Thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, một trong những điểm mới của tuyển sinh đại học năm 2023 là sẽ thay đổi cách tính điểm ưu tiên để tạo công bằng cho thí sinh các vùng miền, thí sinh chỉ được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp trung học phổ thông (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp.
Xoay quanh quy định này có nhiều luồng ý kiến khác nhau, trong đó, một số lãnh đạo trường trung học phổ thông cho rằng cách tính này sẽ làm học sinh ở miền núi, vùng sâu vùng xa bị thiệt thòi vì nguy cơ thu hẹp cơ hội trúng tuyển đại học.
Từ năm 2023 sẽ áp dụng quy định mới về cộng điểm ưu tiên cho thí sinh. (Ảnh minh hoạ: Ngọc Mai). |
Còn luồng ý kiến trái chiều
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, vị Hiệu trưởng của một trường trung học phổ thông huyện Mường La, tỉnh Sơn La cho rằng, giáo dục cần thiết phải tạo ra môi trường công bằng. Tuy nhiên, điều chỉnh cách tính điểm ưu tiên để tạo sự công bằng nhưng điều kiện vật chất, đội ngũ, chất lượng đào tạo ở các vùng miền chưa đồng bộ thì sao có thể công bằng hoàn toàn?
Ở một khía cạnh khác, cách tính điểm ưu tiên mới sẽ có khả năng làm giảm cơ hội trúng tuyển đại học top đầu của học sinh miền núi nói chung, và của học sinh nhà trường nói riêng.
“Các trường đại học nằm trong top đầu thường xét tuyển rất gắt gao, tỷ lệ chọi lớn. Do đặc thù kinh tế vùng miền, điều kiện học tập thiếu thốn nên số lượng học sinh ở các huyện miền núi khó có cơ hội đỗ vào các trường top đầu đó.
Những năm trước, chính sách cộng điểm ưu tiên cho thí sinh miền núi giúp các em tăng khả năng trúng tuyển, đi học và trở về để nâng cao chất lượng kinh tế, đời sống, xã hội ở quê hương. Nếu áp dụng cách tính điểm ưu tiên mới, theo tôi, nguồn tuyển sinh của tỉnh vào các trường đại học sẽ bị hạn chế. Không học đại học sẽ không chỉ thiệt thòi cho bản thân học sinh mà còn ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, chất lượng đội ngũ cán bộ có đủ năng lực chuyên môn công tác sau này ở tỉnh”, vị Hiệu trưởng trăn trở.
Có ý kiến cho rằng: những học sinh miền núi, dân tộc thiểu số đã được hưởng chế độ hỗ trợ (học phí, bán trú…) theo quy định, việc giữ điểm cộng ưu tiên như trước đây sẽ tạo ra độ chênh lớn về chính sách giữa thí sinh miền núi và các thí sinh ở đồng bằng - do không được cộng điểm cũng không có hỗ trợ. Về điều này, thầy Hiệu trưởng nêu quan điểm: về mặt chính sách, triển khai hỗ trợ cho học sinh miền núi là rất nhân văn, khích lệ cả về tinh thần và vật chất cho các gia đình khó khăn của tỉnh.
Theo vị Hiệu trưởng này, những khoản hỗ trợ như gạo, tiền học phí chỉ là một phần, còn về đặc thù kinh tế, khoảng cách địa lý, quãng đường các em đến trường vất vả, chật vật, phải ở trọ vì nhà xa, thì không khoản hỗ trợ nào có thể bù đắp được.
"Cho nên, nhất thiết phải cộng điểm cho thí sinh miền núi như trước đây thì mới tạo điều kiện để các em có cơ hội học tập, theo kịp miền xuôi", vị này nhận định.
Có quan điểm khác với chia sẻ của vị Hiệu trưởng trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Vũ Trí Hào, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Vũ Lễ (huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn) cho rằng, cơ chế mới về điểm ưu tiên cho thí sinh xét tuyển vào trường đại học, cao đẳng nhằm tạo đánh giá đồng đều giữa các vùng. Đồng thời, tạo thuận lợi cho các học sinh có động cơ học tập đúng đắn ngay từ đầu chứ không phụ thuộc quá nhiều vào điểm cộng ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Sinh hoạt ngoại khoá của học sinh Trường Trung học phổ thông Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn. (Ảnh: Website nhà trường). |
“Tôi cho rằng, không "bênh vực" cho thí sinh thuộc vùng nào mà cần nhìn nhận khách quan, tổng thể trong công tác xét tuyển, thi tuyển đại học để tạo chất lượng giáo dục tốt nhất.
Không thể phủ nhận, thực tế nhờ có điểm cộng ưu tiên mà học sinh miền núi được mở rộng cơ hội tiếp tục học lên sau khi hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.
Có những học sinh người dân tộc thiểu số, điểm thi của các em có thể không trúng tuyển đại học, nhưng nhờ có điểm cộng mà các em đủ điểm đỗ. Khi đó, những thí sinh không được cộng điểm sẽ ít nhiều có thiệt thòi hơn”, thầy Hào chia sẻ.
Theo thầy Hào phân tích, các em học sinh thuộc đối tượng là người dân tộc thiểu số của trường hàng tháng đều được hưởng đầy đủ chính sách trợ cấp tiền học, ăn, gạo… trong khi học sinh ở khu vực phát triển hơn, vẫn có những gia đình cũng rất khó khăn, không được hưởng chế độ, chính sách cộng điểm. Vậy nên, việc hỗ trợ tiền, gạo hàng tháng cho học sinh thuộc đối tượng dân tộc thiểu số đã là tạo tính công bằng trong giáo dục, hoàn toàn có thể áp dụng quy định giảm ưu tiên điểm theo cách tính mới trong tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2023.
Chính sách cộng điểm ưu tiên không nên dừng lại ở 2 năm
Liên quan đến quy định từ năm 2023, thí sinh chỉ được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp trung học phổ thông (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp, vị Hiệu trưởng của trường trung học phổ thông của huyện Mường La, tỉnh Sơn La cho rằng, quy định mới có ưu điểm là tạo “giới hạn” cho chính bản thân học sinh, để các em phấn đấu học và quyết tâm thi đỗ đại học.
Tuy nhiên, nếu duy trì cộng điểm ưu tiên được mãi mãi, không chỉ dừng lại ở 2 năm, thì vẫn thuận lợi hơn cho thí sinh, nhất là thí sinh có hộ khẩu và học tập tại các khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa.
Do đó, thầy Hiệu trưởng kiến nghị nên xem xét lại quy định hưởng chính sách ưu tiên khu vực có thời hạn 2 năm.
“Những năm gần đây, tình trạng “lạm phát” điểm thi đại học khiến cho tỷ lệ học sinh của trường, tỉnh đỗ vào các trường đại học top đầu về đào tạo các ngành y khoa, kinh tế, ngân hàng... rất hiếm. Việc này ảnh hưởng nhiều đến trình độ đội ngũ con người, cũng như chất lượng, tốc độ phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Do điều kiện tự nhiên, việc phát triển kinh tế xã hội miền núi còn thấp cùng nhiều yếu tố khách quan khiến cho học sinh chưa thể đạt các mức điểm thi cao và chạm ngưỡng tuyệt đối như điểm chuẩn của một số khối ngành, khối trường top đầu quy định.
Trong khi đó, là địa phương miền núi nên tỉnh rất cần đầu tư cho đội ngũ nhân tài trẻ. Do vậy, cần duy trì chính sách cộng điểm ưu tiên, không dừng lại ở 2 năm để học sinh vùng cao có cơ hội rộng mở, được học đại học, tiếp cận kiến thức chuyên sâu về ngành nghề, nâng cao trình độ, theo kịp với xã hội”, vị Hiệu trưởng nói.
Cùng bàn về vấn đề này, thầy Hào cho biết: “Với công tác tuyển sinh đại học, tôi đề xuất giữ nguyên cách cộng điểm ưu tiên khu vực đối với thí sinh vùng miền như cũ, còn đối với đối tượng học sinh người dân tộc thì có thể áp dụng cách tính mới.
Bởi lẽ, dẫu sao, học sinh ở vùng miền sâu, xa, không thuận lợi cũng có những thiệt thòi hơn so với học sinh ở đồng bằng, thành thị.
Một quy định đã thành nếp quen, khi bỏ hoặc thay đổi sẽ có một bộ phận chịu ảnh hưởng bởi quy định đó tiếc nuối và khó đồng tình ngay. Học sinh ở vùng cao, người dân tộc thiểu số đang được cộng điểm ưu tiên nay lại giảm dần đều và giới hạn áp dụng 2 năm theo quy định mới thì sẽ có tâm lý hụt hẫng, khó ủng hộ quy định mới ngay lập tức được.
Song, điểm mấu chốt là chúng ta phải nhìn tổng thể xem thay đổi về cách tính điểm ưu tiên trong tuyển sinh năm 2023 có đem đến sự công bằng trong toàn hệ thống, có lộ trình và là tiền đề để nâng cao chất lượng giáo dục đại học hay không".
Nhằm đảm bảo công bằng giữa thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên và thí sinh không hưởng chính sách ưu tiên, từ năm 2023, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) được xác định theo công thức riêng.
Cụ thể, nếu thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên, mức điểm ưu tiên mà thí sinh hưởng được tính theo công thức sau: Điểm ưu tiên = [(30 - tổng điểm đạt được)/7,5] x mức điểm ưu tiên theo khu vực, theo đối tượng của thí sinh.Và với công thức trên, 1 học sinh khu vực 1 thi đạt 22,5 trở xuống thì được cộng 0,75 điểm ưu tiên khu vực. Nhưng cũng thí sinh đó đạt 27 điểm thì điểm ưu tiên chỉ còn 0,3 và đạt 29 điểm chỉ còn 0,1 điểm ưu tiên khu vực.
Theo Bộ Giáo dục và Đạo tạo, với công thức tính điểm ưu tiên này sẽ không xảy ra bất kỳ trường hợp nào điểm chuẩn trên 30 điểm, vì khi thí sinh đạt 30 điểm/3 môn nghĩa là điểm ưu tiên của thí sinh sẽ bằng 0.