Tăng chỉ tiêu sư phạm làm gì khi hàng ngàn sinh viên ra trường đi làm công nhân?

12/05/2019 06:31
NGUYỄN CAO
(GDVN) - Lẽ nào lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo không động lòng trắc ẩn khi đọc những bài báo thấy hàng trăm giáo viên nước mắt ngắn dài khi bị cắt hợp đồng hay sao?

Tình trạng sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp và giáo viên bị cắt hợp đồng, bị tinh giản biên chế giữa chừng ở rất nhiều địa phương trong thời gian qua cho thấy nhu cầu nhân lực ngành giáo dục đang bị chững lại.

Tuy nhiên, điều bất ngờ là ngày 11/5/2019, khi trao đổi với báo chí thì bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học thông tin là năm 2019 này, chỉ tiêu các trường sư phạm sẽ tuyển nhiều hơn năm 2018 là 30,05% khiến dư luận bất ngờ.

Bởi, tăng chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm thêm nữa để làm gì khi mà hàng chục nghìn nhân lực sư phạm đang thất nghiệp ở tất cả các địa phương trong cả nước?

Nhiều giáo viên ở Hà Nội đang phản ánh với báo chí về nguy cơ mất việc của mình (Ảnh: Trinh Phúc)
Nhiều giáo viên ở Hà Nội đang phản ánh với báo chí về nguy cơ mất việc của mình (Ảnh: Trinh Phúc)

Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng thì việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh khối trường sư phạm năm 2019 là do Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa yêu cầu các địa phương phải rà soát và báo cáo về nhu cầu giáo viên đáp ứng nhu cầu thực tế từ năm 2018-2025.

Theo đó, năm 2019, nhu cầu về giáo viên tăng so với năm 2018, vì thế việc xác định chỉ tiêu sư phạm cũng tăng.

Chúng ta chưa quên, vào ngày 27/4/2018, trong cuộc họp báo thông tin về công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia và xét tuyển đại học - cao đẳng 2018 thì bà Phụng đã thông tin rất khác.

Lúc đó, bà Nguyễn Thị Kim Phụng đã thông tin cho báo chí là cả nước hiện có khoảng 40.000 cử nhân sư phạm thất nghiệp nên trong kỳ tuyển sinh năm 2018, chỉ tiêu khối ngành sư phạm đã giảm mạnh so với năm 2017.

Tuy nhiên, chỉ một năm sau, chỉ tiêu khối ngành sư phạm lại được đẩy lên cao. Nếu như năm 2018 chỉ tiêu tuyển của khối ngành sư phạm là 35 590 chỉ tiêu thì năm 2019 tới đây sẽ là 46 285 chỉ tiêu (tăng 30,05% so với năm trước).

Việc tăng chỉ tiêu sẽ phù hợp nếu như sinh viên sư phạm ra trường có việc làm, các em không phải cù bơ cù bất để đi làm những công việc lao động phổ thông.

Và, những giáo viên đang công tác trong ngành giáo dục không bị thông báo cắt hợp đồng mỗi huyện hàng nghìn giáo viên như ở Hà Nội trong thời gian vừa qua.

Tăng chỉ tiêu sư phạm làm gì khi hàng ngàn sinh viên ra trường đi làm công nhân? ảnh 2Ai đảm bảo tương lai sinh viên sư phạm sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn?

Trong số họ, có những người đã công tác hàng chục năm trời trong ngành giáo dục, thậm chí có người gần 30 năm!

Hay hàng ngàn thầy cô giáo ở Đắk Lắk không bị cắt hợp đồng, không phải đi phụ xe, đi phụ hồ và làm những công việc mà đáng lẽ ra chỉ cần trình độ tiểu học là có thể làm được.

Rồi, hàng loạt các tỉnh thành khác cũng trong tình trạng tương tự. Nhiều nơi còn để xảy ra kiện cáo kéo dài vì giáo viên đột ngột bị cắt hợp đồng giảng dạy hoặc tinh giản biên chế.

Những điều này, chắc bà Nguyễn Thị Kim Phụng và lãnh đạo ngành giáo dục có biết, có nghe nhưng tại sao không chịu thấu hiểu nỗi khổ của hàng chục ngàn con người đã trót đa đa mang theo đuổi ngành sư phạm để rồi lỡ dở công việc, sự nghiệp về sau?

Bởi, khi bị thất nghiệp là sẽ bị ảnh hưởng, xáo trộn đến cả cuộc sống gia đình của các thầy cô giáo. Đó là chưa kể tình trạng tiêu cực xảy ra ở rất nhiều địa phương, khi họ phải chi hàng trăm triệu đồng để chạy chọt cho công việc của mình.

Nếu Bộ chỉ dựa vào báo cáo của các địa phương về nhu cầu nhân lực cho những năm tới, có nghĩa là các địa phương họ chỉ báo cáo những giáo viên hiện có của các nhà trường đang nằm trong diện biên chế hay hợp đồng dài hạn mà thôi.

Làm sao các Sở có thể nắm và báo cáo được số lượng hàng ngàn sinh viên thất nghiệp đang làm ở các khu công nghiệp, các nhà hàng hay đi bán hàng, tiếp thị cho các siêu thị, các công ty ở khắp nơi.

Làm sao các Sở có thể thống kê được mỗi năm địa phương mình có bao nhiêu sinh sinh viên sư phạm ra trường không có việc làm để có con số chính xác mà báo về Bộ?

Nếu lãnh đạo Bộ chỉ căn cứ vào những "số liệu cứng" do các Sở báo về mà tăng chỉ tiêu tuyển sinh thì càng làm cho nguồn nhân lực ngành sư phạm thất nghiệp nhiều hơn trong các năm tới đây.

Tăng chỉ tiêu sư phạm làm gì khi hàng ngàn sinh viên ra trường đi làm công nhân? ảnh 3Bài toán nhân sự cho ngành giáo dục bao giờ mới giải xong?

Nhà nước thì cứ phải cấp kinh phí đào tạo sinh viên, trả lương cho hàng ngàn giảng viên, rồi phải đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các nhà trường.

Tuy nhiên, đào tạo xong thì sinh viên làm gì Bộ, Sở không biết, không hay, không đoái hoài tới.

Lãng phí tiền của nhà nước, lãng phí tiền của phụ huynh, lãng phí về 4 năm trời học tập của sinh viên không thể nào đong đếm được.

Đó là chưa kể, chỉ còn 2 năm nữa sẽ áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới ở cấp Trung học cơ sở. Khi mà 5 môn học độc lập bây giờ là Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa sẽ gộp thành 2 môn học tích hợp.

Mỗi trường cũng sẽ thừa vài giáo viên, cả nước lại thừa hàng chục ngàn giáo viên không biết sẽ đi đâu, về đâu? Để lại trường thì lãng phí ngân sách nhà nước trả lương hàng năm mà cắt hợp đồng thì hệ lụy sẽ vô cùng lớn.

Bộ Giáo dục cứ nói là nhân lực ngành giáo dục Bộ không nắm được, không được tuyển mà do Bộ Nội vụ chủ trì và các Uỷ ban nhân dân các địa phương nắm, tuyển dụng.

Nhưng, phân bổ chỉ tiêu đào đạo sư phạm hàng năm là công việc của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì lẽ nào Bộ không làm chủ được? Tại sao không tiếp tục cắt giảm chỉ tiêu ngay từ bây giờ mà lại tăng thêm chỉ tiêu đào tạo nữa để làm gì?

Lẽ nào lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo không động lòng trắc ẩn khi đọc những bài báo phản ánh hàng trăm giáo viên nước mắt ngắn dài khi bị cắt hợp đồng hay sao?

Lẽ nào lãnh đạo Bộ không xót xa khi mỗi thầy cô giáo trước khi được đứng trên bục giảng phải chạy vạy để đặt cọc hàng trăm triệu đồng xin việc mà  báo chí đã nhiều lần phản ánh hay sao?
Tài liệu tham khảo:

https://tuoitre.vn/nhieu-giao-vien-that-nghiep-vi-sao-chi-tieu-tuyen-sinh-su-pham-tang-20190511120229995.htm

NGUYỄN CAO