Mấy ngày nay, chuông điện thoại luôn đổ dồn mà đầu dây bên kia phần nhiều là phụ huynh gọi hỏi về việc: “Bao giờ học sinh đến trường cô ơi!”.
Thầy cô như mẹ hiền (Ảnh minh họa Báo Giáo dục và thời đại) |
Những lời than vãn nghe đến quen tai: “Con tôi quên hết kiến thức rồi”; “Nó suốt ngày bấm điện thoại, tôi chỉ muốn con đi học lại thôi, càng nhanh càng tốt”…
Có phụ huynh chia sẻ: “Em cho con học mà nó chẳng muốn học, chữ nghĩa quên hết trơn rồi cô ạ. Nó bảo con thích cô dạy hơn là mẹ”.
Sáng ra, gặp một phụ huynh có con đang học lớp 1 nói rằng: “Con em nó cứ hỏi suốt khi nào con được đi học lại? Chắc đến trường cô quên tên con luôn rồi mẹ ạ…”. Những lời non nớt của đám học trò nhỏ lớp 1 nghe sao thấy thật là thương.
Đâu riêng gì phụ huynh mới khắc khoải trông mong ngày con cái trở lại trường? Đâu mỗi mình học sinh mới nhớ trường, nhớ lớp, nhớ thầy cô, bạn bè?
Tất cả giáo viên cũng đang ngóng đợi thông tin được trở lại trường sau một chuỗi ngày nghỉ dài để phòng chống dịch bệnh.
Nỗi nhớ của thầy cô giáo không đơn giản chỉ là nỗi nhớ bảng đen phấn trắng, nhớ tiếng cười rộn rã vui tươi của đám học trò nhỏ sau mỗi giờ lên lớp.
Nhớ những giờ học sôi nổi, đầy hào hứng, nhớ cả những lần quở phạt những học trò chưa ngoan.
Xen trong nỗi nhớ ấy là những nỗi lo học trò mãi chơi mà quên bài vở, quên hết những lời dạy bảo, dặn dò của thầy cô, quên luôn cả kiến thức đã học trong thời gian ấy.
Nỗi lo trĩu nặng hơn là việc một số em ham chơi hơn học, do thời gian nghỉ quá dài lại được cha mẹ thả lỏng nên ít nhiều nhiễm một số thói hư tật xấu.
Đã có em bị phụ huynh phản ánh nghiện chơi game, có thể cầm điện thoại quên ăn, quên ngủ. Có em suốt ngày lông bông, chơi bời giao du với bạn bè xấu nói năng tục tĩu, dữ dằn. Lại có em ngày ngủ vùi, đêm ôm máy vi tính ngồi “cày” game, xem phim chưởng…
Ngày trở lại trường chắc chắn thầy cô giáo sẽ phải vất vả nhiều hơn. Đâu chỉ cố gắng trang bị lại kiến thức cho các em mà phải tìm nhiều cách để đưa một số em trở lại nhịp sống thường ngày như trước.
Sự cố gắng, nỗ lực từ phía thầy cô nếu có được sự hợp tác từ phụ huynh thì hiệu quả sẽ rõ ràng trông thấy. Thế nhưng, có những gia đình lại giao phó hoàn toàn trách nhiệm cho giáo viên. Thầy cô lại trở nên đơn độc trong việc dạy và giáo dục học sinh ở trường.
Vì thế đôi khi, bao nỗ lực vẫn khó đem lại hiệu quả như mong muốn.