Thấy con học đến 2-3 giờ sáng, tôi ước giá như con không học trường chuyên

13/08/2024 06:42
HƯƠNG GIANG
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Nhiều đêm, thấy con học đến 2-3 giờ sáng để làm bài tập và chuẩn bị bài cho ngày mai, phụ huynh chúng tôi cũng trằn trọc không ngủ được.

Tâm lý và mong muốn chung của một số phụ huynh cấp Trung học cơ sở là con mình học thật giỏi để khi thi tuyển sinh 10 sẽ thi và đậu vào trường Trung học phổ thông chuyên. Bởi vì, ai cũng nghĩ môi trường học tập tốt sẽ có một tương lai tốt- điều này không sai nhưng có lẽ không phải lúc nào cũng đúng hoàn toàn.

Bản thân người viết bài này là một phụ huynh có con đang học tại trường Trung học phổ thông chuyên của một tỉnh nên hiểu được một phần tâm lí của phụ huynh và áp lực của học sinh đang học tập tại các trường chuyên.

Nói thật, nhiều khi thấy con quá áp lực trong học tập ở trường chuyên, chúng tôi lại ước giá như con mình không phải là học sinh trường chuyên có lẽ sẽ tốt hơn, sẽ có nhiều thời gian trau dồi thêm các kĩ năng cần thiết khác nữa. Ngay cả thời điểm nghỉ hè, thấy con vẫn đang phải miệt mài đi học thêm vì thầy cô đã mở lớp, không đi thì mai mốt vào học chính khóa khó theo cùng bạn bè trong lớp.

bai-van-ve-thay-co-giao-700-1631865368349315703330-6451-9961.jpg
Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Áp lực của học sinh trường chuyên

Thực ra, những học sinh đang theo học ở trường chuyên không chỉ áp lực khi học tại trường mà khi còn đang học ở cấp Trung học cơ sở cũng đã áp lực rồi bởi một số học sinh thường bị chi phối, định hướng của cha mẹ.

Thay vì chỉ học chính khóa hoặc học thêm một vài môn nhẹ nhàng thì học sinh có ý định thi vào trường chuyên phải căng mình học chính, học thêm, một số em còn nằm trong đội tuyển ôn thi học sinh giỏi cấp Trung học cơ sở. Vì thế, thời gian dành cho học tập trong ngày gần như kín hết các ngày trong tuần.

Khi làm hồ sơ thi vào trường chuyên phải qua sơ tuyển và đa phần các trường chuyên đều yêu cầu học sinh có học lực khá, giỏi ở cấp Trung học cơ sở mới đủ điều kiện dự thi. Khi thi chính thức, thí sinh phải thi thêm môn thứ tư nên áp lực học tập lớn hơn học sinh thi vào các trường không chuyên là rất lớn.

Một số học sinh khi thi tuyển sinh vào trường chuyên nhưng không đậu, tỏ ra buồn, thất vọng và phụ huynh cũng có người không vui, nghi ngờ khả năng của con mình.

Tuy nhiên, học sinh không đậu vào trường chuyên cũng đừng quá buồn phiền. Hay, nói đúng hơn chẳng có gì phải buồn phiền vì không đậu trường chuyên thì chuyển nguyện vọng về trường không chuyên. Học lực, điểm thi của các em dư sức để vào các trường không chuyên.

Trước đây, gia đình tôi không ép con mình thi vào trường chuyên vì thấy sức khỏe của con không tốt nhưng vì con muốn “thử sức” thi và nếu không đậu thì học trường không chuyên để sau này không phải nuối tiếc. Vì thế, con đăng ký dự thi vào trường chuyên và đậu, rồi học ở trường chuyên.

Điều chúng tôi thấy bất cập đầu tiên là học sinh các trường không chuyên được đăng ký môn lựa chọn thì trường chuyên nơi con tôi đang theo học không cho học sinh đăng ký môn học lựa chọn mà nhà trường sắp sẵn tổ hợp cho từng lớp.

Vì thế, có nhiều môn học trong tổ hợp con không thích, không có sở trường nhưng vẫn bắt buộc phải học. Điều này cũng là một áp lực không nhỏ cho một số học sinh đang học chương trình 2018.

Đối với học sinh học ở trường chuyên có học bổng nên học sinh trong từng lớp luôn có sự cạnh tranh nhau về điểm số rất khốc liệt. Việc cạnh tranh có cả mặt tích cực và cũng có những những điều…khó nói.

Không dám đánh đồng tất cả nhưng những học sinh đang học thêm với thầy cô dạy chính khóa trên lớp vẫn có nhiều lợi thế hơn về điểm số. Đâu đó vẫn có tình trạng một số ít giáo viên tạo áp lực với những học sinh không đi học thêm với mình khi dạy trên lớp.

Nhưng, chương trình 2018 đã xác định, cấp Trung học phổ thông là cấp học định hướng nghề nghiệp, có hơn 10 môn học thì làm sao học sinh có thể đi học thêm hết tất cả được.

Các em phải lựa chọn môn học nào cần thiết nhất, thầy cô nào dạy tốt nhất để nhằm hướng đến việc thi, xét đại học sau này. Bởi vậy, nhiều khi học sinh gặp khủng hoảng về tâm lí khi có những giáo viên liên tục trả bài, hỏi bài trên lớp ở những tình huống bất ngờ, đột ngột.

Nhiều đêm, thấy con học đến 2-3 giờ sáng để làm bài tập và chuẩn bị bài cho ngày mai, phụ huynh chúng tôi cũng trằn trọc không ngủ được. Phần vì thương con, phần vì nghĩ suy vì nhiều lẽ khác nữa.

Học cật lực nhưng nhiều khi điểm số không cao

Dù chúng tôi luôn biết rằng áp lực sẽ là động lực cho học sinh trong học tập. Nhưng, nếu áp lực quá lớn, học sinh suốt ngày cứ quay cuồng trong học tập cũng không hẳn là một điều tốt trong mục tiêu “phát triển toàn diện” cho người học mà mục tiêu Chương trình 2018 đã đề ra.

Có những lúc chúng tôi suy nghĩ rằng với sức học của con mình và nhiều học sinh khác đã đậu vào trường chuyên (bình quân điểm thi tuyển sinh 10 đạt trên 8,0 điểm/ môn) mà học ở các trường không chuyên thì các em sẽ không quá áp lực vì chỉ trừ môn chuyên ra, các môn học khác đều học chương trình như nhau.

Nhưng, tại vì các con là học sinh của trường chuyên nên việc học, việc đánh giá kiểm tra luôn có những khắt khe hơn.

Mặc dù đa phần học sinh trường chuyên có điểm chuẩn đầu vào khi tuyển sinh thường cao ngất ngưởng so với các trường không chuyên bởi đối tượng thi đa phần phải là học sinh giỏi và tỉ lệ chọi tương đối lớn. Khi đậu và học ở trường chuyên thì học tập vô cùng căng thẳng nhưng điểm số không cao so với học sinh trường không chuyên.

Vì thế, đa phần học sinh trường chuyên (đang học chương trình 2018) cuối năm có học lực Tốt, đạt danh hiệu Học sinh Giỏi nhưng điểm số trung bình các môn chỉ dao động ở ngưỡng 8 điểm, điểm trên 9 và xếp danh hiệu Học sinh Xuất sắc không nhiều.

Trong khi, học sinh ở nhiều trường không chuyên lại có phần thoáng hơn. Một số em học không nổi trội nhưng vẫn có thể được nhận danh hiệu Học sinh Giỏi; Học sinh Xuất sắc. Điều này, sẽ dẫn đến những bất lợi cho một số em học ở trường chuyên nếu sau này các em tham gia xét tuyển đại học bằng học bạ.

Suy cho cùng, đa phần học sinh trường chuyên hay không chuyên thì đích đến cuối cùng vẫn là đậu vào các trường đại học mà đậu vào các trường đại học những năm gần đây không phải là vấn đề quá khó đối với học sinh phổ thông- nếu như các em muốn học đại học.

Ra trường, ngoài chuyên môn thì người lao động cần có thêm nhiều kĩ năng khác nữa mới có thể trở nên thành công.

Nhưng, một bộ phận học sinh trường chuyên đang quá áp lực với việc học, các em có quá ít thời gian để có thể tham gia các hoạt động khác cũng là những thua thiệt cho tương lai sau này bởi cái tuổi đang trưởng thành các em rất cần nhiều kĩ năng khác bên cạnh chuyện học hành.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HƯƠNG GIANG