Tăng phụ cấp là đề xuất thiết thực để GV thêm thu nhập, bớt lo 'cơm áo gạo tiền'

24/06/2023 06:40
Minh Khôi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có rất nhiều cố gắng trong việc kiên trì đề xuất tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên, cải thiện thu nhập nhà giáo.

Thời gian qua, vấn đề giáo viên nghỉ việc, nhảy việc khác diễn ra tương đối nhiều do áp lực công việc và quan trọng là thu nhập chưa đủ sống, chưa tương xứng với tính chất, mức độ của nghề giáo.

Thu nhập chưa tương xứng khiến việc tuyển dụng sinh viên vào ngành sư phạm gặp thách thức, tuyển dụng giáo viên giảng dạy tại trường mầm non, phổ thông cũng gặp nhiều khó khăn.

Để cải thiện phần nào thu nhập của nhà giáo, nhất là đội ngũ giáo viên mầm non, tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có nhiều đề xuất như giảm tuổi nghỉ hưu giáo viên mầm non, đề xuất tăng phụ cấp ưu đãi giáo viên mầm non, tiểu học được giáo viên cả nước đồng thuận.

Điều đó cho thấy trong phạm vi quyền hạn của mình, Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn nắm bắt, quan tâm và tìm mọi cách để cải thiện thu nhập của đội ngũ nhà giáo cả nước.

Ảnh minh họa. P.L

Ảnh minh họa. P.L

Mức hưởng phụ cấp ưu đãi của giáo viên mầm non, phổ thông từ 2005 đến nay và từ năm 1997 đến 2005 ra sao?

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Quyết định số 244/2005/QĐ-TTG và hướng dẫn tại Điểm 1 Mục II Thông tư liên tịch 01/2006/TTLT-BGD&DT-BNV-BTC, mức hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi được xác định như sau:

Mức phụ cấp 25% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng, các học viện, trường bồi dưỡng của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức Đảng, tổ chức chính trị – xã hội ở Trung ương và các trường chính trị của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (trừ nhà giáo giảng dạy trong các trường sư phạm, khoa sư phạm và nhà giáo dạy môn khoa học Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh);

Mức phụ cấp 30% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm kỹ thuật tổng hợp – hướng nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm dạy nghề ở đồng bằng, thành phố, thị xã; trường trung học chuyên nghiệp, trường dạy nghề; các trung tâm bồi dưỡng chính trị của huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh;

Mức phụ cấp 35% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường mầm non, tiểu học ở đồng bằng, thành phố, thị xã; các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, các trung tâm kỹ thuật tổng hợp – hướng nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm dạy nghề ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa;

Mức phụ cấp 50% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường mầm non, tiểu học ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa;

Mức phụ cấp ưu đãi 70% đối với nhà giáo công tác ở vùng đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ.

Mức phụ cấp ưu đãi này áp dụng từ năm 2005, trước đó từ năm 1997 đến tháng 10/2005, mức phụ cấp ưu đãi của giáo viên được áp dụng tại Quyết định số 973/1997/QĐ-TTg ngày 17 tháng 11 năm 1997 của Chính phủ thì mức phụ cấp ưu đãi của giáo viên như sau:

Mức phụ cấp 30% lương theo ngạch, bậc hiện hưởng và phụ cấp chức vụ (nếu có) áp dụng đối với giáo viên dạy trong các trường đại học, cao đẳng và tương đương (trừ giáo viên thuộc các trường sư phạm);

Mức phụ cấp 35% lương theo ngạch, bậc hiện hưởng và phụ cấp chức vụ (nếu có) áp dụng đối với giáo viên dạy trong các trường phổ thông trung học cơ sở, phổ thông trung học ở đồng bằng, thành phố, thị xã và giáo viên dạy trong trường trung học chuyên nghiệp và dạy nghề;

Mức phụ cấp 40% lương theo ngạch, bậc hiện hưởng và phụ cấp chức vụ (nếu có) áp dụng đối với giáo viên dạy trong các trường tiểu học, mầm non ở đồng bằng, thành phố, thị xã; giáo viên dạy trong các trường phổ thông trung học, phổ thông trung học cơ sở ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa;

Mức phụ cấp 50% lương theo ngạch, bậc hiện hưởng và phụ cấp chức vụ (nếu có) áp dụng đối với giáo viên sư phạm các cấp (đại học, cao đẳng, trung học sư phạm);

Mức phụ cấp 70% lương theo ngạch, bậc hiện hưởng và phụ cấp chức vụ (nếu có) áp dụng đối với giáo viên dạy trong các trường tiểu học, mầm non ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa và giáo viên dạy trong các trường trẻ em khuyết tật.

Như vậy, có thể thấy mức phụ cấp ưu đãi của giáo viên từ năm 2005 đã giảm so với thời điểm từ năm 1997-2005.

Do đó, nếu đề xuất phụ cấp ưu đãi giáo viên mầm non, tiểu học tăng tương ứng 10%, 5% cho thấy sự cố gắng rất lớn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có đề xuất nâng mức phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non đang hưởng mức 35% và mức 50% lên mức 70%. Giáo viên mầm non đang công tác vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn hưởng mức 100%.

Lần đề xuất này, phụ cấp ưu đãi của giáo viên mầm non được đề xuất tăng khá cao, tăng 35%, 25% và 30% ở vùng đặc biệt khó khăn.

Giáo viên mầm non rất vui mừng với đề xuất này.

Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế đất nước còn khó khăn, đề xuất tăng phụ cấp ưu đãi giáo viên mầm non cần phải dựa vào sự tăng trưởng kinh tế, sự phù hợp các đối tượng giáo viên khác và quan trọng phải được sự đồng thuận của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và phải được Chính phủ đồng thuận.

Nên, đề xuất tăng phụ cấp đề xuất nâng mức phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non đang hưởng mức 35% và mức 50% lên mức 70%, giáo viên mầm non đang công tác vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn hưởng mức 100% đã không thể thành hiện thực.

Tiếp tục kiên trì mục tiêu bảo vệ quyền lợi, tăng phụ cấp, cải thiện thu nhập nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục có thêm kiến nghị về đề xuất tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non và cả ở cấp tiểu học.

Mới nhất, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội họp phiên toàn thế lần thứ 5. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn dự phiên họp và trao đổi một số nội dung thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Riêng về tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên, Bộ trưởng cho biết: Sau khi vấn đề này được Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị ở Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành xem xét phương án cụ thể.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhiều lần làm việc với Bộ Nội vụ và trong phạm vi điều kiện có thể, hai bên đã thống nhất theo hướng tăng phụ cấp ưu đãi cho bậc mầm non lên 10%, bậc tiểu học là 5%. Hiện phương án đang chờ Bộ Tài chính cho ý kiến.

Đề xuất mức tăng phụ cấp ưu đãi 5%, 10% của giáo viên tiểu học, mầm non mong sớm thành hiện thực

Hai Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ đã thống nhất theo hướng tăng phụ cấp ưu đãi cho bậc mầm non lên 10%, bậc tiểu học là 5%. Hiện phương án đang chờ Bộ Tài chính cho ý kiến.

Nếu Bộ Tài chính đồng thuận, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các ban ngành sẽ có văn bản trình Chính phủ, Chính phủ sẽ tham mưu các cấp có thẩm quyền và quyết định.

Qua những lần đề xuất, tham mưu về việc tăng phụ cấp ưu đãi của giáo viên nhận được sự đồng thuận của Bộ Nội vụ là nổ lực rất lớn của Bộ Giáo dục và Đào tạo bởi thẩm quyền việc tăng lương, phụ cấp nhà giáo không phải chỉ mình Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể quyết định được, cần phải qua nhiều khâu, nhiều cấp có thẩm quyền như đã trình bày ở trên.

Trong điều kiện còn khó khăn, dù đề xuất lần này có giảm so với ban đầu của giáo viên mầm non tăng 10% (tăng từ mức 35% lên 45%) nhưng bổ sung đối tượng giáo viên tiểu học tăng thêm 5% (tăng từ mức 35% lên 40%) cũng được xem là khá hợp lý vì giáo viên mầm non, tiểu học khá vất vả so với các cấp học còn lại.

Điều này, cũng thể hiện sự quan tâm của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các ban ngành cho giáo dục mầm non, tiểu học.

Do đó, giáo viên cả nước mong mỏi đề xuất của hai Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ sớm thành hiện thực. Tăng thêm được phụ cấp ưu đãi giáo viên mầm non 10%, tiểu học 5% sẽ cải thiện được phần nào thu nhập nhà giáo, giúp họ yên tâm công tác, gắn bó với nghề, hạn chế phần nào giáo viên nghỉ việc như thời gian qua.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Minh Khôi