Tăng tiết để… dạy thêm hợp pháp cho học trò!

23/03/2022 06:31
NGUYÊN KHANG
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nghĩ mà thương cho học trò, thương cho những phụ huynh nghèo đang phải oằn mình đóng tiền học thêm cho con em mình hàng tháng!

Nhìn vào thời khóa biểu của một học trò lớp 9 đưa, chúng tôi không dám tin vào mắt mình bởi mỗi tuần thì các em đang học tới 44 tiết tại trường. Như vậy, mỗi tuần trừ đi ngày Chủ nhật, còn lại 6 ngày thì bình quân mỗi ngày học sinh đang phải học từ 7-8 tiết.

Tuy nhiên, trong thực tế thì có những ngày các em chỉ học 5-6 tiết nhưng có ngày phải tham gia học đến 9 tiết, buổi sáng 5 tiết và buổi chiều 4 tiết.

Việc học tăng tiết như thế này đối với học sinh cuối cấp không phải chỉ diễn ra trong một vài tuần mà nó thường được thực hiện gần như xuyên suốt khoảng 8- 10 tuần mới có thể “kéo” hết số tiết của học kỳ II.

Chính vì thế, nhiều học sinh vào lớp không còn tích cực trong học tập bởi em nào cũng tỏ ra mệt mỏi, căng thảng- nhất là thời gian học buổi chiều. Vậy, vì sao học sinh cuối cấp năm nào cũng phải học tăng tiết? Phía sau kế hoạch tăng tiết đối với học sinh cuối cấp là gì?

Gần như học sinh cuối cấp đều phải tham gia học thêm tại trường (Ảnh minh họa: Báo Lao động)

Gần như học sinh cuối cấp đều phải tham gia học thêm tại trường

(Ảnh minh họa: Báo Lao động)

Càng kết thúc năm học sớm thì học sinh và phụ huynh càng mệt mỏi và tốn kém

Không biết tự bao giờ, khái niệm dạy tăng tiết đã xuất hiện ở các nhà trường phổ thông và dành riêng cho những em học sinh cuối cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Là những giáo viên đang dạy cho học sinh cuối cấp hàng chục năm nay, bản thấy người viết thấy rằng việc tăng tiết đối với học sinh cuối cấp là không thực sự cần thiết, gây áp lực quá lớn cho cả thầy và trò. Đồng thời, dẫn đến tốn kém tiền bạc cho phụ huynh học sinh.

Bởi lẽ, học sinh lớp 9 và lớp 12 thường kết thúc chương trình năm học vào cuối tháng ba, tháng tư hàng năm. Thời gian còn lại đến thời điểm tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và kỳ thi tuyển sinh 10 là các nhà trường triển khai ôn tập cho học trò.

Nói là “ôn tập” nhưng thực ra là né đi từ dạy thêm, học thêm ở các nhà trường mà thôi, chứ bản chất là dạy thêm và thu tiền học trò.

Vì thế, mỗi năm học bản thân mỗi giáo viên chúng tôi nhận được vài triệu đồng tiền dạy thêm cuối cấp cho học trò nhưng trong lòng không thấy vui chút nào. Nếu được quyền từ chối, chúng tôi không bao giờ tham gia dạy thêm cho học trò.

Giá như Sở, Phòng Giáo dục không có chủ trương yêu cầu các nhà trường tăng tiết mà các trường học bố trí, sắp xếp hợp lý thì chất lượng của kỳ thi cuối cấp vẫn cao. Phụ huynh không tốn kém mà thầy và trò cũng thong dong dạy và học chứ không phải dạy và học nhồi nhét.

Bởi vì, đầu năm học này thì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn 4040/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông năm học 2021-2022 ứng phó với dịch Covid-19 nên nội dung kiến thức các môn học đã được giảm tải rất nhiều bài học.

Nhiều môn học đã giảm từ 30-40% đơn vị kiến thức bài học nên vào thời điểm cuối học kỳ nhiều môn rơi vào tình trạng không còn bài chính thức để dạy và học.

Chính vì thế, nếu như Sở không có chủ trương tăng tiết, không ra đề kiểm tra cuối học kỳ II thì năm nay học sinh cuối cấp vẫn nhàn nhã để kết thúc năm học đúng lộ trình theo khung thời gian năm học mà vẫn có thời gian ôn thi.

Bởi, năm nay dù dịch bệnh nhưng học sinh cuối cấp vẫn duy trì việc học trực tuyến hoặc trực tuyến đều đặn từ đầu năm đến giờ nên bài vở không mất và học sinh vẫn đảm bảo được chương trình học theo kế hoạch.

Vậy nên, việc tăng tiết đối với học sinh lớp 9 và lớp 12 thực ra không thực sự cần thiết và mấu chốt của sự việc này chưa hẳn đã là vì học sinh.

Phía sau việc dạy tăng tiết đối với học sinh cuối cấp là gì?

Đối với kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông diễn ra vào tháng 7, nếu như không tăng tiết thì học sinh sẽ kết thúc vào cuối tháng 5. Từ đó đến khi thi tốt nghiệp trung học phổ thông thì học sinh cũng còn gần 2 tháng ôn tập.

Nếu như học sinh cả nước không học tăng tiết, cùng thực hiện theo đúng khung thời gian năm học thì sẽ giảm được 1-2 tháng học thêm.

Những học sinh có nguyện vọng thi, xét tuyển đại học thì việc học thêm cũng là điều chấp nhận được nhưng những học sinh chỉ có nguyện vọng thi để có tấm bằng tốt nghiệp rồi đi làm thì việc học thêm này quả là rất lãng phí.

Cả nước mỗi năm có gần 1 triệu học sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, mỗi em học thêm gần như bắt buộc ở các nhà trường khoảng 3 tháng cuối năm học thì số tiền phụ huynh cả nước phải đóng là rất lớn.

Vì khi kết thúc năm học thì nhà trường chỉ tập trung cho các môn ôn thi nên số tiết rất nhiều và tất nhiên là số tiền mà phụ huynh phải đóng lên đến hàng triệu đồng mỗi tháng.

Đối với học sinh lớp 9 tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10 cũng lao vào vòng xoáy học thêm. Những tỉnh, những trường có tỉ lệ chọi cao thì học thêm đã đành, nhiều nơi số lượng tham dự kỳ thi thấp hơn số lượng tuyển đầu vào nhưng học sinh vẫn phải học thêm.

Việc học thêm bắt buộc đối với học sinh lớp 9 cũng kéo dài từ 2-3 tháng (tùy vào thời kiểm tố chức kỳ thi) nên học sinh cũng rất mệt mỏi với kỳ thi này.

Trong khi, thi tuyển sinh 10 thì quyền tự quyết của các sở giáo dục, tăng tiết, học thêm bao nhiêu thì cơ bản cũng vậy, chẳng giải quyết được gì. Bởi lẽ, số lượng tuyển đầu vào bao nhiêu thì sở đã ấn định cụ thể.

Khi thi, điểm cao hay thấp thì cũng sẽ lấy từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu. Vì thế, nếu không tăng tiết, không học thêm thì điểm có thấp hơn một chút cũng có sao đâu.

Việc học sinh lớp 12 phải cạnh tranh điểm số vào đại học thì học thêm nhiều đã đành, học sinh lớp 9 thi vào 10 cùng chung một địa bàn thì việc học thêm chỉ làm tăng áp lực cho thầy và trò ở các nhà trường và gây nên tốn kém tiền bạc cho phụ huynh mà thôi.

Chính vì thế, việc nở rộ dạy thêm, học thêm đối với học sinh cuối cấp phần nhiều là lãnh đạo ngành giáo dục ở các địa phương luôn lo thành tích của địa phương mình, trường mình thấp hơn các địa phương khác, trường khác.

Họ sợ bị lãnh đạo tỉnh, huyện phê bình, quở trách nên năm nào cũng ép thầy và trò phải dạy và học tăng tiết. Xong rồi, các trường mở ra các lớp “ôn tập” kéo dài lê thê vài tháng trời và tất nhiên mỗi học sinh phải đóng một số tiền lớn vào việc ôn tập.

Vòng xoáy dạy thêm, học thêm chính khóa tại các nhà trường núp bóng “ôn tập” đã và sẽ còn tồn tại không biết đến bao giờ. Nghĩ mà thương cho học trò, thương cho những phụ huynh nghèo đang phải oằn mình đóng tiền học thêm cho con hàng tháng!

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYÊN KHANG