Thầy cô cần làm gì để góp sức trong chiến dịch phòng chống dịch bệnh?

02/04/2020 06:23
Mai Hoa
(GDVN) - Chính thầy cô đang góp phần tích cực giúp các em tránh xa sự tiêm nhiễm độc hại mà mạng xã hội mang lại để trở thành những người đọc thông thái.

Trong lúc cả nước đang phải căng mình chống dịch thì trên mạng xã hội lại luôn phát tán khá nhiều tin đồn thất thiệt gây lo lắng, hoang mang cho biết bao người.

Giáo viên Đ.Q.T. đã bị triệu tập làm việc và xử phạt do những hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên Facebook. (Ảnh: CQCA Báo Pháp Luật Xã hội).
Giáo viên Đ.Q.T. đã bị triệu tập làm việc và xử phạt do những hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên Facebook. (Ảnh: CQCA Báo Pháp Luật Xã hội).

Nguy hiểm nhất, những tin giả, những tin đồn thất thiệt ấy lại được chính những thầy cô giáo chia sẻ, bấm thích.

Vì thế, đã có không ít người đọc là học sinh, là phụ huynh luôn đặt niềm tin vào thầy cô đã tin chắc rằng đó chính là những nguồn tin đáng tin cậy.

Và, những chia sẻ ngày một nhiều mang ảnh hưởng xấu đến đời sống, đến niềm tin của người dân trong xã hội.

Một số vụ tung tin thất thiệt của giáo viên

Chiều 11/2, thông tin từ Ủy ban nhân dân huyện Tương Dương (Nghệ An) cho biết, huyện này vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Quang D. (35 tuổi, giáo viên tại một trường trung học cơ sở trên địa bàn huyện Tương Dương) số tiền 12,5 triệu đồng vì đăng tin sai sự thật trên mạng xã hội.

Ngày 13/2, nữ giáo viên một trường cấp 2 ở Cà Mau loan tin thất thiệt về virus Covid-19 nên bị phạt hành chính 10 triệu đồng.

Thầy cô cần làm gì để góp sức trong chiến dịch phòng chống dịch bệnh? ảnh 2
Tung tin bịa đặt, chơi dao sắc có ngày đứt tay*

Cô H. dùng tài khoản cá nhân tên Lexuanhuynh đăng thông tin về việc một người bị sốt.

Kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện tỉnh Cà Mau cho thấy người này dương tính với virus Covid-19.

Sau khi phát hiện thông tin của cô H., Sở Y tế Cà Mau xác minh, khẳng định tỉnh này chưa có trường hợp nào dương tính với virus Covid-19. 

Ngày 25/3, trang Facebook “Trong Dao” đưa thông tin sai sự thật về dịch Covid-19 với nội dung: “Như vậy, Hà Tĩnh đã có trường hợp thứ 2...?” gây hoang mang dư luận.

Đến tối ngày 28/3, tài khoản Facebook này tiếp tục đã đăng tải nội dung bôi bác, xúc phạm tổ chức, kèm theo hình ảnh Đại hội xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An.

Sau đó, các cơ quan chức năng đã làm rõ Facebook trên là của ông Đào Quốc T. (SN 1978, giáo viên Trường Trung học phổ thông Hương Sơn, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh).

Trước nay, nhiều người vẫn luôn đặt niềm tin vào giáo viên. Khi đọc được những thông tin trên trang của các thầy cô, chắc chắn sẽ có nhiều người cho đó là tin thật.

Họ sẽ chẳng ngần ngại gì để không chia sẻ nơi này nơi khác. Đây cũng chính là con đường nhanh nhất để những tin độc hại lan nhanh trong cộng đồng.

Giáo viên cần làm gì để góp phần trong chiến dịch phòng chống dịch bệnh?

Facebook của các thầy cô giáo luôn có khá nhiều bạn bè là đồng nghiệp, là học sinh và phụ huynh kết bạn.

Thầy cô cần làm gì để góp sức trong chiến dịch phòng chống dịch bệnh? ảnh 3
Bài học lớn cho một giáo viên đưa thông tin thất thiệt

Một bài viết, một hình ảnh hay một dòng trạng thái, thậm chí là một nút like của thầy cô cũng luôn được mọi người chú ý. Bởi thế, khi có hành động gì trên mạng xã hội, nhà giáo vẫn luôn là những người phải cẩn trọng nhất.

Giai đoạn này, dịch bệnh đang có nhiều diễn biến phức tạp. Nhiều thông tin thất thiệt của không ít kẻ xấu lợi dụng lòng tin của nhiều người nhằm bôi xấu chế độ, mạt sát cán bộ, gây hoang mang, làm mất niềm tin, mất đoàn kết giữa người dân với chính quyền.

Bởi thế, vai trò của thầy cô giáo trong giai đoạn cả nước đang dốc lòng chống giặc “Cô vy” là hết sức quan trọng.

Học sinh ở bậc tiểu học và trung học cơ sở hay những phụ huynh vùng rẻo cao nơi dân trí còn thấp càng cần hơn bao giờ hết việc tuyên truyền, định hướng của giáo viên.

Ngoài việc thầy cô phải luôn giữ vững hình ảnh tốt về người thầy trong xã hội còn phải là một tuyên truyền viên tích cực để giúp các em học sinh hiểu đúng hơn những chủ trương, đường lối chính sách, pháp luật của nhà nước nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những việc xấu xảy ra.

Đó là việc giáo dục học sinh nâng cao nhận thức của người sử dụng mạng xã hội một cách sáng suốt.

Biết đọc và chắt lọc thông tin một cách tỉnh táo. Biết kiểm chứng thông tin thật giả thông qua các tờ báo, các bản tin chính thống đã được nhà nước công nhận.

Không chia sẻ, like những bài viết trái quan điểm đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước.

Đồng thời thầy cô phải cho các em hiểu vì sao lại không nên làm thế? Nếu cứ chia sẻ một cách thoải mái gặp phải tin bài xấu thì hậu quả sẽ thế nào?

Bằng kinh nghiệm của mình, thầy cô hãy giúp các em biết so sánh nhiều nguồn khác nhau để biết được thông tin mình đang quan tâm có đúng hay không, từ đó mới có những ứng xử phù hợp.

Một học sinh hiểu sẽ có mười em khác hiểu theo và số lượng này sẽ được nhân với cấp số nhân.

Nhờ thế chính thầy cô đang góp phần tích cực giúp các em tránh xa sự tiêm nhiễm độc hại mà mạng xã hội mang lại để trở thành những người đọc thông thái.

Tài liệu tham khảo:

https://news.zing.vn/loan-tin-that-thiet-ve-virus-corona-co-giao-bi-phat-10-trieu-post1046765.html

https://dantri.com.vn/xa-hoi/thay-giao-bi-phat-10-trieu-dong-vi-dua-tin-xuc-pham-to-chuc-va-sai-su-that-20200329195954614.htm?fbclid=IwAR1wXG88VC7yEDjRH162jqfseV1aeyr0whMxoNA3W3pIaozjWNFbLFLTlYc

https://thanhnien.vn/thoi-su/mot-giao-vien-o-nghe-an-bi-phat-125-trieu-dong-vi-dang-tin-that-thiet-ve-ncov-1181603.html

Mai Hoa