Trong bài viết trước, Bộ Giáo dục nên dừng o bế Giáo sư Đại, chấm dứt lấy ngân sách làm sách giáo khoa, chúng tôi đã phân tích mâu thuẫn trong tuyên bố của Giáo sư Hồ Ngọc Đại "tặng bản quyền" Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục cho Bộ Giáo dục và Đào tạo. [1]
Thứ nhất, tuyên bố này cho thấy dường như Giáo sư Hồ Ngọc Đại đang có sự ngộ nhận về chủ sở hữu các kết quả đề tài nghiên cứu khoa học sử dụng ngân sách nhà nước.
Theo Luật Khoa học và Công nghệ, Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục và tất cả các sản phẩm của các đề tài nghiên cứu về công nghệ giáo dục mà thầy Đại và cộng sự tiến hành, sử dụng ngân sách nhà nước thì đều thuộc sở hữu nhà nước;
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo là đại diện chủ sở hữu.
Thứ hai, tuyên bố này trái với thực tế việc sử dụng Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục và các tài liệu liên quan hiện nay, lại do một công ty tư nhân khai thác và mang về lợi nhuận không nhỏ cho một nhóm người từ việc bán sách độc quyền, khép kín.
Ảnh minh họa: VTV.vn. |
Trong bài viết này, chúng tôi xin tiếp tục đặt vấn đề cần làm rõ nhóm lợi ích đang hưởng lợi từ bản quyền Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục.
Xin được lưu ý rằng, chúng tôi không bình luận về cách đánh vần theo Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục, và thầy Đại cũng đã, đang có những giải thích khá chi tiết về việc này trên truyền thông.
Điều chúng tôi quan tâm là tiền bán sách chảy vào túi ai, vì đó là những đồng tiền mồ hôi nước mắt của dân chúng bị cưỡng bách phải mua và không biết con mình đang bị thí điểm.
Doanh nghiệp sân sau?
Theo thông tin kết xuất từ Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp ngày 5/9/2018, Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển trường phổ thông công nghệ giáo dục là một doanh nghiệp tư nhân, đăng ký thành lập ngày 14/6/2010 tại Hà Nội.
Vốn điều lệ của công ty này là 20,2 tỷ đồng với 3 cổ đông sáng lập chính:
Một là Công ty Cổ phần Sách giáo dục tại thành phố Hà Nội nắm 20 tỷ đồng, tỷ lệ 99%.
Tiền thân công ty này là Trung tâm phát hành sách tham khảo của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, hiện do một Phó tổng biên tập của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam làm Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Cổ đông sáng lập thứ 2 là ông Cấn Hữu Hải, hiện là Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần sách giáo dục tại thành phố Hà Nội, cựu Giám đốc Công ty Cổ phần Sách dân tộc - Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, góp vốn 100 triệu đồng, tỷ lệ 0,5%.
Cổ đông sáng lập thứ 3 có tên là Hồ Ngọc Đại, đăng ký hộ khẩu thường trú tại số 16B Nguyễn Biểu, Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội, góp vốn 100 triệu đồng, tỷ lệ 0,5%.
Ngày 20/12/2013 Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Sách giáo dục tại thành phố Hà Nội quyết định thoái toàn bộ 20 tỷ đồng, tương 2.000.000 cổ phần đăng ký mua tại Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển trường phổ thông công nghệ giáo dục;
VEPIC là sân sau của ai? |
Nhưng vốn thực góp là 1,1 tỷ đồng, tương ứng 110.000 cổ phần. Thời điểm chuyển nhượng cổ phiếu là ngày 1/1/2014. [2]
Theo văn bản số 780/NXBGDVN do ông Nguyễn Đức Thái, Chủ tịch Hội đồng thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ký ngày 19/6/2018 về việc báo cáo công bố thông tin năm 2017 thì:
Từ năm 2014 đến 2017, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam giữ 51% vốn điều lệ Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển trường phổ thông công nghệ giáo dục (1,25 tỷ đồng / 2,45 tỷ đồng). [3]
Chúng tôi không rõ, cổ đông sáng lập Hồ Ngọc Đại hiện nắm bao nhiêu cổ phần của Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển trường phổ thông công nghệ giáo dục.
Nhưng theo số liệu từ Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, vốn điều lệ của công ty này trong 4 năm qua (2014-2017) duy trì ở mức 2 tỷ 450 triệu đồng, khác rất xa số vốn điều lệ khi đăng ký thành lập.
Và nếu so với khả năng thu được tiền bán sách độc quyền và khép kín thông qua quản lý ngành dọc từ trường qua phòng, sở về thẳng công ty lên tới hơn 300 tỷ đồng [3], thì lời lãi của nó thật khủng khiếp.
Đó là chưa kể tới, hầu như doanh nghiệp này không mất 1 đồng nào cho quảng cáo, chi phí mặt bằng, nhân viên...Phải chăng các chi phí trung gian này sẽ được chia cho "hệ thống phân phối" nằm trong ngành giáo dục?
Nếu vị cổ đông có tên Hồ Ngọc Đại vẫn giữ 100 triệu đồng trong tổng số 2 tỷ 450 triệu đồng vốn điều lệ của công ty này, thì cổ đông này chiếm 4,08% cổ phần.
Giáo sư Hồ Ngọc Đại trong lễ tổng kết triển khai tài liệu thí điểm Công nghệ giáo dục năm 2014, ảnh: nxbgd.vn. |
Tất nhiên đây chỉ là chữ "nếu" giả định, cụ thể con số này là bao nhiêu chỉ có người trong cuộc mới nắm rõ.
Thứ trưởng đỡ đầu, tiếp thị qua tổ chức ngành dọc khép kín
Trong bài viết trước, Vụ Tiểu học có phải sân sau của Giáo sư Đại, ai cứu học sinh thoát thí điểm?, chúng tôi đã nêu thông tin:
2 đời Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học là ông Lê Tiến Thành, ông Phạm Ngọc Định đã có công đầu với thầy Hồ Ngọc Đại trong việc chèn Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục vào Dự án VNEN.
Ở đây chúng tôi xin nhắc lại một số mốc thời gian, ngõ hầu có thể giúp bạn đọc hình dung rõ hơn sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục với VNEN thành một hệ thống phân phối độc quyền và khép kín.
Thầy Hồ Ngọc Đại đã công khai tuyên bố rằng, ông được Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khi đương chức giúp đỡ triển khai đại trà Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục bằng cách dùng từ "thí điểm" để "lách luật".
Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục được quay trở lại nhà trường kể từ năm 2008 theo Quyết định số 6219/QĐ-BGDĐT ngày 14/7/2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ở một số tỉnh "tự nguyện".
Theo Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, năm 2008 tác giả mô hình Trường học mới Colombia đã tiếp cận Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển tại một hội nghị về giáo dục ở Philippines do Ngân hàng Thế giới tổ chức, để tiếp thị mô hình này. [5]
Còn theo báo cáo đánh giá tác động của mô hình VNEN do một nhóm chuyên gia của Ngân hàng Thế giới thực hiện, thì sự kiện tiếp thị mô hình trường học mới nói trên diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày 9/2/2009 đến 12/2/2009 tại Cebu, Philippines. [6]
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết chọn cách im lặng? |
Mô hình Trường học mới được nhập khẩu từ Colombia về thí điểm trong phạm vi hẹp tại Việt Nam từ năm học 2010-2011, thì tháng 6/2010 Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển trường phổ thông công nghệ giáo dục được thành lập.
Năm học 2012-2013 Bộ Giáo dục và Đào tạo xin được viện trợ không hoàn lại 84,6 triệu USD (và 3 triệu USD đối ứng từ ngân sách) để triển khai mở rộng thí điểm VNEN ra cả nước.
Lập tức Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục được chèn vào dự án này và nhanh chóng lan theo VNEN.
Ngày 15/2/2012 Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển ký công văn số 607/BGDĐT-GDTH, gửi các sở giáo dục và đào tạo về việc đăng ký phương án dạy học theo tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục.
Công văn hướng dẫn rất chi tiết cách mua sách:
"Để chủ động trong công tác chỉ đạo, năm học 2012-2013 Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các sở Giáo dục và Đào tạo có nhu cầu áp dụng phương án dạy học Tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục đăng kí cụ thể tổng số huyện, số trường, số lớp, số giáo viên, số học sinh tham gia.
Bản đăng kí gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo (qua Vụ Giáo dục Tiểu học) trước ngày 10/4/2012.
Để chuẩn bị tốt tài liệu phục vụ năm học 2012-2013, Bộ đề nghị các sở Giáo dục và Đào tạo chủ động liên hệ trực tiếp với Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Trường Phổ thông Công nghệ giáo dục - Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (Điện thoại 04 62816079) để mua tài liệu.
Đối với các vùng học sinh được cấp phát tài liệu học tập, kinh phí mua tài liệu được lấy từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu Quốc gia giáo dục đào tạo năm 2012 đã phân bổ cho địa phương.
Chi tiết xin liên hệ với chuyên viên Trần Hải Toàn, Vụ Giáo dục Tiểu học, ĐT: 0438682356; 0913380079; mail: trantoan_edu@yahoo.com.vn."
Những quy luật bất thường qua 3 lần thay sách giáo khoa |
Ngày 25/2/2013, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển ký công văn số 1181/BGDĐT-GDTH gửi các sở về việc đăng ký dạy học theo Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục;
Nội dung chúng tôi trích dẫn phía trên được nhắc lại, chỉ thay thời gian năm học 2013-2014, hạn nộp báo cáo 10/4/2013.
Ngày 17/3/2014, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển ký công văn số 1277/BGDĐT-GDTH gửi các sở về việc đăng ký dạy học theo Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục, cách mua sách có điều chỉnh chút ít:
Các sở có thể đăng ký với công ty sách và thiết bị giáo dục địa phương, Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển trường phổ thông công nghệ giáo dục Hà Nội hoặc cha mẹ học sinh tự mua.
Năm 2015, 2016 Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Phạm Ngọc Định ký công văn gửi các sở về việc đăng ký dạy học theo bộ sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục;
Đó là công văn 1409/BGDĐT-GDTH ngày 26/3/2015 và công văn 1922/BGDĐT-GDTH ngày 29/4/2016.
Cách hướng dẫn mua sách trong 2 công văn này giống công văn 1277/BGDĐT-GDTH mà Thứ trưởng Hiển ký năm 2014, với 3 phương án lựa chọn;
Nhưng trên thực tế cha mẹ học sinh hầu hết khó có thể mua được Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục cũng như sách VNEN ở các hiệu sách.
Với một hệ thống bán sách khép kín và đồng bộ như thế này, cha mẹ học sinh không có lựa chọn nào khác ngoài "tự nguyện" móc hầu bao.
Trước khi nghỉ hưu đúng 3 tháng, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển vẫn kịp ký công văn số 1296/BGDĐT-GDTH ngày 30/6/2016 gửi Giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn triển khai Mô hình trường học mới Việt Nam ở tiểu học từ năm học 2016-2017.
Công văn có đoạn:
"Bộ sách giáo khoa của mô hình này sẽ được chỉnh lí, hoàn thiện để trở thành 1 trong những bộ sách giáo khoa phục vụ chương trình giáo dục phổ thông mới, áp dụng chính thức từ năm học 2018-2019, phù hợp với chủ trương "một chương trình, nhiều sách giáo khoa" quy định tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội". [7]
Tổng chủ biên Nguyễn Minh Thuyết và ông Ngô Trần Ái, ai trung thực? |
Thế nên chẳng có gì lạ khi Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển trường phổ thông công nghệ giáo dục có văn phòng đặt ngay tại tòa trụ sở của Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển giáo dục Hà Nội - đơn vị "được cho là trúng thầu" sách VNEN.
Câu hỏi chúng tôi xin đặt ra ở đây là, Giáo sư Hồ Ngọc Đại có cổ phần trong Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển trường phổ thông công nghệ giáo dục hay không? Nếu có, thì thầy Đại và / hoặc người thân đang giữ bao nhiêu cổ phần?
Nguyên Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, nguyên Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, nguyên Vụ trưởng Lê Tiến Thành, nguyên Vụ trưởng Phạm Ngọc Định và người thân, có ai sở hữu cổ phần tại doanh nghiệp tư nhân này không?
Các Phó vụ trưởng, các chuyên viên Vụ Giáo dục tiểu học, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam đã và đang giúp thày Đại triển khai Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục, có hưởng lợi gì từ doanh nghiệp này không?
Bộ Giáo dục và Đào tạo có ý kiến gì trước việc bản quyền các công trình nghiên cứu khoa học sử dụng ngân sách nhà nước mà Bộ là chủ sở hữu, đang được sử dụng để kinh doanh, mang lại lợi ích cho một nhóm người?
Trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo đến đâu, trong việc để cán bộ và các đơn vị thành viên tham gia vào hệ thống tiếp thị và cung ứng độc quyền tài liệu sử dụng như sách giáo khoa (VNEN, Công nghệ giáo dục)?
Nguồn:
[1]https://www.youtube.com/watch?v=9U3yqMZhb3g
[2]http://s.cafef.vn/ebs-123324/ebs-thoai-von-tai-cong-ty-con-la-cong-ty-cp-dau-tu-va-pt-truong-cong-nghe-giao-duc.chn
[3]https://drive.google.com/file/d/1KOA70HbF3khS0Y6GTIHHDNayjTpA-SeT/view
[4]http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Dan-phai-bo-hang-tram-ty-dong-moi-nam-nuoi-cach-danh-van-la-post189349.gd
[5]http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/VNEN--Rang-hay-cung-lam-dieu-hay-post170139.gd
[6]http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Ai-thau-cam-voi-hoc-tro-phu-huynh-o-lop-VNEN-post178245.gd
[7]http://bariavungtau.edu.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=5532:1296bgdt-gdth&catid=77:personal-tech&Itemid=459