Vì sao nhiều giáo viên ở Quảng Trị sẵn sàng viết đơn tình nguyện luân chuyển?

07/09/2023 06:32
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các giáo viên viết đơn tình nguyện luân chuyển về vùng khó dạy học đã giúp Quảng Trị khắc phục tình trạng thừa thiếu đội ngũ cục bộ

Từ nhiều năm nay, Quảng Trị là một trong những địa phương có giáo viên viết đơn tình nguyện luân chuyển lên vùng cao dạy học. Việc này đã giúp Quảng Trị khắc phục tình trạng thiếu giáo viên cục bộ tại các huyện miền núi.

Để tìm hiểu việc giáo viên tự nguyện viết đơn xin luân chuyển lên vùng cao, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có trao đổi với Tiến sĩ Lê Thị Hương – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị cho biết, bước vào năm học 2023 - 2024, ngành Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị đã chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chương trình giáo dục, trong đó, tập trung chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 từ cơ sở vật chất đến đội ngũ giáo viên.

Theo thông tin từ lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị, trước ngày khai giảng, ngành Giáo dục Quảng Trị đã cơ bản hoàn thành việc bố trí đội ngũ đầu năm học.

Tính đến đầu năm học 2023- 2024, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị đã quyết định cho 20 giáo viên điều động luân phiên trong đó có 18 giáo viên có đơn tình nguyện; bố trí tiếp tục kéo dài thời gian công tác cho 05 giáo viên.

Có 06 thầy cô sau khi hết thời hạn luân chuyển, đã tình nguyện ở lại công tác lâu dài tại đơn vị đến để chia sẻ khó khăn của ngành; có 22 giáo viên hết thời hạn điều động luân chuyển nay trở về đơn vị cũ.

Tất cả thầy cô đã hoàn thành nhiệm vụ, tình nguyện công tác nhiều năm, hết lòng với nghề, thương yêu học sinh và trách nhiệm với ngành.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị gặp mặt động viên, trao quyết định điều động luân chuyển cho các thầy cô giáo lên vùng cao dạy học. Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị gặp mặt động viên, trao quyết định điều động luân chuyển cho các thầy cô giáo lên vùng cao dạy học. Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị

Trước đó, năm học 2022 – 2023, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị cũng đã tiến hành luân chuyển 27 giáo viên trong đó có 25 giáo viên viết đơn tình nguyện đến những vùng khó khăn dạy học.

Đánh giá về các thầy cô viết đơn tình nguyện lên vùng cao dạy học, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị cho rằng:

“Giáo viên vừa chia sẻ khó khăn với ngành, vừa sẵn sàng chấp hành điều động. Điều đó thể hiện tấm lòng, tình cảm của thầy cô với tinh thần “Tất cả vì học sinh thân yêu”, vì sự phát triển của ngành, đặc biệt với nhiệm vụ triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Lãnh đạo ngành Giáo dục và Đào tạo luôn trân trọng sự cống hiến của đội ngũ thầy cô”.

Chia sẻ về cách làm của Quảng Trị giúp các thầy cô hiểu và sẵn sàng viết đơn tình nguyện chung tay góp phần khắc phục khó khăn của ngành giáo dục tỉnh nhà, Tiến sĩ Lê Thị Hương cho biết:

Một số năm trở lại đây, tuyển dụng giáo viên gắn với tinh giản biên chế nên khó khăn trong bổ sung mới giáo viên. Trong khi đó, chương trình giáo dục phổ thông mới đặt ra “bài toán” rất khó giải về đội ngũ cho các trường và cho ngành giáo dục.

Chính vì vậy việc luân chuyển giáo viên là một trong những giải pháp quan trọng trước mắt để tháo gỡ khó khăn của ngành.

Để thầy cô có thể sẵn sàng viết đơn tình nguyện, trước hết, ngành Giáo dục Quảng Trị đã có nhiều chia sẻ để các thầy, cô giáo hiểu khó khăn, bất cập của ngành.

Thực tế, trong những năm đầu vận động thầy cô giáo vùng thuận lợi luân chuyển lên vùng cao dạy học gặp rất nhiều khó khăn vì hầu hết đều có tâm lý muốn ổn định tại cơ sở trường học và không muốn luân chuyển. Khi đó, Sở Giáo dục và Đào tạo cố gắng làm công tác tuyên truyền vận động để dần dần giáo viên cũng hiểu nên nhận được sự đồng thuận.

Việc khen thưởng, động viên kịp thời và có chính sách đúng đắn đã giúp các giáo viên đi vùng cao dạy học yên tâm cống hiến, chung tay tháo gỡ khó khăn cho Ngành. Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị

Việc khen thưởng, động viên kịp thời và có chính sách đúng đắn đã giúp các giáo viên đi vùng cao dạy học yên tâm cống hiến, chung tay tháo gỡ khó khăn cho Ngành. Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị

Song song với việc chia sẻ, tuyên truyền, vận động giáo viên hiểu được mục đích của việc điều động giáo viên, ngành Giáo dục Quảng Trị cũng đã quán triệt với tất cả hiệu trưởng các trường về chủ trương này và giao ngay chỉ tiêu ngay từ tháng 7, tháng 8 hàng năm để các hiệu trưởng về làm việc với giáo viên.

Một trong những kinh nghiệm của Quảng Trị cho thấy, khi phổ biến chính sách của ngành thì vấn đề chính nằm ở truyền đạt của hiệu trưởng tới giáo viên.

Bởi, nếu hiệu trưởng quán triệt tốt thì giáo viên sẽ hiểu thấu và việc điều động không gặp nhiều khó khăn nhưng nếu hiệu trưởng truyền đạt không thấu đáo khiến giáo viên hiểu chưa đầy đủ, lúc đó việc điều động gặp khó.

Trước đây, giao chỉ tiêu cũng rất gượng ép nhưng 2 năm trở lại đây, giáo viên hiểu nên giờ đây đã có đơn tình nguyện và sẵn sàng lên vùng cao dạy học.

Bên cạnh tuyên truyền, Sở cũng gặp mặt, động viên và tổ chức trao quyết định cho từng thầy cô. Ngành cũng đã cân đối và dành ra một khoản kinh phí nho nhỏ để động viên các cô thầy đồng thời ghi nhận ý kiến của các thầy cô khi đi biệt phái, luân chuyển. Ngoài ra, rất nhiều ý kiến của các cô thầy được ngành Giáo dục tiếp thu và vận dụng.

Ví như ý kiến của thầy cô về chế độ cho giáo viên dạy liên trường khi đi biệt phái… Đây là những ý kiến rất xác đáng và được ngành Giáo dục ghi nhận, đồng thời có đề xuất với các cơ quan ban ngành.

Đặc biệt, với các thầy cô có đơn tình nguyện đi luân chuyển, ngành Giáo dục Quảng Trị có chính sách ưu tiên trong xét thi đua khen thưởng, đặc cách rút ngắn thời gian nâng lương trước thời hạn... cùng nhiều chế độ khác đảm bảo cho giáo viên luân chuyển lên vùng cao bớt thiệt thòi", Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị cho biết.

Chính vì giáo viên hiểu khó khăn cho ngành Giáo dục và đồng thời ngành Giáo dục của tỉnh nhà cũng đảm bảo các chế độ cho giáo viên khi phải luân chuyển điều động lên vùng khó khăn nên từ vài năm trở lại đây, việc luân chuyển giáo viên ở Quảng Trị diễn ra rất nhẹ nhàng.

Thậm chí đã có giáo viên tình nguyện ở lại công tác hẳn vùng khó khăn. Nhiều giáo viên còn cho biết nếu họ biết sớm hơn họ sẵn sàng đi sớm chứ không để năm này qua năm khác mới viết đơn đi.

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị, năm học 2023-2024, toàn tỉnh Quảng Trị có 398 trường học với 177.617 học sinh, trong đó tuyển mới 42.748 học sinh. Toàn ngành hiện có 13.204 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Ở năm học mới này, theo vị trí việc làm, thì ngành giáo dục đang thiếu 538 người, riêng giáo viên mầm non thiếu 236, giáo viên tiểu học thiếu 112, giáo viên trung học cơ sở thiếu 114…

Để khắc phục khó khăn trên, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đang rà soát biên chế và cơ cấu đội ngũ các đơn vị để triển khai thực hiện việc điều động, luân chuyển, biệt phái viên chức từ đơn vị thừa sang đơn vị thiếu, đồng thời tuyển dụng, bố trí đủ giáo viên cho các trường học.

Trần Phương