Thanh tra nhân dân hay thanh tra của ai?

09/08/2018 06:21
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Vì thế, ban thanh tra nhân dân là bù nhìn trong trường học, không hơn không kém. "Ban thanh tra nhân dân” phải gọi chính xác là “ban chỉ thanh tra nhân dân".

LTS: Cùng với những đổi mới của công tác thanh tra giáo dục, hoạt động của ban thanh tra nhân dân trong các trường học cũng cần phải được nâng cao và hoàn thiện.

Từ đó, chia sẻ về vai trò, trách nhiệm của ban thanh tra nhân dân trong các trường học hiện nay, tác giả Sơn Quang Huyến đã có bài viết.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Năm học mới cận kề, các nhà trường đã có kế hoạch năm học, trong đó không thể thiếu là bầu lại ban thanh tra nhân dân, công đoàn hết nhiệm kỳ trong đại hội công chức năm học.

Ban thanh tra nhân dân, công đoàn không phải tổ chức đối lập với hiệu trưởng, mà là bộ phận tham mưu, kiểm tra, để giúp hiệu trưởng điều hành hoạt động của nhà trường đạt kế hoạch theo nghị quyết đầu năm, đúng hiến pháp và pháp luật.

Nếu hiệu trưởng thực hiện điều hành hoạt động của nhà trường đúng pháp luật, hoạt động của ban thanh tra nhân dân, công đoàn có thể nói không cần thiết.

Thế nhưng không biết bao nhiêu hiệu trưởng tự cho mình là “vua con”, điều hành nhà trường theo ý mình, của mình.

Hoạt động thanh tra, giám sát trong nhà trường (Ảnh minh họa: vtc.vn).
Hoạt động thanh tra, giám sát trong nhà trường (Ảnh minh họa: vtc.vn).

Phần lớn thành viên của hai bộ phận này là đảng viên, đều được cơ cấu qua các cuộc họp chi bộ trước, sau đó giới thiệu nhân sự qua cuộc họp hội đồng để đảm bảo tính dân chủ.

Trong chi bộ trường học, hiện nay hiệu trưởng kiêm bí thư. Vì vậy việc hiệu trưởng nào, Ban đại diện cha mẹ học sinh, công đoàn, ban thanh tra nhân dân đó.

Thanh tra nhân dân hoạt động dựa trên nghị định 156/2016/NĐ-CP và hướng dẫn 1271/HD-TLĐ ngày 7/8/2017.

Thế nhưng ban thanh tra nhân dân khó mà công khai, minh bạch, dân chủ được.

Bên cạnh yêu cầu của giáo viên, các hoạt động của nhà trường phải được giám sát, là “quyền lợi đối lập” của hiệu trưởng và kế toán.

Nhiều người véo một người thì đau, một người véo nhiều người thì không đau, vì thế “quyền lợi của hiệu trưởng” phải được ưu tiên trong mọi trường hợp.

Thanh tra đứng giữa đôi đường, quyền rơm không có thật, vạ đá thì liền kề, 99,99% ban thanh tra nhân dân đều hoạt động phục vụ cho kế hoạch của hiệu trưởng.

Thanh tra nhân dân hay thanh tra của ai? ảnh 2Ban thanh tra nhân dân không phải là tổ chức kiểm soát, đối lập với lãnh đạo

Nếu kiểm tra, giám sát lĩnh vực tài chính, thì đụng đâu sai đó, không nói nhưng bất cứ giáo viên nào cũng biết.

Nhưng, không có ban thanh tra nhân dân đơn vị nào lôi được hiệu trưởng tham nhũng ra ánh sáng.

Ban thanh tra nhân dân không có chức trách nhiệm vụ thanh tra tài chính, nhưng có chức trách, nghĩa vụ kiểm tra các hoạt động tài chính có đúng sự thật không? Các hóa đơn, chứng từ có thực sự chi không? Hay là hóa đơn khống.

Câu trả lời củabBan thanh tra nhân dân với giáo viên là: không có năng lực nghiệp vụ tài chính, thầy cô thông cảm cho chúng em yên thân, kẻo họ kiện ngược thì chúng em mất việc.

Thế nhưng, khi có giáo viên nào “chướng tai, gai mắt”, hiệu trưởng yêu cầu ban thanh tra nhân dân thanh tra giám sát, lúc đó mới thấy được “vai trò, trách nhiệm” của ban thanh tra nhân dân được đánh thức.

Mặt khác, ban thanh tra nhân dân muốn kiểm tra, giám sát, phải được sự đồng ý của ban chấp hành công đoàn. Công đoàn cũng chỉ là bộ phận đắc lực trợ giúp hiệu trưởng “hoàn thành nhiệm vụ”.

Vì thế, ban thanh tra nhân dân là bù nhìn trong trường học, không hơn không kém. "Ban thanh tra nhân dân” phải gọi chính xác là “ban chỉ thanh tra nhân dân”.

Để thực sự hoạt động của ban thanh tra nhân dân có hiệu quả như vai trò, nhiệm vụ của nó, khâu tuyển chọn nhân sự tuyệt đối không được cơ cấu từ cuộc họp chi bộ, mà phải thực hiện theo Huong-dan-1271-HD-TLD-2017-cong-doan-hoat-dong-Ban-Thanh-tra-nhan-dan-159-2016-ND-CP-359154, không bắt buộc thành viên ban thanh tra nhân dân phải là đảng viên.

Giáo viên trong nhà trường phải có chính kiến, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ người trung thực, chỉ bầu chọn người trung thực, thẳng thắn, hiểu biết vào Ban thanh tra nhân dân.

Thanh tra nhân dân hay thanh tra của ai? ảnh 3Thanh tra nhân dân, bù nhìn hay chỗ dựa?

Tập thể sư phạm đừng để người trung thực phải chịu cảnh “người ngay giữa đảo gù”, “cô lập” người dám bảo vệ công lý.

Nhà nước cần có văn bản pháp quy, quy định hoạt động tài chính trong trường học công khai hàng tháng, hàng quý. Mọi hoạt động xây dựng, sửa chữa đó đều phải có chiết tính cụ thể.

Các hình thức “xã hội hóa, tự nguyện” cũng phải được kiểm soát chặt chẽ như nguồn ngân sách của đơn vị; có công khai thu, chi đúng mục đích ban đầu của nó.

Mọi hoạt động trong nhà trường phải thật sự dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, ban thanh tra nhân dân phải được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để giám sát.

Hoạt động của ban thanh tra nhân dân không đặt trực tiếp dưới quyền chỉ đạo của hiệu trưởng, hàng tháng, hàng quý phải có báo cáo giám sát với người lao động.

Khi hoạt động tài chính nói riêng và hoạt động giáo dục nói chung buộc phải công khai, minh bạch, bệnh lạm thu chắc chắn giảm, dù “thanh tra của hiệu trưởng”, tham nhũng cũng phải chùn bước.

Đẩy lùi bóng tối, đơn giản nhất là đưa ra ánh sáng, chống tiêu cực trong trường học cũng vậy.

Mọi hoạt động giáo dục được công khai hóa, môi trường sư phạm mới thực sự dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm. Học sinh học trong môi trường đó, thật sự là môi trường giáo dục!

Tư liệu tham khảo:

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Huong-dan-1271-HD-TLD-2017-cong-doan-hoat-dong-Ban-Thanh-tra-nhan-dan-159-2016-ND-CP-359154.aspx

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Nghi-dinh-159-2016-ND-CP-huong-dan-Luat-thanh-tra-ve-to-chuc-va-hoat-dong-cua-Ban-thanh-tra-nhan-dan-332521.aspx

Sơn Quang Huyến