LTS: Việc quản lý tài chính ở nhà trường hiện nay đều do Hiệu trưởng và kế toán quyết định. Vì thế, không ít các vụ việc sai phạm trong thu chi đã bị phát hiện.
Thầy giáo Trung Kiên nêu lên những bất cập trong việc quản lý tài chính và đề xuất một số biện pháp giúp giảm thiểu những tiêu cực trong giáo dục.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
9 năm “quên” chế độ phụ cấp chức vụ tổ trưởng, tổ phó
Thông tư số: 33/2005/TT-BGD&ĐT, ngày 8 tháng 12 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạ hướng dẫn rất cụ thể về việc thực hiện chế độ phụ cấp chức vụ lãnh đạo trong các cơ sở giáo dục công lập.
Trước đó, ở các cơ sở giáo dục công lập (từ bậc mầm non đến bậc Trung học phổ thông) các chức danh tổ trưởng, tổ phó chuyên môn đã từng được tính phụ cấp chức vụ từ mức 0,15 đến 0,25 (tùy theo bậc học).
Mặc dù, nhà trường, các thầy cô giáo thuộc huyện miền núi Sơn Tây (tỉnh Quảng Ngãi) từng nhiều lần, nhiều năm đề nghị lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sơn Tây tính chế độ phụ cấp chức vụ cho số thầy cô giáo đang đảm nhiệm tổ trưởng, tổ phó chuyên môn (theo quy định tại Thông tư 33 năm 2005) nhưng vẫn không được quan tâm, giải quyết (kể cả chế công tác phí khi được cấp trên điều động đi họp hành, tập huấn... theo quy định của Bộ Tài chính, Sở Tài chính Quảng Ngãi).
Nhiều vi phạm về quản lý tài chính đã bị phát hiện tại các nhà trường. Tranh minh họa trên tờ Kiến Thức |
Phải mãi đến năm 2014, chế độ công tác phí, chế độ phụ cấp chức vụ tổ trưởng, tổ phó chuyên môn ở các cơ sở giáo dục thuộc huyện Sơn Tây mới bắt đầu được tính.
Quy định về chế độ phụ cấp chức vụ có hiệu lực từ năm 2005, song mãi tới 9 năm sau mới được tính.
Rõ ràng, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sơn Tây đã thiếu trách nhiệm, không thực hiện đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, gây thiệt thòi và bức xúc trong đội ngũ giáo viên.
Nhiều thầy cô giáo ở đây cho rằng: “Bao nhiêu năm, cấp quản lý giáo dục huyện Sơn Tây đã thực hiện không đúng chế độ phụ cấp chức vụ cho gần hàng trăm thầy, cô giáo thì phải có trách nhiệm hồi phục, thanh toán đủ trong thời gian tới đây.
Không có chuyện “chìm xuồng”, cho qua. Chúng tôi sai, làm không được thì bị hành lên, hành xuống. Còn các vị cấp trên làm sai, không thực hiện đúng thì chẳng bị sao. Thật bất công, vô lý.”
Mỗi địa phương xây dựng một chế độ chi trả khác nhau
Qua phản ánh của các thầy, cô giáo tham gia công tác coi thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2017 tại các Điểm thi, Hội đồng coi thi thì được biết, tình trạng mỗi địa phương có một chế độ bồi dưỡng cho giám thị, cán bộ coi thi khác nhau, tỉnh Hưng Yên: 120.000 đồng/ ngày, tỉnh Bình Định cũng: 120.000 đồng/ ngày, tỉnh Thừa Thiên Huế: 165.000 đồng/ ngày, tỉnh Quảng Nam: 170.000 đồng/ ngày, tỉnh Quảng Ngãi được khá hơn một chút: 210.000 đồng/ ngày.
Thu tiền của sinh viên trái quy định, lãnh đạo nhà trường nói do nhầm lẫn |
Thật lạ, cùng một tính chất công việc như nhau, một kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia thống nhất về thời gian, môn thi… trên phạm vi toàn quốc, thế mà mỗi tỉnh lại có một chế độ, một cách chi trả bồi dưỡng cho cán bộ coi thi không giống nhau.
Khi hỏi ra, mới biết, mỗi địa phương vận dụng văn bản và xây dựng chế độ bồi dưỡng, chi trả cho hoạt động thuộc lĩnh vực giáo dục rất khác nhau.
Về chế độ công tác phí ở một số trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi cũng không đồng bộ, thống nhất.
Giáo viên ở đất liền cùng một địa bàn, cùng một cự ly đi coi thi quốc gia tại huyện đảo Lý Sơn nhưng về trường tính chế độ công tác phí thì từng trường, từng kế toán tính mỗi kiểu; có trường, mỗi người được một triệu mấy, có trường, mỗi người được hai triệu mấy, ba triệu mấy.
Phải trả giá vì lòng tham và kém hiểu biết về tài chính
Báo Dân trí vừa đưa tin, Thanh tra tỉnh Gia Lai đã thanh tra việc thực hiện các quy định về phòng, chống tham nhũng tại Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai.
Theo kết luận thanh tra tỉnh, từ năm 2014 đến năm 2016, đoàn thanh tra tỉnh đã phát hiện nhiều sai phạm trong công tác quản lý, chi tiêu nội bộ của trường Cao đẳng Nghề Gia Lai.
Trường đã khai khống, chi sai mục đích và sử dụng nguồn kinh phí thực hiện chế độ tự chủ để chi không đúng quy định lên tới hơn 700 triệu đồng.
Những sai phạm nêu trên thuộc trách nhiệm của Ban lãnh đạo trường và một số cá nhân, đơn vị liên quan.
Trách nhiệm chính trong việc để xảy ra những sai phạm, hạn chế trong công tác quản lý tài chính thuộc về ông Trần Văn Kiệm (Nguyên hiệu trưởng), Kế toán trưởng Trần Thị Ngọc Quỳnh và các viên chức liên quan thuộc phòng Kế toán của trường.
Sau khi có kết luận, Thanh tra tỉnh đã kiến nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh có văn bản chỉ đạo Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai trên cơ sở kết luận của Thanh tra tỉnh để tổ chức kiểm điểm và đề nghị xử lý trách nhiệm theo quy định đối với cá nhân, đơn vị có liên quan đến sai phạm trong việc làm giá hợp đồng giảng dạy.
Đồng thời thu hồi và nộp ngân sách là 724.349.000 đồng.
Công bố quyết định cách chức Hiệu trưởng “bỏ túi” tiền sữa của học sinh |
Trên báo chí, còn nhiều nữa những vụ việc tiêu cực, tham nhũng liên quan đến các cơ sở giáo dục (từ bậc mầm non đến đại học, cao đẳng) bị các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý trong thời gian qua.
Hình như thanh tra nhà nước “đụng” đến đâu là có “vấn đề” về chuyện quản lý lỏng lẻo, thu chi sai nguyên tắc tài chính… đến đó, tùy vào mức độ ít hay nhiều, nặng hay nhẹ mà thôi.
Toàn là dính líu đến Hiệu trưởng, kế toán, hai con người nắm giữ tất cả tiền bạc, tài chính của đơn vị.
Có Hiệu trưởng, kế toán thông đồng với nhau, cố tình làm trái, tìm mọi cách xà xẻo, bòn rút ngân sách nhà nước.
Có Hiệu trưởng năng lực và hiểu biết quản lý tài chính hạn chế, bị kế toán “xỏ mũi”, điều khiển, dàn xếp mọi thứ… khi bị thanh tra phát hiện, chỉ ra thì đã quá muộn.
Lòng tham và kém hiểu biết khiến nhiều Hiệu trưởng phải trả giá.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp trên và nâng cao nhận thức, kiến thức về quản lý tài sản, tài chính đối với Hiệu trưởng, chủ tài khoản của nhà trường là hai biện pháp khả thi cần được tiến hành song song để giúp Hiệu trưởng làm đúng quy định của pháp luật và giảm thiểu tình trạng tiêu cực, tham ô… gây thiệt hại tiền của ngân sách nhà nước, đồng thời góp phần làm cho môi trường giáo dục được trong lành.