Thầy cô "than" cuối năm ngập trong giấy tờ, sổ sách

25/05/2023 06:32
Nguyễn Quân
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc đánh giá chuẩn nghề nghiệp cần phải được nghiên cứu lại cả về nội dung và hình thức, để có thể hiệu quả, tiết kiệm, thiết thực hơn.

Cuối năm học là khoảng thời gian giáo viên phải quay cuồng với vô vàn những việc chấm điểm, tổng kết điểm cuối năm, xếp loại hạnh kiểm cho học sinh từ cấp lớp đến cấp trường, vào điểm sổ học bạ, kí chốt, nhận xét học bạ (nếu là giáo viên chủ nhiệm).

Bên cạnh đó là rất nhiều các loại hồ sơ giấy tờ khác, nào là báo cáo bồi dưỡng thường xuyên, rồi đến tự đánh giá chuẩn giáo viên, đánh giá đồng nghiệp, từ bản in đến trên hệ thống TEMIS, tự đánh giá xếp loại viên chức, đánh giá nhận xét chuẩn hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, đánh giá nhận xét thi đua, ấy là chưa kể đến các loại biểu mẫu, giấy tờ khác cho mỗi trường tự sáng tác ra.

Ảnh minh họa: Lã Tiến

Ảnh minh họa: Lã Tiến

Có thể nói, cuối năm công việc đã nhiều, nhưng những giấy tờ mang tính hình thức mới chính là nguyên nhân khiến giáo viên khủng hoảng, ám ảnh mỗi dịp sắp tổng kết năm học.

Thứ nhất, việc đánh giá chuẩn giáo viên thực tế là hoạt động trùng lắp lại với những văn bản đã có, cụ thể chuẩn giáo viên gồm 5 tiêu chuẩn và 15 tiêu chí, trong đó, tiêu chuẩn 1 bao gồm tiêu chí về đạo đức nhà giáo và phong cách nhà giáo, tiêu chuẩn 2 về phát triển chuyên môn nghiệp vụ, hay tiêu chuẩn 4 về phát triển mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình, xã hội.

Những nội dung này đều đã được quy định trong phần nhiệm vụ của nhà giáo trong Điều lệ trường trung học cơ sở, phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học.

Thông qua quy chế thi đua của mỗi đơn vị, những quy định này trong năm học đều đã được cụ thể hóa để theo dõi, đánh giá giáo viên.

Giáo viên đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở hoặc lao động tiên tiến mặc nhiên đã hoàn thành tốt tất cả các nội dung trong chuẩn nghề nghiệp.

Trong tiêu chuẩn 5 về sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc, ứng dụng công nghệ thông tin yêu cầu giáo viên phải tự đánh giá và cung cấp minh chứng là dư thừa, bởi lẽ, những hồ sơ đó đang được nhà trường quản lý, và nhà trường phải chịu trách nhiệm với việc tuyển dụng của mình.

Song song đó, việc đánh giá chuẩn nghề nghiệp của đồng nghiệp chỉ mang tính hình thức, gây lãng phí, bởi lẽ không giáo viên nào xem xét kĩ càng, hay đòi hỏi đồng nghiệp cung cấp minh chứng, thuyết minh về bản tự đánh giá của họ, vừa không phù hợp thẩm quyền, vừa mất lòng nhau.

Đánh giá hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cũng thế, mỗi giáo viên phải làm một bản đánh giá từng thành viên trong ban giám hiệu căn cứ theo bản tự đánh giá của từng người, tính ra sự lãng phí giấy tờ, công sức rất nhiều, nhưng kết quả chỉ là thống nhất với bản tự đánh giá của họ.

Như vậy, việc đánh giá chuẩn nghề nghiệp cần phải được nghiên cứu lại cả về nội dung và hình thức, để có thể hiệu quả, tiết kiệm, thiết thực hơn.

Thứ hai, việc số hóa “lưng chừng xuân” được thể hiện qua việc nhiều nơi giáo viên vừa phải nhập liệu trên các nền tảng số Vnedu.vn, TEMIS, MISA… đồng thời phải in giấy tờ, kí tay để nộp làm minh chứng, hay lưu hồ sơ để kiểm tra, việc số hóa nửa chừng này vừa thêm việc cho giáo viên, nhưng không cần thiết và đi ngược lại với sự phát triển chung của xã hội, đồng thời thể hiện tư duy quản lý nửa vời.

Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 đòi hỏi nơi người thầy những sự thay đổi về kiến thức, kĩ năng và thái độ rất lớn, mang đến không ít áp lực cho nghề giáo.

Thế nên, các cấp quản lý giáo dục cần sự thông cảm, thấu hiểu nhằm giảm tải những việc dư thừa, hình thức cho giáo viên, có như vậy, giáo viên mới có thời gian đầu tư cho việc dạy học, hoặc nghỉ ngơi để sạc lại “bình ắc quy” đã chạy hết công suất trong năm qua.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyễn Quân