Ngày 23/12/2021, Bộ Nội vụ ban hành kế hoạch triển khai các nội dung về cải cách chính sách tiền lương trong năm 2022 đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. [1]
Theo đó, Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công xây dựng các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới theo nội dung tại Nghị quyết số 27 khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Ảnh minh họa trên Dangcongsan.vn |
Dự kiến tháng 3/2022 sẽ có dự thảo về lương mới trình Bộ Nội vụ
Trong năm 2022, Bộ Nội vụ sẽ triển khai các bước xây dựng dự thảo nội dung chế độ tiền lương mới dành cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Theo kế hoạch vào tháng 3/2022, đơn vị soạn thảo sẽ trình lãnh đạo Bộ Nội vụ dự thảo Nghị định về chế độ tiền lương mới và dự thảo 12 thông tư liên quan.
Đến tháng 6/2022, dự thảo báo cáo về lộ trình cải cách chính sách tiền lương (sau năm 2022) và nguồn kinh phí cũng sẽ được trình các cấp có thẩm quyền.
Sau khi có ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, dự thảo báo cáo này sẽ được trình Ban cán sự Đảng Chính phủ.
Dự kiến tháng 7/2022, Bộ Nội vụ sẽ báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương để ban này báo cáo Ban Cán sự đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định.
Các cơ quan chức năng sẽ xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn mức hiện hưởng.
Những điểm mới về lương mới theo Nghị quyết 27
Tiền lương mới sẽ thực hiện theo Nghị quyết 27, trong bài viết xin được nêu những điểm mới về lương mới này liên quan đến công chức, viên chức trong đó có giáo viên.
Nghị quyết 27 nêu rõ, từ năm 2021 sẽ áp dụng chế độ tiền lương mới. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch kéo dài, chủ trương trên đã phải lùi lại hai năm liên tiếp.
Ban đầu Trung ương dự kiến lùi thời điểm cải cách tiền lương một năm, tức là từ 1/7/2022 thay vì 1/7/2021. Sau đó các cấp có thẩm quyền tiếp tục quyết định chưa thực hiện trong năm 2022.
Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (khu vực công), thiết kế cơ cấu tiền lương mới gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương); bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).
Các cơ quan chức năng sẽ xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng.
Xin được tóm tắt chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức sẽ có những thay đổi lớn sau:
Thứ nhất, bãi bỏ mức lương cơ sở
Lương mới sẽ bãi bỏ mức lương cơ sở và áp dụng mức lương cụ thể đối với cán bộ, công chức, viên chức; mức lương cụ thể này sẽ được tính căn cứ theo vị trí việc làm của từng đối tượng.
Như vậy, tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức mới sẽ không còn dựa trên mức lương cơ sở như hiện nay sẽ được tính căn cứ theo nhiều yếu tố trong đó có yếu tố là mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp.
Thứ hai, trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm
Đối với bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo sẽ thực hiện theo nguyên tắc: Cùng mức độ phức tạp công việc thì mức lương như nhau; Riêng điều kiện lao động cao hơn bình thường và ưu đãi nghề thì thực hiện theo chế độ phụ cấp theo nghề.
Thứ ba, áp dụng hệ thống bảng lương mới
Theo Nghị quyết này, từ năm 2021 sẽ có 05 bảng lương mới dành cho cán bộ, công chức, viên chức.
Cụ thể: 01 bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo; 01 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo.
03 bảng lương đối với lực lượng vũ trang, gồm: 01 bảng lương sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an (theo chức vụ, chức danh và cấp bậc quân hàm hoặc cấp hàm); 01 bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an; 01 bảng lương công nhân quốc phòng, công nhân công an.
Thứ tư, phụ cấp sẽ chiếm khoảng 30%
Cơ cấu tiền lương mới từ năm 2021 gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương).
Đồng thời, bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).
Thứ năm, sẽ bỏ phụ cấp thâm niên của cán bộ, công chức, viên chức
Khi thực hiện lương mới cũng chính thức bỏ phụ cấp thâm niên nghề trừ một số trường hợp đặc biệt như quân đội, công an, cơ yếu,..
Theo lộ trình thì chắc chắn trong thời gian tới sẽ thực hiện lương mới theo Nghị quyết 27/NQ-TW. Theo đó, giáo viên sẽ không còn hưởng lương theo các hạng (đang gặp nhiều bất cập, bức xúc) như hiện nay.
Gần như chắc chắn sẽ bỏ việc xếp lương theo hạng để tiến tới trả lương cán bộ, công chức viên chức theo vị trí việc làm theo Nghị quyết 27/NQ-TW nên vấn đề thăng hạng, xếp hạng sắp tới sẽ không còn.
Cho nên, người viết rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét cho giáo viên đủ tiêu chuẩn ở hạng nào được hưởng lương ở hạng đó cho phù hợp để chuyển xếp lương từ hạng sang lương mới theo Nghị quyết 27 Trung ương.
Nếu giáo viên đủ tiêu chuẩn ở hạng cao mà bị xếp ở hạng thấp có thể khi chuyển xếp lương mới có thể tiếp tục gặp bất lợi, tiếp tục bức xúc thì khó yên tâm công tác, cống hiến.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/bo-no-i-vu-xay-dung-bang-lu-o-ng-mo-i-cua-ca-n-bo-co-ng-vie-n-chu-c-803713.html
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả.