Hồi hộp chờ đợi Bộ sửa chùm thông tư xếp hạng giáo viên

17/12/2021 08:58
KIM THU
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hàng triệu giáo viên cả nước đang rất hồi hộp chờ đợi lần sửa chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021 về bổ nhiệm xếp lương giáo viên sắp tới.

Sau khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã có yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương sửa đổi các thông tư, quy định liên quan đến xếp hạng chức danh nghề nghiệp, xếp lương cho giáo viên công bằng, không bị thiệt thòi, “thực sự có sự đổi mới về chế độ cho giáo viên”, xếp lương đồng bộ, thống nhất và lưu ý những vấn đề do lịch sử để lại,… và qua phát biểu của đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết Bộ cũng hết sức khẩn trương sửa đổi chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT theo hướng có lợi cho giáo viên.

Có nghĩa là gần như Thông tư 01, 02, 03, 04/2021 chắc chắn sẽ phải sửa đổi không chỉ về việc giảm, bỏ các chứng chỉ theo Nghị định 89/2021/NĐ-CP và còn sẽ sửa đổi nhiều vấn đề gây bức xúc như bổ nhiệm, chuyển xếp lương, thăng hạng, tụt hạng,…

Như vậy, những trường hợp các địa phương chưa triển khai xếp lương theo chùm Thông tư 01, 02, 03, 04 sẽ tiếp tục…chờ, dù hiệu lực của nó đã qua 9 tháng.

Ảnh minh hoạ: Lã Tiến

Ảnh minh hoạ: Lã Tiến

Hầu hết giáo viên đang hưởng lương từ chùm Thông tư hết hiệu lực đã 9 tháng

Khi chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực từ 20/3/2021 thì khi đó chùm Thông tư 20, 21, 22, 23/2021/TTLT-BNV-BGDĐT cũng chính thức hết hiệu lực.

Tại Điều 12. Hiệu lực thi hành và trách nhiệm thi hành của chùm Thông tư 01, 02, 03, 04 có quy định:

“Chùm Thông tư 01, 02, 03, 04 này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 3 năm 2021;

Chùm Thông tư 01, 02, 03, 04 này thay thế Thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16 tháng 9 năm 2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập…”

Căn cứ Điều 151, 154 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 và tại Điều 38 Nghị định 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì “Một văn bản quy phạm pháp luật được xác định là hết hiệu lực khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

Hết thời hạn có hiệu lực đã được quy định cụ thể trong văn bản;

Được thay thế bằng văn bản quy phạm pháp luật mới của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó;…”

Như vậy, đến thời điểm 20/3/2021 thì chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021 chính thức có hiệu lực và đương nhiên các chùm Thông tư 20, 21, 22, 23/2015 cũng hết hiệu lực, không còn giá trị.

Tuy nhiên, hiện nay do việc ban hành chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021 không có hướng dẫn cụ thể cho các địa phương thực hiện và trong quá trình thực hiện gặp nhiều vướng mắc nên hầu hết các địa phương trong cả nước chưa triển khai bổ nhiệm và xếp lương mới cho giáo viên cả nước. Một số ít các địa phương có triển khai, có ra quyết định bổ nhiệm hạng mới nhưng chưa được hưởng lương theo Thông tư mới.

Do vậy, hầu hết giáo viên hiện nay ở các địa phương vẫn hưởng lương từ hạng I đến hạng IV theo chùm Thông tư 20, 21, 22, 23/2015 đã hết hiệu lực từ 20/3/2021.

Điều này về mặt pháp lý thì sẽ không phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Nên có quyết định bãi bỏ Thông tư 01, 02, 03, 04/2021 để thay thế bằng chùm Thông tư mới

Như đã phân tích ở trên, do việc triển khai xếp lương theo Thông tư 01, 02, 03, 04 mới chưa được thực hiện nên giáo viên đang hưởng lương từ những Thông tư hết hiệu lực là chưa phù hợp với các quy định hiện hành.

Do chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021 đang được sửa đổi nên sẽ cần một thời gian để Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và các bộ phận liên quan ban hành dự thảo chùm Thông tư sửa đổi sau đó mới ban hành chính thức và khi chùm Thông tư mới có hiệu lực thì cũng cần một thời gian để triển khai, bổ nhiệm, xếp lương,… nên sẽ cần một thời gian khá dài để được bổ nhiệm, xếp lương theo chùm Thông tư sửa đổi mới.

Nhưng nếu để giáo viên tiếp tục hưởng lương từ chùm Thông tư 20, 21, 22, 23/2015 hết hiệu lực thì không đúng quy định thì tôi cho rằng nên bãi bỏ Thông tư 01, 02, 03, 04 này và sẽ được thay thế bằng chùm Thông tư mới thì có thể là phương án hợp quy định nhất.

Khi bãi bỏ chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021 thì đương nhiên hiệu lực của chùm Thông tư 20, 21, 22, 23/2015 sẽ được duy trì, giáo viên hưởng lương theo chùm Thông tư 20, 21, 22, 23 này không còn sai về mặt pháp lý.

Đương nhiên, khi giáo viên hưởng lương theo chùm Thông tư 20, 21, 22, 23/2015 thì để đảm bảo quyền lợi giáo viên là ngay lập tức các địa phương tổ chức thi, xét thăng hạng giáo viên theo các Thông tư 20, 28, 29/2017/TT-BGDĐT và đến ngày 15/01/2022 thì thi, xét Thăng hạng theo Thông tư 34/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Khi đó giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đã có trình độ đại học hoặc cao hơn được xét, thi để được thăng hạng lên hạng I, II của các cấp học sẽ giải quyết được nhiều bất cập của việc giáo viên không được thi, xét thăng hạng trong thời gian qua, đây cũng là bức xúc lớn của nhiều giáo viên có trình độ đại học, thạc sĩ có nhiều thành tích trong thời gian qua vẫn hưởng lương hạng III, IV theo chùm Thông tư 20, 21, 22, 23/2015.

Theo tôi, để việc chuyển xếp lương mới vừa phải xóa bất cập, bất công vừa thống nhất, đồng bộ, để lương nhà giáo thật sự đổi mới,… như chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và phù hợp quy định pháp luật thì chỉ còn cách bãi bỏ chùm Thông tư 01, 02, 03, 04 và cho giáo viên được thăng hạng theo hạng chức danh nghề nghiệp của chùm Thông tư 20, 21, 22, 23/2015.

Khi đó giáo viên tiểu học, mầm non, trung học cơ sở, trung học phổ thông đủ điều kiện được thăng hạng lên các hạng phù hợp thì đó là cơ sở để thực hiện việc chuyển xếp lương theo chùm Thông tư mới (đang được sửa đổi, lấy ý kiến) thì sẽ phù hợp các quy định của pháp luật hiện hành.

Trong đó tạo điều kiện giáo viên mới tuyển dụng đạt các yêu cầu được đăng ký vào hạng II để đảm bảo quyền lợi giáo viên mới.

Hàng triệu giáo viên cả nước đang rất hồi hộp và chờ đợi lần sửa chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021 về bổ nhiệm xếp lương giáo viên sắp tới nên rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo nhanh chóng hoàn thiện và ban hành dự thảo sửa đổi chùm Thông tư lương mới để mọi người góp ý và khi triển khai thì phải đảm bảo công bằng, hợp lý, có sự đổi mới về lương giáo viên cả nước.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

KIM THU