Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến cho Dự thảo Nghị định quy định chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo và cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, học sinh hưởng chính sách (gọi tắt là dự thảo).
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Vương Xuân Thuận - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn) cho biết, dự thảo có nhiều điểm thay đổi so với Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT của Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn một số chế độ tài chính đối với học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú và các trường dự bị đại học dân tộc.
Học sinh Trường Trung học phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Lạng Sơn. Nguồn: NVCC. |
Cô Thuận thông tin, dự thảo dự kiến tăng chi phí tổ chức Tết Nguyên đán, Tết dân tộc (nếu có) lên thành 180.000 đồng/học sinh/lần ở lại trường thay vì trước kia mức hỗ trợ là 50.000 đồng/học sinh/lần ở lại. Như mọi năm các thầy cô trong trường đều trao đổi, thống nhất tự bỏ tiền túi góp thêm kinh phí để tổ chức ngày Tết cho các em. Còn với mức dự kiến này, học sinh sẽ có những mâm cơm Tết đủ đầy, đa dạng món ăn cũng như những hoạt động mừng lễ tết.
Về các mục như sức khỏe, dự thảo nêu rõ mức kinh phí cụ thể là 15% mức lương cơ sở/học sinh/năm học thay cho Thông tư cũ chỉ ghi chung chung. Hay như chi phí mua sắm bổ sung, sửa chữa dụng cụ nhà ăn, nhà bếp bằng 10% mức lương cơ sở/học sinh/năm học cải tiến hơn Thông tư cũ ghi cố định là 50.000 đồng/học sinh/năm.
Cũng theo cô Thuận, bản dự thảo vẫn còn một vài điểm nên bổ sung để phù hợp với tình hình thực tế.
Thứ nhất, ở dự thảo hiện nay chưa có mục khen thưởng cho học sinh Khá, chỉ có khen thưởng cho học sinh Xuất sắc và Giỏi. Để động viên, khích lệ tinh thần học tập của nên bổ sung thêm mục khen thưởng cho học sinh Khá với số tiền là 400.000 đồng, tương đương với mức thưởng trong Thông tư 109.
Thứ hai, dự thảo có nêu mỗi cấp học, học sinh được cấp một lần bằng hiện vật: Chăn, màn, chiếu, gối và các đồ dùng cá nhân khác, hai bộ quần áo đồng phục và học phẩm. Tuy nhiên các nội dung đều ghi chung chung, không ghi cụ thể số hiện vật được hỗ trợ là gì. Chẳng hạn như đồng phục không rõ là quần áo cộc tay hay áo khoác bông ấm vào mùa đông. Hoặc như ở phần học phẩm dự kiến cũng không ghi rõ là những đồ vật nào nằm trong diện hỗ trợ.
Thứ ba, ở vùng núi và cũng là nơi đặc biệt khó khăn nên môi trường sống còn nhiều côn trùng, sâu bọ, đặc biệt vào mùa hè rất nhiều ruồi, muỗi, chuột...gây ra các bệnh như sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản,... Việc bổ sung hỗ trợ một khoản kinh phí sẽ giúp các trường học định kỳ phun thuốc diệt ruồi muỗi, phòng chống dịch bệnh.
Thứ tư, với điểm mới hỗ trợ gạo dự kiến sẽ giúp đỡ các em học sinh có những bữa cơm đủ chất dinh dưỡng hơn. Dự thảo hiện hỗ trợ học sinh 15kg gạo/1 tháng và hưởng không quá 9 tháng/năm học nhưng chưa sát thực tế, do học sinh cuối cấp trung học phổ thông còn ôn thi tốt nghiệp. Vì thế cần bổ sung thêm thời gian hưởng hỗ trợ của đối tượng này cho đến khi hoàn thành kỳ thi.
Còn về phía Trường Trung học cơ sở Nậm Cang (huyện SaPa, tỉnh Lào Cai), thầy Nguyễn Văn Đại - Hiệu trưởng của trường cho hay các mức hỗ trợ dự kiến có nhiều mục thay đổi, góp phần chia sẻ khó khăn với học sinh cũng như các cơ sở giáo dục. Về vấn đề hỗ trợ gạo, nhà trường có kho dự trữ theo tiêu chuẩn nên việc nhận và bảo quản gạo không gặp khó khăn như các trường học khác.
Trước ý kiến cho rằng, hỗ trợ tiền ăn bán trú cho học trò nên chuyển thành hỗ trợ theo mức lương cơ sở thay vì ấn định luôn là 900.000 đồng/ 1 tháng và hưởng không quá 9 tháng/năm học. Thầy Đại hoàn toàn đồng ý và cho rằng Nghị định sẽ áp dụng cho nhiều năm sau, trong khi đó hàng năm vật giá đều tăng cũng như mức lương cơ sở có thay đổi. Nếu ghi số tiền cụ thể thì những năm sau mức hỗ trợ không còn hợp lý nữa.
Ngoài ra, ở dự thảo này có bổ sung thêm đối tượng trẻ mầm non, nhà trẻ vùng đặc biệt khó khăn được hưởng hỗ trợ, cô Lý Thị Hoài Vân - Hiệu trưởng Trường mầm non số 1 xã Lùng Thẩn (huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai) phấn khởi cho hay:
Trường hiện nay có 297 học sinh, 100% các em là người dân tộc Mông. Nếu theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP thì trẻ em mầm non không được hỗ trợ, với tình hình khó khăn chung nên nhiều gia đình không đủ kinh tế cho các em đến trường. Các thầy cô thường xuyên phải vận động gia đình cho con em đi học, ra lớp. Nếu được hỗ trợ các khoản như trong dự thảo sẽ giúp đỡ các em ra lớp đầy đủ cũng như đảm bảo được chất lượng học tập do gia đình không phải lo về chi phí.
Giờ học kể chuyện của trẻ em mầm non số 1 xã Lùng Thẩn (huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai). Nguồn: Website nhà trường. |
Vị Hiệu trưởng cũng mong muốn bổ sung thêm phương thức thanh toán bằng hóa đơn mua nước. Nếu Nhà nước chỉ hỗ trợ dựa trên m3 nước thì hiện nay các điểm trường không đáp ứng được do không có đồng hồ đo. Thực tế, các điểm trường đều phải dòng nước từ nhà dân về các bể chứa và thanh toán theo tháng. Trung bình tiền nước mỗi tháng là 500.000 đồng đủ dùng cho 2-3 điểm trường/1 tháng.
Trường mầm non số 1 xã Lùng Thẩn hiện có 8 điểm trường lẻ, nơi xa nhất cách trung tâm thị trấn 13km, có khoảng 5-6km phải đi bộ do đường xấu, nguy hiểm. Điểm trường ít học sinh nhất khoảng 10-11 học sinh. Vì quá ít học sinh cũng như chi phí thuê người làm cố định cao nên cho đến nay trường đều thuê tạm thời người dân xung quanh nấu từng bữa hoặc các thầy cô đứng lớp thay phiên hỗ trợ lẫn nhau nấu cơm cho trẻ.
Vì vậy phía trường học mong muốn bổ sung thêm phần hỗ trợ cho nhân viên nấu ăn do hiện tại dự thảo chỉ có hỗ trợ kinh phí để thực hiện quản lý trẻ em nhà trẻ bán trú buổi trưa theo định mức là 700.000 đồng/tháng/nhóm trẻ em nhà trẻ và được hưởng không quá 9 tháng/năm học. Việc bổ sung nội dung này sẽ giúp nhà trường thuê được người chuẩn bị bữa ăn bán trú cho các em, từ đó phần nào giảm tải bớt khối lượng công việc với các thầy cô đứng lớp ở vùng cao, cũng như đảm bảo được các bữa ăn dinh dưỡng cho học sinh mầm non.