Tham nhũng giáo dục- nhìn từ góc độ nhà trường phổ thông

03/06/2020 06:15
THANH AN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Số tiền tham nhũng trong các trường học dù không quá lớn nhưng nó lại liên quan đến khía cạnh đạo đức con người nên thường bị xã hội lên án, coi khinh.

Nếu so sánh về mức độ những vụ án tham nhũng đã được phanh phui ở các ngành nghề khác trong thời gian qua thì những vụ án tham nhũng ở các nhà trường phổ thông đã bị phát hiện chẳng thấm tháp vào đâu.

Nhưng, cái khác là số tiền tham nhũng trong các trường học dù không quá lớn nhưng nó lại liên quan đến khía cạnh đạo đức con người nên thường bị xã hội lên án, coi khinh.

Bởi, những người tham nhũng trong các nhà trường phần lớn là những nhà giáo- những người đang mang một trọng trách rất lớn là đào tạo con người, hàng ngày rao giảng về đạo đức, nhân cách sống…

Một số hiệu trưởng nhà trường đã vướng vòng lao lý (Ảnh minh họa: Báo Pháp luật Việt Nam)

Một số hiệu trưởng nhà trường đã vướng vòng lao lý

(Ảnh minh họa: Báo Pháp luật Việt Nam)

“Cơ hội” để tham những trong các nhà trường.

Thực tế, lãnh đạo các nhà trường phổ thông không có hội để tham nhũng số tiền nhiều bởi những đầu tư lớn trong nhà trường thì cấp trên đứng ra làm chủ dự án.

Nhưng, nếu hiệu trưởng, kế toán nhà trường có tư tưởng, có lòng tham thì không thiếu cơ hội.

Bởi trường học phải thường xuyên mua sắm văn phòng phẩm, tài liệu, thiết bị dạy học, mua bán đồng phục học trò, vận động xã hội hóa giáo dục.

Nhiều trường lớn, trường điểm thì còn có xảy ra tình trạng chạy trường, chạy lớp, chạy thuyên chuyển công tác, chạy tuyển dụng.

Những trường học bán trú tổ chức bữa ăn cho học trò, những trường dân tộc nội trú có chế độ của nhà nước cấp hàng tháng cho học trò.

Mùa hè, thì trường nào cũng tổ chức sửa chữa hè như: sơn sửa trường lớp, đầu tư những hạng mục xây dựng nhỏ, mua sắm, sửa chữa bàn ghế…

Mỗi thứ một chút, tích tiểu thành đại và một số lãnh đạo, nhân viên kế toán, thủ quỹ nhà trường đã sa vào những cám dỗ của đồng tiền.

Chính vì họ là những người nắm hầu bao của trường học nên những vụ án tham nhũng trong trường học thường liên quan đến hiệu trưởng và kế toán nhà trường- hai nhân vật này có mối quan hệ mật thiết với nhau.

Cơ chế giám sát trong nhà trường…rất hạn chế

Có người nói trong trường học có nhiều tổ chức sao lại để xảy ra tham nhũng được. Nhưng, điểm qua những tổ chức của nhà trường thì tất cả các đầu mối đều quy vào vị hiệu trưởng nhà trường mà thôi.

Chi bộ thì thông thường người làm bí thư chi bộ là hiệu trưởng nhà trường, phó bí thư là phó hiệu trưởng, chi ủy viên là chủ tịch Công đoàn…

Như vậy, người đứng đầu tổ chức Công đoàn rất khó có thể can ngăn dù thấy hiệu trưởng bất minh trong chi tiêu vì mình là cấp dưới.

Đó là chưa nói tới một số trường học thì chủ tịch Công đoàn lại là người thân tín của hiệu trưởng.

Ban thanh tra nhân dân thì gần như không phát huy được vai trò của mình, chủ yếu là bầu cho đủ ban bệ và cuối năm ký vào những chứng từ mà kế toán lật sẵn cho ký.

Giáo viên thì cũng không mấy khi chú ý đến chuyện chi tiêu của nhà trường, phần vì không có nghiệp vụ, phần vì chỉ khi nào liên quan đến quyền lợi của mình mới lên tiếng…

Trong khi, phòng làm việc hiệu trưởng, kế toán thường được bố trí phòng riêng hoặc một góc riêng biệt, máy tính họ cài mật khẩu thì ai dám kiểm tra, giám sát những con số chi tiêu như thế nào.

Hàng quý thì một số nhà trường có công khai tài chính nhưng đó chỉ là những con số tổng của nhiều tháng, giáo viên có đọc cũng chẳng thể nào biết cụ thể như thế nào.

Vậy nên, các tổ chức đoàn thể trong trường rất khó để phát hiện, lên tiếng nếu thấy dấu hiệu tham nhũng khi không có những con số cụ thể, không biết được việc thu chi như thế nào.

Cũng vì vậy, nhiều người làm đơn tố cáo nhưng vì không đủ chứng từ thành ra lại tự hại mình, có người bị kỷ luật, thậm chí mất việc.

Tham nhũng giáo dục không lớn nhưng ai oán lòng người

Thực tế cho thấy những vụ án liên quan đến tiền bạc trong ngành giáo dục ở các địa phương đã được phát hiện trong thời gian qua không quá lớn.

Gần đây nhất là vụ án gian lận điểm thi trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 ở Sơn La cũng chỉ có vài tỉ đồng.

Những vụ án được phát hiện ở các trường học thì cũng chỉ dăm bảy trăm triệu là nhiều, chủ yếu liên quan đến việc bớt xén tiền ăn, chế độ của giáo viên, học trò, tiền xã hội hóa giáo dục…

Nhưng, cái khác lớn nhất là những đồng tiền tham nhũng trong giáo dục nó lại liên quan đến nhiều người, trong đó là tiền của phụ huynh, đồng nghiệp và học trò của mình.

Vì thế, khi nó liên quan đến “miếng cơm, manh áo” của đồng nghiệp hay của học trò thì rất đáng lên án, rất đáng khinh bỉ- nhất là những đồng tiền dùng để mua bán những suất ăn của học trò hàng ngày.

Người xưa nói: “Miếng ăn là miếng nhục” mà ăn của học trò thì không còn cái nhục nào lớn hơn nữa. Tuy nhiên, thời gian qua đã có nhiều hiệu trưởng đã vướng vào lao lý vì cắt xén tiền ăn của học trò.

Trường hợp gần đây nhất là bà Bùi Thị Sơn- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Thành, (Phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) cùng một số cộng sự của mình vừa bị bắt giam.

Nhưng, ai cũng biết trường hợp bà Bùi Thị Sơn- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Thành không phải là trường hợp đầu tiên và chắc chắn cũng chưa phải là cuối cùng…

THANH AN