Tân Uỷ viên Trung ương Đảng từng nghiên cứu tại Harvard Yenching

09/02/2021 06:31
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn trúng cử Uỷ viên chính thức Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn sinh năm 1966, nhận bằng cử nhân Ngữ văn năm 1990 tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội); Tiến sĩ ngành Văn học Việt Nam năm 1996; nghiên cứu về Tư tưởng Nho giáo ở Việt Nam tại Harvard Yenching, Institute, Hoa Kỳ (2007-2008). Ông được bổ nhiệm chức danh Phó giáo sư năm 2005.

Hiện nay, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn là ủy viên Hội đồng biên soạn Nho tạng thế giới; Ủy viên Hội đồng biên tập Tạp chí Taiwan Journal of East Asian Studies (Đài Loan); Ủy viên Ban Điều hành Hiệp hội Nghiên cứu Nho giáo thế giới.

Tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn trúng cử Uỷ viên chính thức Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.(ảnh: VNU)

Tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn trúng cử Uỷ viên chính thức Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.(ảnh: VNU)

Phó giáo sư Nguyễn Kim Sơn có quá trình gắn bó với Đại học Quốc gia Hà Nội, đã qua đảm nhận một số các chức vụ lãnh đạo, quản lý:

Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội;

Trưởng Phòng Đào tạo kiêm Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội;

Trưởng Phòng Đào tạo kiêm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội;

Phó Hiệu trưởng, Phó Bí thư Đảng ủy Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội kiêm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc.

Từ 1/2012 đến 2/2016, ông đảm nhận chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, sau đó là Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Phó Giám đốc Thường trực Đại học Quốc gia Hà Nội.

Từ năm 2016 đến nay là Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội.

Trước đó, nhân dịp Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2020, Phó giáo sư Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội có gửi thư với nhiều gửi gắm để chúc mừng tất cả các nhà giáo của Đại học Quốc gia Hà Nội từ những niềm vui bình dị nhất tới những niềm vui lớn lao và sâu xa riêng có.

Trong thư, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn bày tỏ, việc trồng người xưa nay vốn khó, ngày nay có phần khó hơn xưa, công việc trồng người ở Đại học Quốc gia Hà Nội càng khó nữa.

Cái nghề tự nó mang cái khó, bởi đối tượng nó tương tác, dẫn dắt và tạo dựng chính là con người. Cái khó của nghề giáo thời nay nằm ở chỗ yêu cầu công việc ngày càng cao, mục tiêu lớn, áp lực ngày càng nhiều, đối tượng người học cũng khác xưa, tác động từ các nhân tố ngoài nhà trường tới học sinh ngày càng lớn.

Phó giáo sư Nguyễn Kim Sơn cho biết, Đại học Quốc gia Hà Nội xác định việc phát hiện và bồi dưỡng nhân tài, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là hướng đi trọng tâm, trọng điểm, là sứ mệnh của mình. Điều đó đòi hỏi các nhà quản lý, đội ngũ các nhà giáo, cùng lực lượng hỗ trợ phục vụ cần có trình độ nghề cao, tinh thần trách nhiệm cao, và sự nhiệt huyết phù hợp với môi trường giáo dưỡng nhân tài.

Đại học Quốc gia Hà Nội là đại học hàng đầu của đất nước, phấn đấu đứng trong nhóm các trường tốt nhất trên thế giới, điều đó đương nhiên cần những nhà giáo có tầm quốc gia và quốc tế, có trình độ khoa học đầu ngành, phương pháp mẫu mực, đủ cả tài đức, đủ tầm để dẫn dắt tạo dựng cho nhân tài, đủ sự xuất sắc để có thể đào tạo ra những con người xuất sắc hơn cho hiện tại và tương lai.

Nhà giáo của Đại học Quốc gia Hà Nội là nhà giáo của môi trường đào tạo tài năng, nhà giáo của một trường học đẳng cấp quốc tế, một môi trường học thuật luôn đòi hỏi sự sáng tạo và hướng tới sự phát triển không ngừng nghỉ.

Trong cái khó chung của nghề, các nhà giáo của Đại học Quốc gia Hà Nội còn có những thách thức và yêu cầu gắt gao hơn hẳn.

Đại học Quốc gia Hà Nội không chấp nhận những người trung trung bình bình, hay tàm tạm để làm công việc cốt cho xong, không có chỗ cho sự bảo thủ, cho sự lãnh cảm, cho sự vô trách nhiệm và thiếu tính chuyên nghiệp.

Theo Phó giáo sư Nguyễn Kim Sơn, Nhà giáo là một nghề, một cái nghiệp và nghiệp làm nhà giáo ở Đại học Quốc gia Hà Nội đáng là một nghiệp lớn để từng người, từng người dấn thân, phấn đấu.

Theo đuổi mục tiêu lớn, đáp ứng yêu cầu cao chúng ta sẽ cao và lớn hơn lên, tầm vóc hơn, mẫu mực hơn. Đòi hỏi rất cao, thách thức rất nhiều nhưng đó cũng chính là cơ hội để các nhà giáo trưởng thành nhanh chóng, mạnh mẽ.

Một đại học định hướng đào tạo nhân tài và nhân lực chất lượng cao không phải làm điều gì quá khác thường. Điều có tính quyết định là những người thầy ở đó phải giỏi, thậm chí rất giỏi về chuyên môn và cái tâm trong của bậc làm thầy.

Người tài giỏi thực sự thường có năng lực tự học tự vươn lên rất mạnh mẽ. Cái họ cần là môi trường, sự trân trọng, vun đắp tạo điều kiện, sự khích lệ cùng sự chỉ dẫn và định hướng.

Trong môi trường đào tạo nhân tài, mỗi một người, mỗi một khâu bình thường nhất làm thật tốt, làm thật chuyên nghiệp là chúng ta đã có thể hỗ trợ cho những mầm tài năng phát triển.

Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn cho rằng, nghề nhà giáo là vinh quang, làm nhà giáo ở Đại học Quốc gia Hà Nội theo đuổi mục tiêu lớn, trách nhiệm quốc gia, xã hội cao, đó lại càng vinh quang. Nghề giáo có nhiều niềm vui riêng của nghề nghiệp.

Nhà giáo của Đại học Quốc gia Hà Nội hướng tới đào tạo người tài, nghiên cứu tạo ra những tri thức mới, theo đuổi những phát minh sáng chế, khám phá, phát kiến ra điều chưa ai thấy, chỉ ra những điều chưa ai nghĩ, ... Điều đó chắc chắn mang lại nhiều niềm vui lớn. Vừa có niềm vui thường có của nghề giáo, vừa có niềm vui của sự sáng tạo khoa học, lại có niềm vui của việc thực hiện sứ mệnh quốc gia và trách nhiệm xã hội.

Tất cả hợp thành niềm vui rất lớn. Nhà giáo của Đại học Quốc gia Hà Nội, với tư cách là lực lượng trí thức của đất nước, cần “lo trước vui sau thiên hạ” (lời cổ nhân). Niềm vui có được chắc chắn lớn lao hơn vì nó cộng hưởng từ niềm vui của xã hội và của lớp lớp học trò, nó sâu xa hơn bởi chiều thẳm của trí tuệ và khoa học.

“Làm nhà giáo ở Đại học Quốc gia Hà Nội thật khó, nhưng thật vinh quang và đầy niềm vui. Mong mỗi chúng ta ngày ngày làm tốt công việc nhà giáo của mình trong những yêu cầu và trách nhiệm cao nhất. Mong mỗi ngày chúng ta tìm thấy niềm vui trong sự sáng tạo và dẫn dắt”- Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội bày tỏ.

Thùy Linh