Chuyện giáo viên có bằng đại học nhưng vẫn mòn mỏi hưởng lương cao đẳng đã và đang làm khổ không ít giáo viên.
Điều 72 Luật Giáo dục 2019 ghi rõ: Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo
1. Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo được quy định như sau:
a) Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non;
b) Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.
Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm;
c) Có bằng thạc sĩ đối với nhà giáo giảng dạy trình độ đại học; có bằng tiến sĩ đối với nhà giáo giảng dạy, hướng dẫn luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ;
d) Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo giảng dạy trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.
2. Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, quy định việc sử dụng nhà giáo trong trường hợp không đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều này.[1]
Lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.[2]
Không chờ đợi ngân sách nhà nước cấp, phần lớn giáo viên chưa đạt chuẩn đào tạo đã tự bỏ tiền túi đi học đại học ngay từ khi Luật Giáo dục 2019 mới dự thảo.
Bỏ tiền túi nâng chuẩn đào tạo, giáo viên làm sao để được ăn lương đại học
Cô giáo Nguyễn Thị Hà đang công tác tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chia sẻ: “Tôi tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm, ngành Lịch sử, đi dạy từ năm 2014.
Khi nghe thông tin Luật Giáo dục 2019 quy định trình độ chuẩn đào tạo của giáo viên trung học cơ sở phải có bằng đại học, tôi đã vay ngân hàng để có tiền trang trải học đại học từ xa.
Năm 2021 tôi đã có bằng đại học ngành Sư phạm Lịch sử, vậy mà vẫn hưởng lương cao đẳng như trước đây, dù tôi đã nộp bản sao bằng đại học có công chứng cho nhà trường.
Không riêng tôi, hiện nay có rất nhiều giáo viên đã tự bỏ tiền túi học đại học học để đạt chuẩn đào tạo, nhưng vẫn phải ăn lương cao đẳng như trước đây.
Chúng tôi phải làm sao sao để được ăn lương đại học? Khi áp dụng lương mới theo Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT liệu chúng tôi có bị bỏ quên không?
Chúng tôi đã tự bỏ tiền túi, không chờ ngân sách nhà nước cấp đào tạo nâng chuẩn, sao nỡ để chúng tôi cứ phải chịu thiệt thòi?”.
Chưa được hưởng lương đại học nhưng giáo viên vẫn cố gắng dạy tốt. Ảnh minh họa: Sơn Quang Huyến |
Để được hưởng lương đại học sau khi đạt chuẩn đào tạo, giáo viên đang hưởng lương cao đẳng (chưa có bằng đại học), giáo viên phải được nâng ngạch.
Quy định về nâng ngạch được quy định tại khoản 1 Mục II Thông tư 02/2007/TT-BNV như sau:
a. Trường hợp chưa hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cũ thì căn cứ vào hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ để xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch mới. Thời gian hưởng lương ở ngạch mới được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới. Thời gian xét nâng bậc lương lần sau ở ngạch mới được tính như sau: Nếu chênh lệch giữa hệ số lương được xếp ở ngạch mới so với hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ bằng hoặc lớn hơn chênh lệch hệ số lương giữa 2 bậc lương liền kề ở ngạch cũ, thì được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới; nếu nhỏ hơn chênh lệch hệ số lương giữa 2 bậc lương liền kề ở ngạch cũ, thì được tính kể từ ngày xếp hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ.[3]
Như vậy, giáo viên trung học cơ sở chưa đạt chuẩn đào tạo, khi có bằng đại học, cần nộp bản sao có chứng thực bằng đại học của mình và đơn xin xếp lương, nâng ngạch cho nhà trường.
Nhà trường sẽ chuyển hồ sơ lên Phòng nội vụ, chờ tổ chức xét duyệt nâng ngạch hoặc thi nâng ngạch, lúc đó giáo viên đang hưởng lương cao đẳng mới được chuyển sang hưởng lương đại học.
Khi địa phương thực hiện quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường trung học cơ sở công lập theo Thông tư 03, những giáo viên chưa đạt chuẩn nay đã tự bồi dưỡng đạt chuẩn chắc chắn không bị bỏ quên.
Điều 9 Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT ghi rõ: Điều khoản chuyển tiếp
- Giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.12) chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên trung học cơ sở theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 72 Luật Giáo dục 2019 thì giữ nguyên mã số V.07.04.12 và áp dụng hệ số lương của viên chức loại A0 (từ hệ số lương 2,10 đến hệ số lương 4,89) cho đến khi đạt trình độ chuẩn được đào tạo thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.32) hoặc cho đến khi nghỉ hưu nếu không thuộc đối tượng phải nâng trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.[4]
Giáo viên đã tự bỏ tiền túi để học đạt chuẩn đào tạo đang mong mỏi địa phương xét nâng ngạch, áp dụng lương mới để giảm bớt khó khăn cuộc sống.
Tài liệu tham khảo:
[1] thuvienphapluat.vn/Luật giáo dục 2019 số 43/2019/QH14
[2] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Nghi-dinh-71-2020-ND-CP-lo-trinh-nang-trinh-do-chuan-duoc-dao-tao-cua-giao-vien-mam-non-432707.aspx
[3]https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Thong-tu-02-2007-TT-BNV-huong-dan-xep-luong-nang-ngach-chuyen-ngach-chuyen-loai-cong-chuc-vien-chuc-20779.aspx
[4]https://luatvietnam.vn/co-cau-to-chuc/thong-tu-03-2021-bo-nhiem-xep-luong-giao-vien-thcs-cong-lap-198082-d1.html