Thống kê cho thấy hiện nay có tới 20 phương thức xét tuyển đại học. Trong đó, xu hướng tuyển sinh chung của hầu hết các cơ sở giáo dục đại học là giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp và đa dạng hóa các phương thức tuyển sinh đầu vào như xét học bạ, kết quả kỳ thi riêng (đánh giá năng lực, đánh giá tư duy), chứng chỉ ngoại ngữ, phỏng vấn,...
Tuy nhiên, việc các trường sử dụng quá nhiều phương thức xét tuyển cũng gây nên một số hạn chế như nhiễu thông tin, nhiều phương thức xét tuyển kém hiệu quả.
Với những nỗ lực đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, trong đó có đổi mới kiểm tra, đánh giá với yêu cầu của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông là giảm áp lực, giảm tốn kém cho xã hội, đồng thời đảm bảo độ tin cậy để lấy kết quả xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiều lần nhấn mạnh thông điệp khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học tuyển sinh bằng điểm thi tốt nghiệp. Điều này nhằm tạo cơ hội tiếp cận giáo dục đại học cho tất cả học sinh cả nước, đặc biệt các em ở vùng sâu, vùng xa không có điều kiện tham gia các kỳ thi riêng, hay trang bị các chứng chỉ ngoại ngữ từ sớm.
Tại cuộc họp báo sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2024, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết, trong thời gian tới sẽ tham mưu với Ban cán sự Đảng của Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu đối với các cơ sở giáo dục đại học nghiên cứu xem xét tăng tỷ lệ xét tuyển đại học bằng điểm thi tốt nghiệp, trong đó vẫn đảm bảo hài hòa với quyền tự chủ của các trường đại học.
Tự chủ tuyển sinh nhưng không được làm khó, gây tốn kém cho học sinh
Trước thông tin này, nhiều ý kiến bày tỏ sự đồng tình cao, bởi cho rằng tình trạng các trường xét tuyển bằng học bạ như hiện nay chưa đảm bảo được độ tin cậy trong tuyển sinh trong khi đó, các bài thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy hiện nay kiến thức dàn trải, và không phải thí sinh nào cũng có điều kiện tham dự.
Từ góc nhìn của một phụ huynh có con vừa tham gia kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đồng thời có tham dự cả kỳ thi riêng để tìm kiếm cơ hội xét tuyển đại học, anh Nguyễn Văn Hồng (47 tuổi, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) chia sẻ:
"Nếu chỉ lấy duy nhất điểm thi tốt nghiệp để tuyển sinh, tôi cho rằng rất thuận lợi cho các cháu học sinh vì đỡ phải áp lực ôn luyện nhiều. Với gia đình thuần nông như chúng tôi cũng đỡ vất vả hơn".
Gia đình có 3 người con, năm nay đứa con trai cả của anh Hồng dự thi tốt nghiệp. Với mong muốn gia tăng cơ hội trúng tuyển, con trai anh đã đăng ký dự thi 3 đợt kỳ thi đánh giá tư duy/ đánh giá năng lực để tăng cơ hội trúng tuyển vào ngôi trường mơ ước.
Nhà anh Hồng cách thành phố Vinh khoảng hơn 60km, thông thường mất khoảng gần 2 tiếng đi xe khách. Trước mỗi đợt thi, anh thường gác lại công việc đồng áng ở nhà để đưa con đi thi. Vì muốn con trai có tâm thế thoải mái trước khi thi nên 2 bố con anh Hồng thường vào trước 1 đêm để nghỉ ngơi.
Mỗi lần di chuyển vậy cũng rất tốn kém từ lệ phí thi, chi phí đi lại, ăn uống, thuê trọ,... cũng tốn ngót nghét gần 2 triệu đồng. Với nhà nông thì đây là khoản tiền lớn của gia đình. Mà con tôi tham dự thi 3 lần, nghĩa là mất khoảng 6 triệu đồng, chưa kể, là giai đoạn cuối cấp nên gia đình cũng tốn khá nhiều chi phí cho con đi học thêm", vị phụ huynh bộc bạch và mong muốn có phương án giúp thí sinh con em nông dân, vùng sâu vùng xa có điều kiện tham gia xét tuyển đại học với chi phí ít tốn kém nhất, thuận tiện và đơn giản hơn.
Cùng bàn về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An (Đại biểu Quốc hội khóa XIII) cho rằng, đề xuất của Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng là hợp lý. Đồng thời, Phó giáo sư Bùi Thị An nhấn mạnh thêm, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông cần đảm bảo được tổ chức chặt chẽ, đánh giá thực chất năng lực học sinh, không được để xảy ra tiêu cực trong quá trình thi.
Cũng theo Phó giáo sư Bùi Thị An, về mặt luật pháp, các trường đại học có quyền tự chủ tuyển sinh. Vì vậy, các trường được tự do lựa chọn các hình thức xét tuyển phù hợp, nhưng phải đảm bảo chất lượng, không được làm khó, gây tốn kém cho học sinh, xã hội.
"Tôi đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và quản lý các phương án tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học. Trong đó, với các trường có tổ chức kỳ thi riêng, cần thực hiện báo cáo đầy đủ phương án thi, tiêu chí đánh giá, chi phí thi cử,... Điều này nhằm bảo vệ quyền lợi cho các thí sinh, cũng là cách đảm bảo chất lượng đầu vào bậc giáo dục đại học", Phó giáo sư Bùi Thị An nêu kiến nghị.
Trong khi đó, từ góc nhìn cơ sở đào tạo, lãnh đạo một trường đại học ở phía Bắc cho rằng, mỗi kỳ thi đều có ưu nhược điểm riêng, vì vậy cần đa dạng các phương thức xét tuyển để đảm bảo không bỏ sót thí sinh có năng lực. Dù vậy, vị lãnh đạo cũng cho rằng động thái khuyến khích các cơ sở đào tạo xem xét tăng tỷ lệ xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp của Bộ Giáo dục và Đào tạo là cần thiết nhằm đảm bảo "không một thí sinh nào bị bỏ lại phía sau".
“Thí sinh được quyền lựa chọn hình thức thi phù hợp để thể hiện năng lực của mình, và cơ sở đào tạo có trách nhiệm chọn thí sinh có năng lực phù hợp với mục tiêu đào tạo của nhà trường.
Tất nhiên, kỳ thi tốt nghiệp vẫn là một kênh tuyển sinh tốt bởi độ phủ thí sinh lớn, đảm bảo cơ hội cho học sinh ở mọi miền Tổ quốc đều có cơ hội xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Trong đó, tính phân hóa thí sinh là điều cần quan tâm. Kỳ thi cần chứng minh được độ tin cậy, dữ liệu tuyển sinh chất lượng, từ đó các cơ sở đào tạo sẽ đẩy mạnh sử dụng phương thức này để tuyển sinh”, vị lãnh đạo nêu quan điểm.
Tỷ lệ đối với kỳ thi riêng không thể tăng mãi được
Đánh giá về số lượng thí sinh tham gia kỳ thi riêng hiện nay, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, nhìn tổng thể hàng năm với khoảng 600.000 chỉ tiêu xét tuyển đại học, số lượng thí sinh sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy để xét tuyển chỉ chiếm khoảng 3-5%. Đây không phải là con số nhiều, vì vậy để xét về tác động, ảnh hưởng đến bức tranh tuyển sinh chung là không nhiều.
Giáo sư Nguyễn Tiến Thảo cho rằng hiện nay phần lớn chỉ tiêu vẫn dành cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp và điểm học bạ (chiếm trên 80%).
“Trong đó, việc xét tuyển bằng điểm học bạ vẫn là vấn đề được đặt câu hỏi nhiều nhất, trong khi đó chỉ tiêu tuyển sinh các trường dành cho phương thức này cũng khá lớn, thậm chí nhiều trường còn xấp xỉ ngang bằng với tỉ lệ tuyển sinh dành cho phương thức xét điểm tốt nghiệp.
Tôi cho rằng với đề xuất mới trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng mong muốn các trường cân nhắc giảm tỷ lệ xét bằng học bạ, và tăng tỷ lệ xét bằng điểm thi tốt nghiệp để đảm bảo tính khách quan, công bằng. Điều này là hoàn toàn phù hợp và đáng mừng”, Giáo sư Nguyễn Tiến Thảo bày tỏ quan điểm.
Đối với kỳ thi đánh giá năng lực, Giám đốc Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết thông qua bài thi, nhà trường có thêm cơ sở để đánh giá năng lực toàn diện của thí sinh, từ đó tuyển chọn được thí sinh phù hợp và thực sự yêu mến trường.
Tuy nhiên, kỳ thi đánh giá năng lực hiện nay cũng mới chỉ tiếp cận với một số lượng thí sinh chưa lớn (khoảng gần 100.000 thí sinh trên 1 triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp, tức mới chỉ khoảng gần 10% thí sinh cả nước). Các khu vực thi ngày càng được mở rộng để lan tỏa hơn tới đông đảo thí sinh, nhưng cũng rất khó để đến tận các vùng quê hẻo lánh. Giáo sư Nguyễn Tiến Thảo cũng cho rằng, không một trường nào có thể đảm nhận việc tổ chức một kỳ thi để phục vụ cho 1 triệu thí sinh cả nước.
“Do vậy, với một kỳ thi được tổ chức, chỉ đạo thông suốt từ trung ương đến địa phương, có thời gian, kế hoạch tổ chức chỉn chu, áp dụng trên toàn quốc như kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông là một kênh tốt để tuyển sinh, đảm bảo độ tin cậy”, Giáo sư Nguyễn Tiến Thảo khẳng định.
Đồng quan điểm, đại diện một cơ sở đào tạo đang tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh, cũng thừa nhận kỳ thi riêng chỉ phục vụ được một nhóm thí sinh có điều kiện ôn luyện, di chuyển.
“Tỷ lệ đối với kỳ thi riêng không thể tăng mãi được, mà chỉ dao động cỡ 30% thôi, còn phần lớn vẫn phải tuyển sinh thông qua kỳ thi có độ phủ thí sinh rộng hơn, đó là kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Điều này nhằm đảm bảo được tính công bằng xã hội, giúp thí sinh ở mọi vùng miền từ nông thôn, thành thị, miền núi, hải đảo,... đều có cơ hội xét tuyển vào đại học”, vị đại diện phân tích.
Bên cạnh kỳ thi riêng, vị đại diện cho hay, nhà trường vẫn tin tưởng sử dụng kết quả thi tốt nghiệp để tuyển sinh đầu vào.
"Hiện nay, đa phần các ngành đào tạo chúng tôi đều giữ ổn định khoảng 50% chỉ tiêu bằng phương thức này, có ngành chỉ tiêu tới 70-80%. Với kỳ thi tốt nghiệp từ năm 2025, nhà trường hy vọng sẽ tuyển được lứa thí sinh có phẩm chất, năng lực như tuyên bố của chương trình mới”, vị đại diện cho hay.
Đối với kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025, Giáo sư Nguyễn Tiến Thảo đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đảm bảo tính ổn định để giáo viên, học sinh yên tâm ôn luyện.
Từ chỗ chỉ có một kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội (HSA) vào năm 2015, đến nay sau gần 10 năm, cả nước đã có khoảng 10 cơ sở giáo dục tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh đầu vào.
Tuy nhiên, kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông vẫn là phương án tuyển sinh được sử dụng nhiều nhất. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2023, có khoảng 50% thí sinh sử dụng kết quả thi tốt nghiệp để làm căn cứ xét tuyển vào đại học. Phương thức thứ 2 được nhiều thí sinh lựa chọn là sử dụng kết quả xét học bạ (chiếm tỉ lệ khoảng 30%). Trong khi đó, tỉ lệ thí sinh sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy để xét tuyển đại học mới chỉ chiếm 2,57%.