Thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu tăng giờ giải lao, bỏ xếp hạng cho học sinh

29/05/2019 13:52
Việt Dũng
(GDVN) - Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu tăng giờ giải lao, bỏ xếp hạng cho học sinh ở trong lớp.

Ngày 27/5/2019, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh – ông Lê Thanh Liêm đã ký văn bản 2088/UBND-VX, về thực hiện kết luận của Thường trực Thành ủy tại chương trình lãnh đạo thành phố gặp gỡ thiếu nhi năm 2019.

Theo đó, Thường trực Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có ý kiến chỉ đạo:

Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu nghiên cứu bỏ xếp hạng cho học sinh trong lớp (ảnh minh họa: CTV)
Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu nghiên cứu bỏ xếp hạng cho học sinh trong lớp (ảnh minh họa: CTV)

Giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân 24 quận, huyện: Tổ chức gặp gỡ thiếu nhi của quận vào dịp trước tết Nguyên Đán hàng năm, khắc phục tình trạng bán hàng rong trước cổng trường, miễn phí tiền đò cho học sinh tại huyện Cần Giờ, xây dựng Nhà thiếu nhi quận 6…

Giao Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh: Nghiên cứu thời gian vào lớp buổi sáng quá sớm, tăng giờ nghỉ giải lao cho học sinh, đề nghị nên bỏ xếp hạng trong lớp gây áp lực tâm lý cho học sinh, giảm áp lực thi đua cho giáo viên.

Nghiên cứu, đổi mới cách thức kiểm tra, đề thi cuối học kỳ không chỉ nghiêng về lý thuyết mà nên có kiến thức xã hội.

Tiến hành khảo sát cơ sở vật chất cho phòng hướng nghiệp, phòng thực hành, phòng vi tính trong trường học.

Nghiên cứu, nhân rộng mô hình thư viện thông minh đến các nhà thiếu nhi trên địa bàn thành phố, phối hợp với Đài Truyền hình thành phố xây dựng kênh truyền hình giáo dục, kênh hoạt động Đội cho học sinh, có chính sách hỗ trợ cho học sinh khó khăn có cơ hội tham gia mô hình giáo dục STEAM, nghiên cứu giảm mức chi phí học ngoại ngữ ở các trường.

Tổ chức quyên góp sách cũ, đồ dùng học tập cho học sinh vùng sâu, vùng xa, quan tâm nước sạch cho nhà vệ sinh ở trường học. Tuyên truyền chống xâm hại trẻ em cho học sinh, ngăn chặn và xử lý nghiêm bạo lực học đường.

Việt Dũng