Thi tốt nghiệp 4 môn: Sẽ có xu hướng tập trung tuyển sinh qua các kỳ thi riêng

07/12/2023 09:38
Kim Minh Châu
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thay đổi phương án thi tốt nghiệp, các trường sẽ tập trung sử dụng kết quả của một số kỳ thi về đánh giá năng lực, đánh giá tư duy lớn, có độ tin cậy cao.

Theo công bố của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm 2025, thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ thi tổng số 04 môn, bao gồm 02 môn bắt buộc (là Toán, Ngữ văn) và 02 môn tự chọn nằm trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (như Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, công nghệ).

Sự thay đổi phương án thi tốt nghiệp từ năm 2025 cũng sẽ đặt ra yêu cầu mới và những điều chỉnh nhất định đối với công tác tuyển sinh của các trường đại học.

Các trường không bị ảnh hưởng nhiều đến phương thức tuyển sinh

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đức Triệu – Trưởng Phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: “Trong những năm gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khuyến khích các trường ổn định về quy chế tuyển sinh và đơn giản hóa các phương thức xét tuyển, thay vào đó là cải tiến về kỹ thuật để công tác xét tuyển được thuận lợi. Vì vậy, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng sẽ tiếp tục thực hiện theo khuyến nghị này, ổn định về phương thức tuyển sinh, kể cả phương thức tuyển sinh năm 2025".

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh: Website nhà trường

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh: Website nhà trường

Cụ thể, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân vẫn sử dụng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông để xét tuyển tổ hợp thuần 3 môn và kết hợp điểm thi với IELTS như trước đây.

Về chỉ tiêu tuyển sinh, nhà trường giảm dần xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tăng dần các hình thức xét tuyển kết hợp (trong đó sử dụng chủ yếu điểm thi đánh giá năng lực/ đánh giá tư duy).

Vì thế, có thể nhận định, phương thức thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố không làm ảnh hưởng đến định hướng này của trường”.

Không chỉ Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, mà nhiều trường đại học hiện nay cũng đều có xu hướng ổn định trong phương thức tuyển sinh của mình.

Thông tin về phương thức tuyển sinh của Trường Đại học Tây Bắc, Tiến sĩ Đỗ Hồng Đức – Phó Hiệu trưởng phụ trách nhà trường nhận định: “Sự thay đổi của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 hoàn toàn phù hợp với mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giúp giảm tải một số áp lực và cho phép học sinh lựa chọn môn thi thích hợp với định hướng nghề nghiệp của mình. Đặc biệt, thay đổi này sẽ hướng tới sự phù hợp của nhiều đối tượng học sinh khác nhau”.

Chia sẻ về đề án tuyển sinh của trường, vị phó hiệu trưởng này cho biết: Hơn 80% sinh viên của Trường Đại học Tây Bắc là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Đối tượng tuyển sinh mà nhà trường hướng đến cũng là các thí sinh thuộc khu vực trung du và miền núi phía Bắc. Vì thế, bên cạnh việc quan tâm về chất lượng đầu vào, phương thức tuyển sinh của trường cũng được xây dựng sao cho phù hợp với đối tượng tuyển sinh.

Trường Đại học Tây Bắc. (Ảnh: website nhà trường)

Trường Đại học Tây Bắc. (Ảnh: website nhà trường)

“Trong những năm gần đây, Trường Đại học Tây Bắc xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ dựa trên các đầu môn cụ thể, chứ không thường sử dụng điểm của các môn tổ hợp. Vì vậy, tôi cho rằng sự thay đổi trong phương thức thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 không ảnh hưởng gì nhiều đến đề án tuyển sinh của trường.

Trước những thay đổi của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhà trường đương nhiên cũng sẽ có sự cân nhắc về những thay đổi sao cho phù hợp. Nhưng nhìn chung, những thay đổi này là không nhiều, mà chúng tôi sẽ giữ ở mức ổn định, tránh việc thí sinh gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong việc tìm hiểu thông tin” - Phó Hiệu trưởng Đỗ Hồng Đức chia sẻ.

Nói thêm về sự thay đổi này, thầy Đức cho biết, việc đưa môn ngoại ngữ ra khỏi môn thi bắt buộc sẽ giúp các em học sinh có thể lựa chọn môn thi phù hợp với ưu thế của mình, đồng thời gia tăng cơ hội xét tuyển vào đại học của các em. Vì trên thực tế, có những tổ hợp xét tuyển đại học không có môn học này và cũng không phải ngành nghề nào cũng yêu cầu cần có ngoại ngữ.

Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc làm giảm mong muốn và khả năng học ngoại ngữ của học sinh hiện nay; lại càng không ảnh hưởng đến vai trò của môn học này trong việc tuyển sinh của các trường đại học.

Những năm gần đây, bên cạnh việc tuyển sinh thông qua hình thức xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, các trường còn đẩy mạnh xét tuyển thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS, TOEIC,… Ngoài ra, các thí sinh hoàn toàn vẫn có thể lựa chọn Ngoại ngữ làm môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển vào đại học.

Không có việc các trường mở rộng kỳ thi đánh giá riêng

Ngoài phương thức xét tuyển dựa trên kết quả của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, xu hướng trong những năm gần đây, nhiều trường đại học đã tổ chức các kỳ thi riêng, như kỳ thi đánh giá như đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội (HSA), kỳ thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (APT), hay kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội (TSA),… Những kỳ thi này ngày càng giúp các trường tăng sự chủ động của mình trong việc tuyển chọn những thí sinh chất lượng cao.

Từ sự điều chỉnh phương thức thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025, đã có một số ý kiến cho rằng thời gian tới, các trường đại học sẽ đẩy mạnh tuyển sinh bằng các kỳ thi riêng này.

Chia sẻ quan điểm của mình về ý kiến trên, thầy Bùi Đức Triệu cho rằng, trong những năm gần đây, các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy đã được khôi phục và mở rộng. Đó là tin vui cho tất cả thí sinh và các trường, nhất là các trường top đầu.

Điều này cũng phản ánh hướng đi đúng đắn trong quá trình tự chủ đại học, trong đó có tự chủ về tuyển sinh; phản ánh sự đa dạng về các phương thức tuyển sinh nhằm hướng đến chất lượng, hiệu quả. Quyền lựa chọn của thí sinh cũng ngày càng được đề cao.

“Tôi tin sẽ không có việc các trường mở rộng kỳ thi riêng, mà xu hướng sẽ tập trung sử dụng kết quả của một số kỳ thi về đánh giá năng lực, đánh giá tư duy lớn, có độ tin cậy cao, chất lượng tốt như HSA, APT, TSA…”, thầy Triệu nêu quan điểm.

Tuy nhiên, sự thay đổi trong phương thức thi này cũng là động lực để một số kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy đã được định hình, thực hiện từ trước và tiếp tục phát triển, nâng cao chất lượng trong giai đoạn tiếp sau.

Kim Minh Châu