đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 32 Nghị định này được xét thăng hạng đặc cách vào hạng chức danh nghề nghiệp cao hơn khi được công nhận, bổ nhiệm chức danh có yêu cầu về hạng chức danh nghề nghiệp cao hơn chức danh nghề nghiệp hiện giữ theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
2. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập có văn bản kèm theo bản sao các văn bản chứng minh về tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng đặc cách của viên chức theo quy định tại khoản 1 Điều này, gửi người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý viên chức xem xét, quyết định.”
Nếu chúng tôi đảm bảo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng thì được thăng hạng đặc cách theo Nghị định 115 của Chính phủ vì bản thân chúng tôi có nhiều năm công tác, có bằng đại học gần 10 năm, có nhiều thành tích.
Sự lắng nghe của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với chúng tôi là liều thuốc tinh thần để chúng tôi yên tâm công tác, cống hiến, sẽ cố gắng công tác tốt hơn trong tương lai bỏ qua những thiệt thòi hơn 10 năm qua.”
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.