Tại một dãy phố ở Hà Nội, giá khẩu trang y tế (loại dùng một lần) liên tục nhảy múa: "40 nghìn đồng/hộp 10 chiếc", "60 nghìn đồng/hộp 10 chiếc", "75 nghìn đồng/hộp 20 chiếc"... những cửa hàng chỉ cách nhau vài bước chân và giá bán khẩu trang tăng gấp 4-6 lần bình thường. Hàng vạn người dân ngán ngẩm khi bị móc túi công khai, còn người bán thì hả hê vì kiếm được món hời.
Họ chấp nhận trả tiền gấp vài lần để mua được khẩu trang cho gia đình, một phần cũng vì sự sợ hãi vô hình về dịch viêm phổi cấp đang bị tung tin giả mạo trên mạng xã hội làm phức tạp tình hình.
Trên các shop online, khẩu trang y tế cũng là mặt hàng đang “cháy” và loạn đủ loại giá, dù là giá mua gom, giá hữu nghị, giá người nhà hay là giá chịu lỗ, nhưng đều từ 5 nghìn đồng/chiếc.
Giá khẩu trang được đẩy vô tội vạ, tăng giá theo giờ. Ảnh chụp màn hình. |
Không chỉ Hà Nội, tại nhiều tỉnh, thành phố lớn hoặc những nơi xa xôi, khi nghe nhiễu loạn thông tin, người ta cũng bắt đầu tăng giá bán khẩu trang.
Buôn bán khẩu trang đang thành một thứ hàng tưởng như khan hiếm. Từ đó, thứ cơ hội mới được sinh ra từ sợ hãi. Những nỗi sợ hãi đã bị những kẻ trục lợi biến thành tiền.
Kinh doanh nỗi sợ hãi, trục lợi từ sự hoang mang của công chúng thậm chí còn trở thành một chiêu thức mảketing vô đạo đức - lợi dụng sự lo sợ của cộng đồng. Trong lúc này các cơ quan chức năng đang ra sức nỗ lực chống dịch và đang nhanh chóng sản xuất thêm khẩu trang phục vụ nhân dân (có nhiều điểm phát khẩu trang miễn phí), nhưng vì cần số lượng lớn nên phải có thêm thời gian để sản xuất.
Thủ tướng tiếp tục chỉ thị tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Corona |
Không còn là chuyện ở thành phố Vũ Hán xa xôi hay ở nơi nào đó nữa virus corona đã trở thành chuyện của mỗi chúng ta, sau khi thông tin 3 người Việt đầu tiên dương tính với virus này được công khai vào ngày 30/1.
Và thế là một nỗi sợ hãi, hoang mang bao trùm không ít người, họ đổ xô đi mua khẩu trang y tế, nước rửa tay, nước sát trùng.
Và thế là khan hàng, và thế là tăng giá.
Nhưng tăng mấy thì tăng, người ta vẫn cứ phải mua, nếu muốn phòng vệ cho bản thân và gia đình. Không ít kẻ đã kiếm được đôi chút khi biết tận dụng sự sợ hãi của người khác.
Những kẻ ấy đang đi ngược lại lợi ích của cộng đồng, trục lợi bằng sự vô cảm.
Cảnh tượng hỗn loạn khi mua khẩu trang ở chợ thuốc Hapulico ngày 31/1. Ảnh: VTV |
Tại cuộc họp giao ban của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội sáng 30/1, Ông Nguyễn Đức Chung nói Hà Nội cần chuẩn bị từ 15 đến 20 triệu khẩu trang để đủ cung cấp cho người dân phòng dịch viêm phổi.
Trong trường hợp phát hiện có ổ dịch sẽ phát miễn phí khẩu trang cho người dân.
Hiện tại thì chưa thực sự có một ổ dịch nào được phát hiện tại Việt Nam, nhưng có một sự thật là nhiều người dân đang sợ hãi, và có những người đang trục lợi từ nỗi sợ hãi đó.
Phát biểu tại cuộc họp đột xuất của Ban chỉ đạo nhằm đánh giá các tình hình tác động tới công tác điều hành giá ngay trong tháng đầu năm 2020, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đã nêu: “Điều 10, Luật giá cấm tổ chức cá nhân kinh doanh lợi dụng thiên tai, địch hoạ để kinh doanh hàng hoá trục lợi. Điều 196 Bộ luật Hình sự quy định việc găm hàng làm khan hiếm hàng hoá khi thiên tai, địch hoạ sẽ bị phạt 30- 300 triệu và phạt tù tới 3 năm”.
Như vậy có thể khẳng định những kẻ trục lợi từ việc bán phá giá khẩu trang không chỉ vi phạm đạo đức, đi ngược truyền thống tương thân tương ái của người Việt mà còn trắng trợn vi phạm pháp luật.
Những kẻ trục lợi từ dịch họa có lẽ cần phải xấu hổ trước những hành động đẹp của không ít hộ kinh doanh ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa… và không ít người có tấm lòng tương thân tương ái với đồng bào đang chung tay với “cuộc chiến khẩu trang”.
Nhưng như thế vẫn là chưa đủ, khi từng giờ trôi qua, đa số chúng ta lại giật mình thon thót khi nghe báo giá khẩu trang hay nước rửa tay sát khuẩn.
Có quan điểm cho rằng, sống ở đời, không làm được việc thiện, ít nhất cứ đừng làm ác. Không nói được điều hay, thì ít nhất hãy cứ kiệm lời.
Làm người, nên có lòng thương cảm, ít nhất cho đồng bào mình, trong nguy cơ về một thảm họa có thể ập đến và kéo theo những cái chết.
Những đồng tiền từ sự trục lợi của đồng bào không bao giờ có cái kết có hậu.
Câu chuyện Thạch Sùng trong tiềm thức mỗi người Việt hẳn vẫn là lời dăn dạy khó quên.
Virus corona đáng sợ, dẫu vậy, có một thứ đáng sợ hơn, đó là “ổ dịch” từ lòng người.
Có thể dùng khẩu trang vải để hạn chế nguy cơ lây lan Tại cuộc họp báo chiều 31/1 tại Bộ Y tế, ông Trần Đắc Phu, Cố vấn của Trung tâm đáp ứng dịch khẩn cấp (Bộ Y tế) cho biết: Tôi nghĩ mọi người nên đeo khẩu trang phòng bệnh hô hấp tốt, phòng cả khói bụi và nhiều bệnh khác như cúm, viêm phổi. Nhưng ở mức độ nào, nguy cơ nào, trường hợp nào, lúc nào chúng ta mới dùng khẩu trang, ví dụ dịch hiện nay chưa lây lan mạnh mẽ trong cộng đồng chúng ta có thể dùng trong trường hợp những nơi đông người. Có thể dùng khẩu trang y tế, không nhất thiết phải N95. Theo nguyên tắc, khẩu trang chỉ được dùng 1 lần. Trong lúc này Bộ khuyến cáo chỉ có người tiếp xúc trực tiếp người bệnh, nhân viên y tế mới dùng N95. Còn người dân bình thường, có thể dùng các khẩu trang bình thường hoặc khẩu trang y tế để hạn chế nguy cơ lây lan. |