Mỗi độ Tết đến, xuân về, câu chuyện trực Tết lại được giáo viên quan tâm, những bài viết về trực Tết trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã chạm đúng nỗi niềm tâm tư của của không ít bạn đọc.
Chính nhờ những bài viết về trực Tết nói chung, những bài viết về loạt thông tư 01, 02, 03, 04, về Công văn 5512,… trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, đã làm giáo viên chúng tôi hiểu thêm về luật pháp.
Bên cạnh đó, những bài viết của quý thầy cô đang giảng dạy, những chiến sĩ “cầm phấn và cầm bút”, đã nói hộ không ít tâm tư, nguyện vọng của giáo viên.
Có người cho rằng, quý thầy cô viết báo là “giáo viên cá biệt”, thế nhưng, trong tâm khảm, chúng tôi vô cùng cảm ơn, khâm phục, những người dũng cảm nói hộ cho mình.
Chính nhờ những bài viết về trực Tết mà “Giáo viên Kỳ Sơn không còn phải góp tiền thuê người trực trường dịp Tết”...
Có thể chúng tôi không dám chia sẻ bài viết của quý thầy cô trên mạng xã hội, nhưng mỗi sáng, chúng tôi đều đọc bài, chờ bài, của quý thầy cô.
Những bài viết của quý thầy cô đã làm thay đổi tư duy, nhận thức, hành động của không ít lãnh đạo nhà trường.
Có những hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, … đã đọc Giaoduc.net.vn mỗi sáng, tôi đã bắt gặp “logo” của quý Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trong không ít điện thoại của bạn bè đang làm lãnh đạo.
Có thể họ đọc để học, để biết, để tránh sai sót, hoặc tìm kiếm những giải pháp trong những bài báo đầy trách nhiệm, gắn với hiện thực cuộc sống, chỉ những người trong cuộc mới “vạch áo giáo dục cho người xem lưng” mà quý thầy cô giáo đã viết.
Cũng có thể, những bài báo đó đã và đang làm họ cẩn trọng hơn trước mỗi việc làm của mình, hoặc giả dụ, họ tính toán kĩ hơn để khỏi “lòi đuôi” khi “cháy nhà”, dù thế nào đi chăng nữa, tác dụng giáo dục từ những bài báo trên Giaoduc.net.vn đã đi vào cuộc sống.
Làm thêm dịp Tết bằng hai tháng lương!
Thường mỗi dịp nghỉ Tết là dịp tôi cùng với anh em “sức dài, túi hẹp” trong trường đi làm thêm, làm thêm một Tết, bằng hai tháng lương, như vậy khỏi cần “ao ước lương tháng 13” chi cho mệt.
Công việc làm từ giữ xe ở khu du lịch, bán hàng thuê…, miễn có tiền và hợp pháp, không phải tốn nhiều sức lực.
Đi làm thêm, đội nón, khẩu trang kín mít, rất khó có thể học sinh biết mình, thế nhưng, không ít lần “đứng hình” trước mắt học trò “Chúng mày ơi, sao ông giữ xe thấy quen quá”.
Bảng phân công trực tết Nhâm dần (Ảnh do tác giả cung cấp) |
Thế nhưng, có một nơi làm thêm quen thuộc, “việc nhẹ, lương cao”, đã xung phong nhiều lần, nhưng chưa bao giờ được phân công, đó là trực Tết.
Bạn đọc có thể thấy trong ảnh đính kèm, đối tượng trực Tết Nhâm Dần năm nay của trường tôi, giáo viên đâu có trong danh sách.
Tôi hỏi “Mình xung phong, sao không phân công trực Tết với”, lãnh đạo trả lời “Anh làm ơn vào Giaoduc.net.vn, đọc bài báo “Hiệu trưởng ép giáo viên trực Tết, vừa trái luật vừa thiếu sự cảm thông” và rất nhiều bài khác, củng cố thêm kiến thức pháp luật cho mình.
Luật không cho phép phân công anh, tình không cho phép em bắt anh chia sẻ công việc không phải trách nhiệm của mình. Anh thông cảm nhé, nghỉ Tết cho khỏe”.
Vì những bài báo của Tạp chí Giáo dục Việt Nam, mà tôi “không được trực Tết”. Có thể bạn hỏi, tôi có buồn không?
Nói không thì dối lòng, nói có thì dối bạn, tôi tin chắc rằng, Tết năm nay, đã có không ít cơ sở giáo dục trên cả nước phân công trực Tết đúng pháp luật.
Thế là, Tết này mình lại phải đi làm thêm nơi khác, nhưng mừng, mừng vì lãnh đạo của mình làm đúng pháp luật, làm đúng cái này, chắc cái khác họ cũng làm đúng.
Tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến những chiến sĩ “cầm phấn và cầm bút”, cùng quý Tạp chí Giáo dục Việt Nam, đã chia sẻ và đồng hành cùng giáo viên chúng tôi.
Tết đến, xuân về, kính chúc những chiến sĩ “cầm phấn và cầm bút”, tập thể Tạp chí Giáo dục Việt Nam, năm mới hạnh phúc, năm mới thành công, mãi là bạn của giáo viên chúng tôi.