"Thầy giáo đặc biệt" ở Bình Liêu kiên trì bám bản, dành tình yêu cho con trẻ

28/02/2023 06:49
LAN ANH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Xác định làm nghề giáo viên mầm non, bản thân tôi không ngại việc chăm sóc, dạy múa hát cho trẻ, các cô giáo làm được, tôi cũng làm được.

Lâu nay, nói đến cấp mầm non, chắc hẳn ai nấy cũng đều nghĩ đến hình ảnh thân quen các cô giáo khéo léo, hát hay, múa giỏi.

Thế nhưng, được sự giới thiệu của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bình Liêu (Quảng Ninh), chúng tôi mới biết ở xã vùng cao Đồng Tâm có một lớp học đặc biệt của một người thầy đặc biệt.

Đó là thầy giáo Ngô Văn Bằng (sinh năm 1981), giáo viên điểm trường Nà Áng, Trường Mầm non Đồng Tâm, hằng ngày vẫn hết lòng dành tình yêu thương để chăm sóc, dạy dỗ trẻ.

Dù chỉ mới nghe qua câu chuyện về thầy Bằng, chúng tôi đã rất muốn được gặp người thầy đặc biệt ấy - giáo viên mầm non nam giới duy nhất tại huyện vùng cao Bình Liêu.

Thầy giáo Ngô Văn Bằng hướng dẫn các bé tập thể dục buổi sáng (Ảnh: Lan Anh)

Thầy giáo Ngô Văn Bằng hướng dẫn các bé tập thể dục buổi sáng (Ảnh: Lan Anh)

Xuất phát lúc 5 giờ sáng từ thành phố Hạ Long, khi tiết trời mùa đông vẫn còn lờ mờ sương, lạnh cắt da, cắt thịt, chúng tôi di chuyển khoảng 2 tiếng mới đến thị trấn Bình Liêu (huyện Bình Liêu).

Để đến điểm trường Nà Áng, Trường Mầm non Đồng Tâm phải mất thêm 30 phút nữa đi bằng xe máy, qua con đường quanh co, uốn lượn, nhỏ hẹp.

Điểm trường Nà Áng hiện lên trước mắt chúng tôi không phải là cơ sở trường học riêng biệt, mà là nhà văn hóa thôn.

Đón tiếp chúng tôi với nụ cười niềm nở, thầy Bằng nói: “Điểm trường mới đang được xây rồi, nhưng chưa xong.

2 năm nay các con phải học nhờ nhà văn hóa của thôn, nhà vệ sinh không khép kín nên hơi bất tiện. Những hôm trời mưa, tôi phải cho trẻ đi vệ sinh vào bô tại lớp”.

Vừa nói thầy Bằng vừa với tay rót ấm chè đặc mới pha còn bốc khói nghi ngút. Xã Đồng Tâm mùa này buổi sáng trời đặc quánh sương mù. Chỉ ngồi nói chuyện với chúng tôi được 5 phút, thầy Bằng đã phải ra sân để đón trẻ.

Những trẻ mầm non ở đây dù đã quen với thời tiết khắc nghiệt, nhưng hai má lúc nào cũng đỏ hây hây, khô khan, nứt nẻ, trông rất đáng yêu, nhưng cũng rất đáng thương.

Dáng người cao ráo, thầy Bằng cứ luôn chân, luôn tay với đủ việc không tên, từ cử chỉ ân cần, âu yếm khi trẻ khóc, đến việc tự tay làm đồ chơi, cho trẻ tập thể dục, dạy học, vệ sinh, chăm sóc các bé từng bữa ăn, giấc ngủ…

Lúc các con ngủ, thầy và các cô giáo ở đây mới được ăn cơm. Cứ như vậy, đến 17 giờ thầy Bằng mới kết thúc một ngày làm việc.

Những công việc tưởng chừng chỉ các cô giáo mới có thể làm chu đáo, thì thầy Bằng đều làm được và làm tốt hơn chúng tôi nghĩ.

Thầy giáo Ngô Văn Bằng hàng ngày vẫn hết lòng dành tình yêu thương để chăm sóc, dạy dỗ trẻ (Ảnh: Lan Anh)Thầy giáo Ngô Văn Bằng hàng ngày vẫn hết lòng dành tình yêu thương để chăm sóc, dạy dỗ trẻ (Ảnh: Lan Anh)

Thầy Bằng tâm sự: “Tôi vào nghề từ năm 2006, gắn bó đến nay đã được 17 năm đều dạy ở Trường Mầm non Đồng Tâm.

Quá trình công tác, tôi đã phải đi rất nhiều điểm trường xa xôi khó khăn như Ngàn Phe, Ngàn Vàng…

Xác định làm nghề giáo viên mầm non, bản thân tôi không ngại việc chăm sóc, dạy múa hát cho trẻ, các cô giáo làm được, tôi cũng làm được.

Dù công tác tại địa bàn khó khăn của huyện, giao thông đi lại cách trở, nhưng với tình yêu dành cho con trẻ, tôi vẫn kiên trì bám bản.

Những nụ cười, sự phát triển của các bé mỗi ngày chính là động lực để tôi tiếp tục gắn bó với nghề”.

Người thân, bạn bè từng khuyên không nên chọn nghề sư phạm mầm non, bởi nghề vất vả, thu nhập thấp và đó là nghề dành cho nữ giới, nhưng đến nay sau hơn 17 năm trong nghề, thầy Bằng vẫn không ân hận với quyết định của mình.

Bởi với thầy, khi thật tâm yêu nghề, mến trẻ thì không phân biệt giới tính, người thầy sẽ vừa là người mẹ, người cha, phụ huynh cũng an tâm khi đưa con tới trường.

Nhận xét về thầy Bằng, cô giáo Tô Thị Hoàng (điểm trường Nà Áng, Trường Mầm non Đồng Tâm), chia sẻ: “Thầy Bằng là người hòa đồng, đoàn kết, sẵn sàng giúp đỡ đồng nghiệp. Thầy luôn tâm huyết với nghề, mến trẻ, đồng thời luôn chia sẻ khó khăn, động viên giáo viên trong trường.

Dạy trẻ mầm non đối với giáo viên nữ đã vất vả rồi, nhưng là giáo viên nam còn khó khăn hơn. Thầy cũng là tấm gương để chúng tôi học hỏi”.

LAN ANH